Có câu “hổ dữ không ăn thịt con”, những vụ án cha mẹ giết con, đều để lại không ít những thương tâm cũng như bức xúc cho nhiều người, bởi sự tàn bạo của nó vượt quá cả chuẩn tắc làm người. Tuy nhiên, một trường hợp cũng người mẹ giết con dưới đây lại lấy đi không biết bao nước mắt của người chứng kiến tại phiên tòa xử án.
Vụ án xảy ra vào năm 2017 tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, người ta nhìn thấy một người phụ nữ tên Hoàng, 86 tuổi, một mình đến trước đồn cảnh sát để đầu thú vì đã ra tay sát hại chính con trai mình.
Tại hiện trường vụ án, nạn nhân là một người đàn ông 46 tuổi, tên Lý, bị bại liệt bẩm sinh, đang nằm trên chiếc giường của chính mình. Nguyên nhân cái chết của anh được xác định là do bị siết cổ trong tình trạng mất hoàn ý thức vì thuốc ngủ, mũi miệng đều bị bịt kín gây ngạt thở.
Người phụ nữ sau đó đã nhanh chóng bị bắt giam, trong phiên tòa xét xử, mọi người đều tỏ ra bức xúc trước hành vi độc ác của người mẹ, đã ra tay với chính con trai ruột, hơn nữa anh lại là người khuyết tật, không có khả năng chống trả.
Bà còn rành mạch kể lại chi tiết các bước thực hiện việc sát hại con rằng, vào lúc 14h ngày 9/5/2017, nhân lúc nhà không có ai, bà đã trộn 60 viên thuốc ngủ vào thức ăn rồi đem đút cho con trai. Đợi con trai dần mất ý thức, bà dùng vải bịt lên mặt nạn nhân rồi trực tiếp siết cổ con trai bằng khăn bông cho đến chết.
Lời khai của bà tại phiên tòa khiến nhiều người vô cùng tức giận, có người còn nguyền rủa, chì chiết người mẹ già thậm tệ, nói bà hãy chết theo đứa con mà chính tay bà đã sát hại đi. Người ta còn ném đá vào người bà, cầu mong pháp luật trừng trị bà thật nghiêm minh.
Lúc này người mẹ vẫn không tỏ ra chút oán trách hay tức giận nào với những người mắng chửi mình. Bà nhẹ nhàng tường thuật tiếp về cuộc đời mình như sau.
Năm 1971, anh Lý khi mới sinh ra, vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác. Trước Lý bà cũng từng sinh một người con trai khỏe mạnh bình thường. Cả gia đình bà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Ai cũng ngưỡng mộ bà có phúc khi sinh được 2 cậu con trai như thế, hẳn lớn lên sẽ rất được nhờ.
Nào ngờ đứa con bà yêu thương ngày qua ngày đều không chịu trưởng thành. Năm 3 tuổi, mọi đứa trẻ khác lẽ ra đều đã nói bập bẹ được vài chữ thì anh Lý vẫn chưa biết đi. Đến năm 4 tuổi, anh Lý cũng chỉ chập chững bước được vài bước là ngả, nói năng cũng không được trôi chảy, cứ lắp ba lắp bắp.
Cảm thấy lạ, nên bà đã đưa con trai đi khám bác sĩ, và phát hiện, do sinh thiếu tháng, nên não bộ của Lý bị ảnh hưởng, gây ra các bệnh về xương.
Tại phiên tòa, hai hàng nước mắt của bà bắt đầu lăn trên má, “Nó là đứa con trai sinh non của tôi. Khi nó ra đời, bác sĩ bảo nó bị khuyết tật bẩm sinh, có vấn đề về trí não nên sẽ không lớn lên như bao đứa trẻ khác. Tôi gần như sụp đổ vào khoảnh khắc đó, đứa con bé bỏng của tôi thật bất hạnh”, bà nói về con bằng ánh mắt chan chứa tình thương, không hề giống với một người mẹ tàn nhẫn muốn giết con của mình.
Mặc dù bệnh của anh có thể trị liệu dần bằng cách bổ sung dinh dưỡng. Nhưng thời điểm đó, y học chưa phát triển nên căn bệnh của Lý thật rất khó để điều trị.
Tuy nhiên suốt nhiều năm trời, bà Hoàng vẫn không bỏ cuộc, mà vẫn đưa con đi khắp nơi chạy chữa. Tìm đủ biện pháp để giúp con trai khỏe mạnh như người bình thường, bà Hoàng mỗi ngày còn bỏ thời gian ra dạy con luyện nói, học toán, nhưng cậu vẫn không thể tiếp thu được một chút gì.
Không từ bỏ hy vọng, bà cho con đến trường để được giao tiếp với môi trường bên ngoài và có bạn bè. Mỗi ngày bà đều cõng con đến trường, bất kể là ngày nắng hay mưa.
Đến khi Lý dần trưởng thành, thường được mẹ cõng nên anh cảm thấy xấu hổ với bạn bè, cộng với việc đầu óc không thông minh nên rất khó để tiếp tục bài vở. Anh đã xin được nghỉ học hoàn toàn.
Năm bà Hoàng 47 tuổi, bà quyết định xin nghỉ hưu để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho con trai. Lúc này đối với Lý là khoảng thời gian anh hạnh phúc vui vẻ nhất, vì có mẹ lúc nào cũng bên cạnh bầu bạn, còn được mẹ chăm sóc.
“Có tôi bên cạnh, nó ăn ngon hơn, vui hơn vì có người bầu bạn”, bà chia sẻ.
Nhưng sức khỏe của anh Lý càng ngày càng trở nên yếu dần đi, năm 30 tuổi, tay chân anh gần như là không còn sức để nhấc lên, ngày càng teo tóp, anh cũng không thể nói được nữa, chỉ nằm im một chỗ bất động cho mẹ chăm sóc. Từ đó, bà Hoàng ngày càng vất vả hơn.
Đã nhiều năm cố gắng như vậy, nhưng Lý vẫn không hồi phục, thậm chí còn ngày càng nặng hơn, khiến bà Hoàng dần trở nên tuyệt vọng và đau khổ.
“Hằng ngày mẹ tôi sẽ là người bón cho em tôi ăn, còn tôi sẽ tắm rửa cho em”, anh trai của Lý nói trước tòa.
Đến khi bà Hoàng ngày càng già yếu, cơ thể không còn khỏe mạnh như trước nữa. Bà luôn cảm nhận được rằng, mình sẽ không còn sống được bao lâu.
“Tôi chăm sóc nó rất vất vả, bản thân tuổi tác cũng cao rồi, sức khỏe ngày càng yếu đi khiến tôi sợ lắm, sợ rằng sẽ chết trước nó”, bà Hoàng cho biết.
Từ đó, bà nhen nhóm ý định kết liễu con trai, để khi bà ra đi con sẽ không phải chịu khổ vì không có ai chăm sóc. Bản thân người mẹ hiểu rằng, trên đời này có mấy ai chịu hy sinh cho con nhiều như mẹ. Trên đời này có ai chịu đứng ra chăm sóc và yêu thương anh Lý nhiều như chính bà? Chăm sóc một người không dễ, đặc biệt là người tàn tật. Nếu một ngày anh không còn mẹ nữa, anh sẽ ra sao?
“Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều mới dám cho con uống thuốc ngủ, để nó được chết trong vô thức”, bà Hoàng đau đớn kể lại.
Trước phiên tòa, những dòng nước mắt đau khổ của người mẹ liên tục rơi, xen lẫn với lời kể về câu chuyện buồn đến não lòng của bà. Cả phiên tòa mọi người dường như chết lặng, không còn tiếng ai mắng mỏ bà lời nào nữa.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định hành động. Thử hỏi, người mẹ nào lại muốn giết con mình kia chứ? Dù cả đời vất vả, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ rơi đứa trẻ tội nghiệp này. Chỉ là tôi sắp không còn đủ sức chăm sóc nó nữa rồi, tôi không biết làm gì khác.
Tôi thà chịu cảnh tù tội, mang tiếng là người mẹ độc ác, không có nhân tính trong mắt người khác, còn hơn là phải để đứa trẻ sống không bằng chết khi tôi qua đời. Ở tuổi 83 này, tôi cũng sẽ sớm đoàn tụ với con trai của mình thôi”, bà Hoàng nói bằng giọng run run, vừa lau nước mắt.
Công tố viên lại tiếp tục hỏi bà, vì sao không gửi gắm Lý cho anh trai mình chăm sóc thay bà. Thì bà giãi bày rằng, bà là người sinh ra Lý thì phải là người chịu trách nhiệm với con trai đến cuối cùng. Dẫu là anh trai thì vẫn còn có gia đình riêng, không thể để trách nhiệm nặng nề ấy lên đứa con trai út được.
Dĩ nhiên không ai đồng tình với việc một người mẹ giết con của mình, đây hoàn toàn là một hành vi rất tiêu cực. Rõ ràng, không ai có quyền tước đoạt đi sự sống của một người dẫu cho đó là đấng sinh thành. Bởi theo quan niệm trong tôn giáo, sát sinh là tội ác, huống gì con cái lại là Trời ban, giết người đồng nghĩa với làm trái với ý trời rồi.
Nhưng qua đó, cũng thấy sự tuyệt vọng của người mẹ đã đến mức không thể làm gì khác. Xã hội quá khắc nghiệt, bà Hoàng hiểu rất rõ điều đó, bà như bị đẩy vào đường cùng của bế tắc vì sẽ không ai sẵn lòng chăm sóc cho đứa con tật nguyền của bà được tốt như chính bà. Và giây phút bà tự tay giết con mình, khó ai có thể hiểu được trong lòng người mẹ đã đau đớn tuyệt vọng đến mức nào.
Được biết, vụ việc này của bà Hoàng một thời gian dài đã làm dậy sóng trên cộng đồng mạng Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ rằng, những gia đình có người nhà bị khuyết tật quả thật là cực kỳ khó khăn.
Một người dùng mạng chia sẻ: “Ở đất nước này, bệnh tâm thần hoặc tàn tật có thể làm cho cuộc sống của một gia đình bình thường trở thành thảm họa. Thật sự không có đủ sự hỗ trợ cho những gia đình như vậy”.
https://tinhhoa.net/