Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Vingroup xây nhà máy sản xuất vaccine, Nanocovax của Việt Nam có thể sớm được cấp phép

 Số ca mắc Covid-19. Số ca tử vong vì coronavirus ở Việt Nam. Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, tối nay có 4.773 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca mắc nCoV cả ngày lên thành 7.594 trường hợp, thêm 233 bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi phòng chống đại dịch Covid-19, tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ nhất định giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế cấp phép sớm cho vaccine “made in Vietnam” Nanocovax của Nanogen, đồng thời, đồng ý với chủ trương giãn cách xã hội của TP.HCM. Vaccine Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất có thể sẽ sớm được cấp phép.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây nhà máy sản xuất vaccine ở Hòa Lạc, Thạch Thất và được chính quyền Hà Nội phê duyệt vào danh mục dự án trọng điểm cấp bách được hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17.

Số ca mắc Covid-19, số ca tử vong của Việt Nam hôm nay là bao nhiêu?

Theo bản tin của Bộ Y tế, chiều tối 29/7, Việt Nam ghi nhận thêm 4.773 ca mắc Covid-19 mới (1 trường hợp nhập cảnh, còn lại 4.772 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca nhiễm phát hiện hôm nay lên thành 7.594.

Như vậy, tính đến chiều tối nay, Việt Nam đã có 128.413 ca mắc Covid-19, trong đó, đã điều trị khỏi cho 31.780 người, đang điều trị 95.766, số ca tử vong là 863.

Trong số 4.773 ca mắc mới, TP.HCM vẫn chiếm số lượng ca mắc nCoV cao nhất với 2.877 trường hiệp. Tiếp đó vẫn là Bình Dương 738, Long An 320, Đồng Nai, 166, Đồng Tháp 142, Bà Rịa – Vũng Tàu 133, Bình Thuận 63, thủ đô Hà Nội 58.

Đà Nẵng ghi nhận 54 trường hợp, Phú Yên 37, Bình Phước 36, Cần Thơ 33, Trà Vinh 18, Hải Dương 10, Thừa Thiên Huế 10, Quảng Nam 10, Bình Định 8, Đắk Lắk 7, Vĩnh Phúc 6, Thanh Hóa 6, Hậu Giang 5, Lạng Sơn 5, Phú Thọ 4, Cà Mau 4, Hà Tĩnh 4, Kiên Giang 3, Ninh Thuận và Nghệ An đều có ba ca mắc nCoV.

Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Hà Giang, Bạc Liêu có hai ca nhiễm tối nay. Trong khi đó, các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Ngãi chỉ có 1 trường hợp mắc.

Về tổng 7594 ca mắc trong ngày, Bộ Y tế cho hay, TP. Hồ Chí Minh 4592, Bình Dương 1144, Long An 499, Đồng Nai 325, Bà Rịa – Vũng Tàu 185, Đồng Tháp 157, Tây Ninh 139, Bình Thuận 63, Hà Nội 59, Đà Nẵng 54, Phú Yên 52, Đắk Lắk 44, Cần Thơ 39, Bình Phước 35, Vĩnh Long 31, Kiên Giang 21, Khánh Hòa 18, Trà Vinh 18, Hậu Giang 13, Bình Định 11, An Giang 10, Hải Dương 10, Thừa Thiên Huế 10, Quảng Nam 10, Nghệ An 7, Lạng Sơn 6, Vĩnh Phúc 6, Thanh Hóa 6.

Các tỉnh lần lượt phát hiện 4 ca nhiễm là Bạc Liêu, Đắk Nông, Phú Thọ, Cà Mau, Hà Tĩnh. Ninh Thuận 3 ca mắc. Những địa phương có hai ca mắc gồm Lâm Đồng, Hà Giang. Hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Ngãi mỗi nơi một trường hợp nhiễm.

Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 (27/4) đến nay, Việt Nam đã có thêm 124.635 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, hôm nay, có 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số ca đang điều trị ICU theo Bộ Y tế là 346, số ca nguy kịch cần can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO) là 19.

Đáng chú ý, hôm nay cũng là ngày Việt Nam ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 rất cao – 233 (từ số 631 – 863) tại 7 tỉnh trong thời gian từ 19-26/7.

Về tình hình xét nghiệm, Bộ Y tế cho hay, trong 24 giờ qua đã thực hiện 112.468 xét nghiệm cho 316.424 lượt người.

Ngoài ra, số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 5.711.291 mẫu cho 16.529.067 lượt người.

Về tình hình tiêm chủng, hệ thống tiêm chủng quốc gia cập nhật cho biết, Việt Nam đã tiêm 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Vingroup xây nhà máy sản xuất vaccine ở Hoà Lạc

Nhà máy sản xuất vaccine của Vingroup vừa được duyệt vào danh mục dự án trọng điểm cấp bách, được hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt danh mục các dự án trọng điểm cấp bách được hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong số đó có Dự án Nhà máy sản xuất vaccine được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart.

Thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thiết lập phương án, kịch bản duy trì thi công, đảm bảo phòng chống dịch. Khuôn viên dự án phải nằm độc lập, có rào chăn khép kín, có quy trình kiểm soát ra – vào đáp ứng các điều kiện phòng dịch và với nguyên tắc 3 tại chỗ hoặc “một cung đường hai điểm đến”.

Ngoài ra, công trường phải có kịch bản ứng phó khi xuất hiện ca mắc, nghi nghiễm Covid-19, phải tổ chức trực ban 24/7 nhằm đảm bảo xử lý kịp thời mọi tình huống phát sinh.

Trước đó, Nghị quyết của Chính phủ cuối tháng 6 đã yêu cầu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Covid-19 đạt tiêu chuẩn quốc tế để “hình thành công nghiệp sản xuất vaccine”.

Thời gian qua, Vingroup đã tiếp cận đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 với Công ty Acturus (Mỹ). Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ cho ra từ 100 đến 200 triệu liều. Trong tháng 8 này, vaccine dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam.

Vingroup đã góp 138 tỷ đồng, tương đương 69%, để thành lập Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Vinbiocare, với trụ sở chính tại Tòa văn phòng Techno Park, Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội. Trong nội dung đăng ký thành lập, Vinbiocare đăng ký hoạt động trong 12 ngành nghề kinh doanh, mà lĩnh vực chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Tại phiên họp thường niên năm 2021, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cho biết, Vinbiocare tạo ra môi trường, hệ sinh thái về công nghệ sinh học chứ không chỉ riêng vaccine. Tuy nhiên, trong giai đoạn Việt Nam chống Covid-19, Vinbiocare sẽ làm dự án vaccine phi lợi nhuận, không nhắm đến kinh doanh. Công ty sẽ cố gắng thu về các loại chi phí nhưng nếu cần thiết sẽ tài trợ, hỗ trợ để dự án đi đến thành công.

Vị tỷ phú hàng đầu Việt Nam cũng nhấn mạnh, có thể chấp nhận rủi ro ban đầu, ký hợp đồng sớm, làm sớm, thử nghiệm các loại vaccine dù không chắc thành công sau giai đoạn 3.

Hiện nay, ngoài dự án Nhà máy vaccine tại Hoà Lạc, Hà Nội còn có 4 nhóm công trình, dự án trọng điểm cấp bách khác được phép hoạt động trong thời gian áp dụng Chỉ thị 17, bao gồm nhà giải phẫu bệnh lý – Bệnh viện Quân y, các dự án cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa Thường Tín, Sơn Tây, Hà Đông, công trình Bệnh viện K; 19 dự án chống sạt lở kè bờ sông và công trình thoát lũ; Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố, trụ sở của Viện khoa học hành sự và cuối cùng là Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Phúc: Sớm cấp phép cho vaccine Nanocovax

Sau khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV bế mạc, chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Ngoài việc thăm người dân tại các khu phong tỏa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khảo sát công tác phòng chống dịch của một số đơn vị, bệnh viện tại TP.HCM.

Tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm người dân tại các khu phong tỏa trên địa bàn thành phố, khảo sát công tác phòng chống dịch bệnh ở một số đơn vị, bệnh viện và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn và Củ Chi.

Cũng trong chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – đơn vị đang nghiên cứu vaccine Nano Covax.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nhắc lại chuyến thăm của ông đến TP.HCM trong bối cảnh thành phố đang trong thời gian chiến đấu hết sức cam go với dịch bệnh Covid-19.

Chiến lược quan trọng để ứng phó với dịch là thực hiện 5K + vaccine và vaccine là yếu tố rất quan trọng. Hiện Đảng và Nhà nước đã và đang thúc đẩy chiến lược mua vaccine, đẩy nhanh nghiên cứu để giành lấy sự tự chủ về nguồn cung vaccine trong nước.

Do đó, Chủ tịch nước mong muốn Công ty Nanogen cho biết cụ thể những vấn đề còn tồn đọng để cùng tháo gỡ, thúc đẩy nghiên cứu, phê chuẩn vaccine nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh các thủ tục hành chính để sớm đưa vaccine Nano Covax vào sử dụng vào lúc người dân đang rất cần.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hoan nghênh Công ty Nanogen đã sớm triển khai chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 trong nước.

Chủ tịch nước nhắc lại chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu vaccine trong nước đã được ông đề ra từ rất sớm, từ tháng 3 năm 2020. Khi đó, trong cương vị Thủ tướng Chính phủ, chính ông đã chỉ đạo chuyển cho ngành y tế 200 tỉ đồng để phục vụ nghiên cứu vaccine.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng người dân, việc sớm cho ra đời vaccine nội địa là rất cấp bách, là tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Vì vậy, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh các quy trình, đặc biệt quy trình chuyên môn để vừa đảm bảo sớm phê chuẩn vaccine, vừa đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Theo ông, toàn dân đang rất cần vaccine nhưng Việt Nam vẫn còn chậm trong vấn đề này. Người đứng đầu Nhà nước đề nghị Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Cục Quản lý dược của Bộ Y tế đẩy nhanh thủ tục hành chính để giải quyết vấn đề này.

Ông cũng đề nghị Công ty Nanogen liên tục hoàn thiện công nghệ, cải thiện nâng cao chất lượng vaccine.

Trong tình hình toàn thế giới đang tìm kiếm vaccine, đặc biệt là các nước đang phát triển, có dân số đông, thì việc nghiên cứu, sản xuất vaccine của Việt Nam không chỉ phục vụ người dân trong nước mà còn nhằm phục vụ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để làm được điều đó, cần sớm hoàn thiện mọi phương diện, từ hình thức, mẫu mã, đến chất lượng vaccine. Đây cũng là niềm tự hào của Việt Nam.

Cuối cùng, Chủ tịch nước một lần nữa đề nghị Bộ Y tế và TP.HCM tạo điều kiện cho Công ty Nanogen sản xuất vaccine đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Related posts

Xét xử cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Triệu tập nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương

Tin Tức Đa Chiều

Phát hiện sai sót trong khám chữa bệnh, đấu thầu thuốc ở TP.HCM

Tin Tức Đa Chiều

VTV từng réo tên Tịnh thất Bồng Lai: 8 phút “bóc trần” thủ đoạn trục lợi từ trẻ mồ côi

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment