Theo như thông tin về luật mới của Trung Quốc khi yêu cầu các tàu nước ngoài “báo cáo thông tin chi tiết” khi đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố là ‘lãnh hải’ của mình vào hôm 1/9, Trung Quốc chính thức áp dụng Luật An toàn Hàng hải sửa đổi.
Các loại tàu phải báo cáo gồm: tàu lặn, tàu hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc.
TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (ISCS) bình luận với BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn hôm 1/9 rằng “đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam”, trong khi Việt Nam ‘phản ứng chậm’.
Vi phạm luật quốc tế và ‘mơ hồ’
Theo các chuyên gia, các yêu cầu về báo cáo như vậy từ lâu đã được tranh luận, nhằm cân bằng giữa đảm bảo an ninh trên biển và đảm bảo quyền tự do hàng hải của các quốc gia ven biển.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã tìm cách kết nối hai mối quan tâm này bằng cách đưa ra quy định về ‘chế độ đi lại vô hại’ trong lãnh hải của các quốc gia ven biển, tạo ra một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật biển hiện đại.
TS Nguyễn Thành Trung chỉ ra rằng, UNCLOS quy định rằng việc đi lại vô hại là “liên tục và nhanh chóng”, “miễn là nó không phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của Quốc gia ven biển”. Do đó, nếu một tàu nước ngoài đang thực hiện việc đi lại vô hại, các quốc gia ven biển sẽ không có quyền cản trở. Các quốc gia ven biển chỉ có thể cản trở nếu các tàu bị cáo buộc vi phạm chế độ đi lại vô hại theo Công ước.
Các hoạt động được coi là vi phạm chế độ ‘đi lại vô hại’ bao gồm “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nào chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Quốc gia ven biển”, “tập trận hoặc các hoạt động với vũ khí”, và “phóng, hạ cánh hoặc cất cánh bất kỳ thiết bị quân sự nào”.
Theo TS Nguyễn Thành Trung, Trung Quốc cũng vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế khi tuyên bố lãnh hải của mình lên tới 80% Biển Đông, bao gồm cả vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, ôm trọn quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa.
Trong khi theo quy định quốc tế, vùng lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý tiếp giáp với đường cơ sở của các quốc gia ven biển, và không áp dụng đối với các đảo của các quốc gia không phải quần đảo. Và Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo.
Luật này cũng mơ hồ khi Trung Quốc không nói rõ tàu nào sẽ bị liệt vào dạng ‘đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải’ của nước này.
Việt Nam chậm phản ứng
Hiện chưa thấy Việt Nam lên tiếng chính thức về luật này của Trung Quốc.
TS Trung cho hay điều này khiến ông thấy ‘ngạc nhiên’.
“Tôi đang đợi một công bố chính thức, cụ thể của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Việc này gióng với sự kiện Đá Ba Đầu vừa rồi, Việt Nam cũng lên tiếng phản đối chậm. Có lẽ Việt Nam hơi cẩn thận quá,” ông Trung nói với BBC.
Việc Trung Quốc áp dụng luật này ngay sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới châu Á, trong đó có Việt Nam, theo TS Trung, có thể không phải là ý định của Trung Quốc. Ông nói:
“Ông Tập Cận Bình ký luật này vào tháng Tư, tới nay mới áp dụng chính thức. Tôi cho rằng có chuyến thăm của bà Harris hay không thì họ vẫn đưa ra luật này.
“Tình hình Biển Đông căng thẳng theo chiều tịnh tiến. Trung Quốc làm từ từ, nhưng thay đổi nhỏ này cho thấy Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch lớn hơn của họ là độc chiếm Biển Đông, bất chấp các quốc gia khác.”
Việt Nam và các nước cần làm gì?
Cũng theo TS Nguyễn Thành Trung, Trung Quốc chính thức áp dụng luật này đẩy Việt Nam vào tình thế tiễn thoái lưỡng nan.
Nếu Việt Nam không thực hiện báo cáo có tàu thuyền đi qua các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa, có khả năng sẽ vấp phải ‘hình phạt’ từ phía Trung Quốc. Nếu báo cáo, có nghĩa Việt Nam thừa nhận tính hợp pháp của các đảo này.
Giải pháp lúc này, theo ông Trung, một mặt, cần thể hiện quan điểm của VN với luật này bằng cách phản đối nó. Mặt khác, cần tranh thủ sức mạnh của cá thể chế đa phương.
Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và nhất là các cường quốc như Nhật, Mỹ, Anh, do Biển Đông là một tuyến hàng hải huyết mạch của nhiều nước trên thế giới.
Các nước như Mỹ, Nhật… có thể thách thức luật này bằng cách tiếp tục thực hiện tự do giao thông hàng hải (FONOP) để xem Trung Quốc có thực thi được hay không. Hiện Trung Quốc chưa làm rõ các chế tài mà họ áp dụng nếu các quốc gia ‘vi phạm’ Luật An ninh Hàng hải sửa đổi là gì.
Tuy nhiên, TS Trung cảnh báo này việc này cũng sẽ có nguy cơ gây ra các căng thẳng mới trong khu vực.
Luật an ninh hàng hải sửa đổi có gì?
Luật này yêu cầu các nước có tàu thuyền thuộc nhóm tàu nói trên phải đăng ký tên, mã hiệu gọi tàu, vị trí, cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến cho chính quyền Trung Quốc.
Những hành vi bất hợp tác với Luật này có thể dẫn tới việc đối mặt với quân đội hoặc hải cảnh Trung Quốc. Mà theo điều 53 cũng của Luật này nêu, Trung Quốc có quyền ngăn chặn và dừng lại “các tàu nước ngoài qua lại không vô hại trong lãnh hải Trung Quốc” và Cục An toàn hàng hải Trung Quốc cảnh báo các trường hợp không tuân thủ sẽ “bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Hồi đầu năm 2021, Trung Quốc đã thông qua luật Hải cảnh sửa đổi, và bây giờ là Luật an ninh hàng hải sửa đổi.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với BBC thời điểm Trung Quốc đang sửa luật này rằng đây là “một vấn đề rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến xung đột quân sự trong khu vực, trên Biển Đông. Nhưng dường như ít được quan tâm đúng mức.”
Ông Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc muốn dùng các luật như vậy để làm bình phong nhằm đạt được các mục đích chính trị và kinh tế, buộc các quốc gia bị bắt nạt phải nhượng bộ.
Trước hết Trung Quốc sẽ thăm dò phản ứng của các nước bằng cách tăng cường các vụ va chạm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, chẳng hạn như vụ bắn tàu cá Việt Nam vừa qua. Nếu các nước không đồng lòng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và kịp thời, Trung Quốc sẽ đi các bước tiếp theo.