Trong lúc báo đảng hồ hởi đưa tin “Hồ sơ Pandora không có tên chính trị gia Việt Nam”, một nhà quan sát giải thích rằng quan chức ở Việt Nam “có thể dễ dàng nhờ người khác đứng tên thay và dùng các “công ty sân sau” để che giấu tài sản phi pháp ở ngay trong nước một cách an toàn”.
Hồ sơ Pandora vừa được công bố hé lộ bí mật tài chính của 35 nhà lãnh đạo hiện tại và đã nghỉ hưu trên thế giới, cùng với hơn 330 chính trị gia và quan chức ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trang CafeBiz viết: “Hiện không có người Việt Nam nào xuất hiện trong Hồ sơ Pandora, hoặc ít nhất là không có chính trị gia Việt Nam nào được nêu tên.”
Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, cựu giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái. Ông Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Nội vụ CSVN. Courtesy of Zing
“Thiếu báo chí độc lập và xã hội dân sự để giám sát tài sản quan chức”
Tuy vậy, ông Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trường Việt Nam từ Singapore lý giải về chuyện không có quan chức Việt Nam nào được nêu tên trong Hồ sơ Pandora: “Một trong những lý do là ở Việt Nam, người ta có thể dễ dàng nhờ người khác đứng tên thay và dùng các “công ty sân sau” để che giấu tài sản phi pháp ở ngay trong nước một cách an toàn.
Ông Hiệp viết trên trang Fulcrum.sg: “Sự vắng mặt của các chính trị gia và quan chức chính phủ Việt Nam trong Hồ sơ Pandora không có nghĩa là các quan chức Việt Nam ít tham nhũng hơn nước ngoài.
Một cách giải thích hợp lý hơn là quan chức Việt Nam có những cách khác, tuy ít tinh vi hơn nhưng vẫn hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam, để che giấu sự giàu có bất chính của mình. Một biện pháp phổ biến là sử dụng những người được chỉ định để thay mặt họ nắm giữ tài sản tại Việt Nam.
Việc thiếu báo chí độc lập và xã hội dân sự khiến quan chức dễ dàng che giấu sự giàu có bất chính của mình trước sự giám sát của công chúng.
Những người đứng tên dùm tài sản có thể là người thân của họ, cộng sự hoặc thậm chí là người được thuê. Trong nhiều trường hợp, dù quan chức không kê khai hết tài sản nhưng khả năng bị phát hiện kê khai sai là rất thấp.”
Ông Nguyễn Đức Chung là một trong vài quan chức hiếm hoi ngã ngựa vì tham nhũng và là ví dụ về sự thanh trừng phe phái trong Đảng CSVN. Courtesy of Zing
“Mỗi quan chức có 14, 15 “công ty sân sau”
Ông Lê Hồng Hiệp cho biết thêm: “Công ty sân sau” là các công ty được thành lập bởi các thành viên gia đình hoặc bạn bè của các quan chức chính phủ CSVN hoặc quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp nhà nước. Những người thân và bạn bè của quan chức khai thác mối quan hệ để giành được quyền tiếp cận độc quyền với các cơ hội kinh doanh, chẳng hạn như giành được hợp đồng cho các dự án do chính phủ tài trợ. Thông lệ này phổ biến đến mức tại một hội nghị về cải cách doanh nghiệp nhà nước hồi năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã tuyên bố rằng một số quan chức mà ông biết không chỉ có một hoặc hai mà thậm chí có tới 14, 15 “công ty sân sau”.
Một ví dụ gần đây về việc lạm dụng chức quyền để nắm giữ tài sản và thành lập các công ty sân sau là ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội. Ông Chung bị phát hiện đã can thiệp vào quá trình đấu thầu để trao ba hợp đồng dịch vụ do Chính phủ tài trợ cho Nhật Cường, một công ty mà ông này có phần hùn. Trong một vụ khác, ông Chung đề nghị chính quyền Hà Nội chọn Công ty Thương mại Dịch vụ Arktic là đơn vị nhập khẩu và cung cấp hóa chất làm sạch nước cho các hồ trên địa bàn thành phố, mặc dù thành phố có thể mua hóa chất trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài với giá thấp hơn nhiều. Cơ quan điều tra sau đó phát hiện ra rằng bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ của Chung, là chủ sở hữu của công ty Arktic.
Tuy nhiên, việc bị lộ như ông Chung vẫn là một trường hợp hiếm hoi. Trong hầu hết các trường hợp khác, các quan chức dễ dàng thoát khỏi cáo buộc hành vi tham nhũng và che chắn được khối tài sản bất hợp pháp của họ khỏi sự giám sát của công chúng bằng các công ty sân sau.
Không còn chính trị gia hay quan chức Việt Nam nào có tên trong Pandora Papers, lúc này các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, đối với họ cũng như công chúng Việt Nam, đây không phải là lý do để ăn mừng.
Thay vào đó, lẽ ra người ta phải lo ngại vì các cơ chế chống tham nhũng của Việt Nam vẫn còn yếu và các quan chức tham nhũng vẫn có thể tìm được nơi trú ẩn an toàn cho khối tài sản bất chính ngay trong nước mà không bị phát hiện.”