Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm Việt Nam

Vì sao nhà cầm quyền ngăn cản người dân rời bỏ Sài Gòn về quê sinh sống?

Trong bài viết “Ba nghi vấn về chuyện chống dịch của CSVN” đăng trên Sài Gòn Nhỏ ngày 2 Tháng Chín 2021, tôi đã đưa ra nhận định rằng nhà cầm quyền muốn gây ra một cuộc “thảm họa nhân đạo” để thu hút nguồn viện trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế hầu giải quyết bài toán nợ nần và để có tiền chia chác cho nhau. Tuy nhiên “thảm họa nhân đạo” đã không xảy ra như mong muốn của nhà cầm quyền sau (những) bốn tháng áp dụng các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt. Tối 30 Tháng Chín, cộng sản Việt Nam bắt buộc phải dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, phục hồi hoạt động cho một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm cứu vãn nền kinh tế đang có nguy cơ sụp đổ.

Nhu cầu “cởi trói” – đương nhiên- không chỉ đến sau ba hay bốn tháng “giãn cách”, mà là yêu cầu bức thiết, là tiếng réo gọi mỗi ngày của dân chúng ngay từ những ngày đầu bị kìm kẹp. Theo thống kê, Sài Gòn hiện có khoảng 1.6 triệu công nhân, cộng thêm số lượng người lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng thì số người thất nghiệp, mất kế sinh nhai trong bốn tháng qua có lẽ lên đến vài triệu người. Tức là trừ số ít thuộc thành phần giàu có, khá giả, kẻ có chức quyền, những người có “vốn để dành” hoặc có thu nhập “ngoài luồng”, gần như dân số sinh sống tại Sài Gòn trong mấy tháng qua đều đứng trước nguy cơ thiếu ăn, đói khát. Bất chấp tiếng kêu gào thống thiết của dân chúng, nhà cầm quyền vẫn “kiên định lập trường” chống dịch bằng “nghị quyết”, bằng những “chỉ thị” sắt máu và tạo ra cái chết oan uổng, tức tưởi của hàng ngàn con người trong các trại cách ly tập trung, trong các ngôi nhà lụp xụp đổ nát.

Trung tuần Tháng Chín, hàng chục doanh nghiệp, nhà đầu tư cả Việt Nam lẫn nước ngoài đồng loạt kiến nghị chính phủ của Phạm Minh Chính phải “mở cửa” hoặc có biện pháp kiểm soát dịch bệnh một cách hợp lý nhằm tránh sự đổ vỡ kinh tế. Sức ép lớn nhất có lẽ đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu gồm Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đồng loạt ký tên kiến nghị. Nghĩa là quyết định “nới lỏng” chỉ được đưa ra sau cú “giật mình” trước lời cảnh báo của các nhà đầu tư nước ngoài, đe dọa sự sụp đổ của nền kinh tế, thách thức sự tồn vong của chế độ.

Ngay sau khi hơn 800 chốt kiểm soát lớn nhỏ trong nội đô vừa được gỡ bỏ, hàng ngàn người lao động nghèo từ các khu nhà ổ chuột, chạy xe gắn máy, mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh rời bỏ thành phố để về quê tìm kế sinh nhai. Dù đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhiêu khê để được đi qua trạm kiểm soát như xuất trình giấy Chứng nhận đã chích ngừa, giấy Chứng nhận đến từ “vùng xanh” và giấy Chứng nhận âm tính với COVID-19 trong 72 giờ, họ vẫn bị chặn lại. Cái được gọi là lực lượng chức năng viện đủ các lý do để ngăn cản hành trình khổ ải nhưng chính đáng này của dân chúng. Từ việc đòi hỏi phải xuất trình giấy “Chứng nhận Đồng ý tiếp nhận của chính quyền địa phương nơi đến”, cho đến việc buộc tội dân chúng là “vi phạm quy định giãn cách”, “tự ý về quê bằng các phương tiện tự phát” v.v… để không cho đi qua chốt. Oái oăm ở chỗ, nhà nước còn chưa ban hành, chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan đến “Giấy chứng nhận đồng ý tiếp nhận công dân về địa phương” thì lấy đâu ra cái chứng nhận ấy để trình cho lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát?

Những hàng rào kẽm gai, những lằn roi trong tay lực lượng cảnh sát cơ động giờ đây đã không ngăn nổi quyết tâm rời bỏ thành phố của những người lao động nghèo đang bị bủa vây bởi cái đói. Ở lại để chết hay về quê để được sống? Hành động thắp nhang quỳ lạy cảnh sát tại các chốt chặn và hình ảnh cả vạn con người đội mưa, rồng rắn kéo nhau đi bộ hàng trăm cây số đang làm nhói lòng cả triệu người Việt Nam khác. Người ta thấy trong đám đông trùng điệp ấy, ngoài những gương mặt lam lũ, nhọc nhằn còn có cả những bà mẹ sắp sinh con, còn có cả những đửa trẻ thơ ngơ ngác mà số phận đã buộc chúng vào những cuộc trốn chạy.

Sài Gòn đã không tan hoang như thế lực tà ác mong muốn. Các tỉnh lân cận khác có lẽ cũng sẽ không tan hoang như thế vì đã học được bài học từ Sài Gòn. Hàng vạn con người khốn khổ kia cũng đã không chết như chúng muốn. Họ được cứu bởi tấm lòng nhân ái của những người đồng bào ruột thịt. Các nhóm thiện nguyện, các tổ chức xã hội dân sự độc lập bộc phát trong đó tôn giáo đóng vai trò chủ chốt vừa hoạt động hiệu quả, vừa làm tiền lệ gây dựng phong trào. Thậm chí, hệ thống y tế tư nhân và từ thiện bộc phát dù bị kìm kẹp bởi đủ loại quy định cũng đã chứng minh tính hiệu quả hơn hẳn hệ thống y tế nhà nước. Và như thế, kế hoạch phá nát Sài Gòn bằng một “thảm họa nhân đạo” đã không thực hiện được. Để rồi kìm kẹp mãi cũng bắt buộc phải “cởi trói” vì nếu không thế, nhà cầm quyền sẽ tự đặt mình vào thế hiểm nguy không thể cứu vãn.

Câu hỏi đặt ra là vì sao nhà cầm quyền cố ngăn cản hàng vạn con người rời bỏ thành phố để về quê sinh sống? Chỉ có thể hiểu rằng, nhà nước đang muốn duy trì một lực lượng “nô lệ lao động” nhằm bảo toàn cho việc giữ vững chế độ. Bởi khi phục hồi các hoạt động kinh tế mà không có lực lượng lao động, thì việc “mở cửa” xem như thất bại. Không có một chính phủ nào trên thế giới ngăn cản người dân trở về nơi sinh quán của mình như ở “thiên đường xã nghĩa” Việt Nam. Không có nơi nào như thế.

Related posts

Phó tổ kiểm dịch Covid-19 ‘vòi’ 2 triệu đồng của shipper, có truy cứu hình sự?

Tin Tức Đa Chiều

VTC réo tên ông Lê Tùng Vân của Tịnh thất Bổng Lai: Kẻ không cần Halloween vẫn đeo mặt nạ

Tin Tức Đa Chiều

Cháy lớn tại công ty giày 3.500 m2, hơn 1.000 công nhân tháo chạy

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment