Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng của Mỹ và Đức đã cập bến Ukraine? Hé lộ chân tướng

Theo như thông tin do Văn phòng Sự vụ Châu Âu và Châu Phi của Quân đội Mỹ công bố, Bộ Quốc phòng Mỹ dự trữ các thiết bị quân sự ở nhiều nơi trên thế giới cho những trường hợp khẩn cấp và những cơ sở này được gọi là “kho dự trữ quân sự” (Army Preposition Stock), khiến mạng xã hội Twitter lại dậy sóng vì hình ảnh được cho là Mỹ, Đức đã gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Gần đây, một đoạn video được cho là “Vũ khí hạng nặng của Mỹ, Đức đã tới Ukraine” đã lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Twitter.

Đoạn video được tạo thành từ hai đoạn video ngắn: Đoạn đầu ghi lại cảnh một đoàn tàu chở đầy xe tăng ra khỏi nhà ga và đoạn thứ hai được quay bên cạnh đường ray mà đoàn tàu đi qua. Người quay phim nói bằng tiếng Đức với nghĩa là “Ở Mannheim. Mannheim”. Người chứng kiến nói rằng đây là xe tăng chuyển tới Ukraine.


Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Twitter

Sự thật là gì?

Theo The Paper (Trung Quốc), xét từ từ “Mannheim” được đề cập trong video, về cơ bản có thể xác định rằng địa điểm quay của video thứ hai là ở Mannheim, Đức.

Nếu tìm kiếm với các từ khóa như “Xe tăng Mannheim”, có thể tìm thấy một bài báo có tiêu đề Đường sắt Đức hiện đang được sử dụng để vận chuyển vật tư kho dự trữ quân sự 2 từ Mannheim đến Grafenwoehr đăng tải trên mạng quân sự Mỹ vào ngày 14/3.


Thông tin vận chuyển xe tăng liên quan của Mỹ.

Theo thông tin do Văn phòng Sự vụ Châu Âu và Châu Phi của Quân đội Mỹ công bố, Bộ Quốc phòng Mỹ dự trữ các thiết bị quân sự ở nhiều nơi trên thế giới cho những trường hợp khẩn cấp và những cơ sở này được gọi là “kho dự trữ quân sự” (Army Preposition Stock). Có tổng cộng sáu kho dự trữ quân sự của quân đội Mỹ ở châu Âu, bao gồm cơ sở ở Mannheim. Khu huấn luyện Grafenwoehr nằm ở miền nam nước Đức và là một phần của căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Âu.

Được biết, lô hàng phương tiện và thiết bị bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams, pháo tự hành M109 Paladin và xe chiến đấu Bộ binh M2 Bradleys. Bài báo gọi chuyến hàng là “sứ mệnh đường sắt chung Mỹ-Đức” và cho biết động thái này “thể hiện sự đoàn kết và hợp tác giữa các đồng minh NATO và thực hiện các cam kết của Mỹ với các đồng minh.”

Điều quan trọng, tin tức này được đính kèm những bức ảnh về xe tăng. Sau khi so sánh từ các góc độ, về cơ bản có thể xác định rằng xe tăng trong video lan truyền trên mạng là cùng một mẫu với các xe tăng trong kho dự trữ, chúng đều là xe M1A2 của quân đội Mỹ.

Tin tức trên được đưa ra vào ngày 14/3, sớm hơn 4 ngày so với thời điểm video lan truyền vào ngày 18/3. Ngoài ra, theo thông tin chi tiết được tiết lộ trong bài báo, đơn vị nhận quân đợt này là Lữ đoàn hỗ trợ dã chiến 405 của Đức.

Truy cập vào trang thông tin chính thức của Lữ đoàn hỗ trợ dã chiến 405 để xác minh, có thể thấy trong ngày 18/3, ít nhất một số linh kiện và vật tư từ kho dự trữ trên đã được chuyển đến. Thời gian này trùng với thời gian video lan truyền trên mạng.


Lữ đoàn hỗ trợ dã chiến 405 đưa tin về lô hàng quân sự của Mỹ.

Mỹ-Đức viện trợ xe tăng cho Ukraine?

Kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, viện trợ của Nhà Trắng cho Ukraine đã lên tới 2 tỷ USD. Trang thông tin chính thức của Nhà Trắng liệt kê một danh sách cụ thể các loại vũ khí và trang bị viện trợ cho Ukraine, bao gồm các thiết bị riêng lẻ như đạn và áo chống đạn, cũng như vũ khí hạng nặng như trực thăng và tàu tuần tra, nhưng không bao gồm bất kỳ loại xe tăng nào. Điều này đủ cho thấy những chiếc xe tăng trong video không phải là hàng viện trợ của Mỹ cho Ukraine.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc ngày 22/3 (theo giờ địa phương) thông báo, lô hàng trang thiết bị trị giá 800 triệu USD do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã được vận chuyển, nhưng nó vẫn chưa đến Ukraine. Nếu đoạn video lan truyền trên mạng xã hội là thật thì những chiếc xe tăng này đã khởi hành từ Đức trước ngày phát hành đoạn video (18/3), và khó có khả năng đến ngày 22/3 rồi mà chúng chưa tới Ukraine. Điều này càng loại trừ khả năng những chiếc xe tăng xuất hiện trong video là hàng viện trợ của Mỹ cho Ukraine.

Về phần Đức, cường quốc châu Âu đã chấm dứt chính sách lịch sử không gửi vũ khí tới các khu vực xung đột vào ngày 26/2, khi thông báo chuyển giao 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine; đến ngày 3/3, Đức hỗ trợ thêm 2.700 tên lửa phòng không vác vai Needle.

Nhưng điều này cũng không chứng minh được tính xác thực của video – không có xe tăng nào trong danh sách viện trợ, và thời điểm phát hành video (18/3) cách xa với ngày công bố viện trợ của Đức (3/3).

Viện trợ của NATO cho Ukraine cũng không bao gồm xe tăng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 16/3 rằng NATO sẽ cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ như trang thiết bị vũ khí, hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng v.v… nhưng sẽ không cử binh lính tới Ukraine, điều này là lập trường nhất trí của khối.

Như vậy, thông tin “Mỹ và Đức viện trợ xe tăng cho Ukraine” là chưa chính xác tính đến thời điểm này. Các thiết bị viện trợ mà Mỹ và Đức cung cấp cho Ukraine không bao gồm xe tăng, vì vậy không có bằng chứng cho thấy xe tăng trong video sẽ được chuyển đến Ukraine.

Vào ngày 14/3, một số thiết bị quân sự, bao gồm cả xe tăng M1A2, được vận chuyển từ Mannheim đến Grafenwall. Dựa trên thông tin từ các bên, chiếc xe bọc thép trong video rất có thể là hàng trong kho dự trự của quân đội Mỹ ở Mannheim.

Related posts

Hé lộ về vật thể lạ phát sáng giống UFO trên bầu trời nước Mỹ

Tin Tức Đa Chiều

Thống đốc bang Florida khởi động cuộc tấn công chống lại Big Tech

Tin Tức Đa Chiều

Mỹ vừa nói cái điều Bắc Kinh lo sợ nhất bây giờ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment