Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Vua nước Việt xưa làm gì khi quốc gia gặp thiên tai, ngập lụt?

Bấy lâu nay nhiều người vẫn nghĩ rằng vua chúa thời xưa là những người nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, tự nhận mình là Thiên tử (con Trời) để lừa phỉnh dân chúng, quy tụ lòng người. Nhưng thật ra, cái từ Thiên tử ấy chẳng dễ mang trên thân chút nào.

Lời cảnh tỉnh từ Thiên thượng và việc phải làm của bậc quân vương

Người xưa cho rằng, Thiên tử chính là được lệnh Trời mà xuống dẫn dắt dân chúng, là “Phụng Thiên thừa vận, thụ mệnh vu Thiên” (tuân phụng Trời thuận theo vận Trời, vâng theo mệnh lệnh từ Thiên thượng) mà xuống giúp dân. Thế nên kẻ làm Thiên tử cũng chỉ là được cấp cho chút năng lực mà giúp đỡ dân chúng. Việc của Thiên tử là gây dựng đời sống ấm no, giáo huấn dạy dỗ lương dân. Nếu trái mệnh, ắt sẽ không có chiếu cố mà bị tước bỏ Thiên mệnh. Bậc quân vương do đó phải luôn tu dưỡng đạo đức, nếu có điều sai sẽ được cảnh báo từ Thiên thượng, và thiên tai chính là một lời cảnh báo rõ ràng nhất.

Thế nên bậc quân vương xưa luôn kiểm điểm, hướng vào trong mà tìm ra cái sai từ mình, sẵn sàng nhận lỗi trước mỗi tai ương, biến cố bất thường của đất trời. Bởi “Thiên Nhân hợp nhất”, lòng người có oán uất thì mới có thiên tai. Người ở trên vạn người vô đức thì Trời mới giáng họa cảnh báo. Nếu là việc loạn lạc trong xã hội, dân đói nghèo, lầm than, đời sống không thuận, lợi ích bị đe dọa, thì chắc chắn người làm vua, làm quan phải biết nhận lỗi và sửa sai ngay tức thì.

Tháng 8 năm Tân Hợi (1491), trời mưa nhiều ngày gây ngập úng nặng, vua Lê Thánh Tông sai quan các địa phương chỉ huy việc khơi thông nước để cứu lúa mạ. Vua còn họp bàn với triều thần và nói với họ rằng:

“…Vì chính trị thiếu sót nên Trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra thế, chứ nhân dân có tội gì đâu. Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến Trời mà đến thế chăng?”.

Vua Lê Thánh Tông

Trước đó, trong lịch sử Việt Nam cũng đã có rất nhiều vị vua xuống chiếu tự trách tội sau những biến cố hạn hán, mất mùa, thiên tai kỳ dị như sao sa, động đất…

Ngày 27 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1438) vì có nhiều thiên tai, vua Lê Thái Tông đã xuống chiếu tự trách tội. Bài chiếu có đoạn:

Mấy năm nay hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quản tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng Trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Vua Lê Nhân Tông lên ngôi báu khi tuổi còn rất trẻ nhưng đã sớm hiểu trọng trách nặng nề của một bậc Thiên tử. Ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Hợi (1443), vua xuống chiếu rằng:

Mới rồi Trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là do phụ thuộc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm vừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưa xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng? Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng? Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng Trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1449), vua Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình sau khi đất nước trải qua một năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Tờ chiếu có đoạn:

…Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng Trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sử sách chép rằng sau khi tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy Trời liền đổ mưa.

Xa xưa hơn nữa, những vị vua đầu tiên trong lịch sử châu Á cũng đã biết tự trách mình, nên mới trở thành thông lệ cho các bậc minh quân sau này.

Khi nhà Thương bị hạn hán nặng mấy năm liền, ngũ cốc mất mùa, viên quan đại thần phụ trách việc cúng tế nói cần dùng người làm vật tế, xin Trời mưa xuống. Vua Thang liền “tỉa tóc, cắt móng tay”, lấy bản thân mình làm vật tế, vào rừng dâu, “tự trách 6 tội lỗi của mình”, nói rằng: “Một mình ta có tội không liên quan đến vạn dân, vạn dân có tội đều là lỗi ở ta. Chỉ do một người bất kính, cúi xin Thượng đế quỷ thần thương xót dân chúng”. Ngay sau đó, dân chúng hết sức vui mừng vì mưa to như trút nước.

Chưa cần thấy tác dụng tức thì, chỉ cần thấy quan điểm làm “cha mẹ dân” có chính hay không

Chưa xét đến việc liệu những lời tự trách tội của các bậc quân vương thời xưa có thật sự liên quan đến việc Trời đã đổ mưa cứu giúp hạn hán, mất mùa hay không. Nhưng có một điểm chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi được từ lịch sử. Những lời tự trách mình của các bậc minh quân chẳng phải chỉ vì để làm yên lòng dân chúng, một kiểu nhận lỗi qua loa và hình thức; Mà đó đều có xuất phát điểm từ quan niệm làm vua, quan thì để làm gì và phải làm gì. Nếu ai ai làm “cha mẹ dân” cũng hiểu rằng, mình ở vào được địa vị này là để chăm lo cho đời sống nhân dân, chứ không phải làm bề trên của dân, thì ắt khi dân có nạn, họ sẽ biết trước tiên phải nhìn lại mình.

Ngày nay, đa phần người ta nghĩ làm quan là để có danh, có lợi, nhưng lại không đi kèm với trách nhiệm. Cho nên trước những sai sót trong bộ máy vận hành, nếu không phải là lỗi trực tiếp của mình thì đương nhiên là không liên quan tới mình. Trước những sự việc có thể ảnh hưởng tới việc quy trách nhiệm thì nhanh chóng thoái thác, trốn tránh bằng sự giảo hoạt trong ngôn từ.

Xưa vua trong khi trách mình luôn tự nhận bản thân là người “thiếu đức”, “đức mỏng”, “vô đức”… Trong mọi sai sót của bản thân, thì nguyên do đều là từ việc tu sửa đạo đức chưa đầy đủ. Nhưng quan chức thời nay, nếu có sai lầm thì là do trình độ chưa cao, còn “hạn chế về mặt nhận thức”, chưa có kinh nghiệm hay thậm chí còn còn đổ vấy cho người khác theo kiểu là vì mình chưa được chỉ đạo sát sao. Họ đã tự giảm cái lỗi của mình từ vô đức, xuống thành vô học, vô ý là cùng thôi.

Trong những điều các bậc minh quân xưa tự kiểm điểm, luôn có phần tự vấn rằng có phải do mình dùng người chưa đúng. Nghĩa là việc cấp dưới làm sai cũng là lỗi của bề trên. Nhưng người làm quan thời nay nhiều người chỉ lo bảo hộ bản thân, trốn trách nhiệm, thậm chí sẵn sàng đổ vấy cho cấp dưới và coi như sai lầm của cấp dưới thì không có một phần trách nhiệm của mình trong đó.

Từ quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ dẫn tới cách hành xử khác nhau. Nếu như những bậc “cha mẹ của dân” thời nay có thể nhớ và lưu giữ được cái ý nghĩa thực sự của việc làm cha làm mẹ dân là thế nào, thì chắc chắn nhà nước không còn phải lo đi chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Người dân không còn phải cảm thấy quá chật vật và áp lực khi tự lo đời sống cho mình, cũng chẳng còn những bức xúc, mất niềm tin dẫn tới quá khích và bịa đặt vô lý. Bởi “đại phu là bậc dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình ngay thẳng, chính đáng thì còn ai dám ăn ở bất chính đây?” (Khổng Tử, Luận Ngữ, Chương Nhan Uyên).

https://www.dkn.tv/

Related posts

Về thi thể nát tan của một người chọn đi bộ đội

Trung Quốc nhòm ngó “kho báu” khoáng sản 1 nghìn tỷ đôla ở Afghanistan

Tin Tức Đa Chiều

Thủ tướng CSVN tuyên bố sẵn sàng đối thoại về nhân quyền với bất kỳ người nào trên thế giới

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment