Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Tiêu Điểm Việt Nam

Vì sao người Việt dị ứng mỗi khi nhà nước tính ‘huy động tiền trong dân’?

Theo như nhiều người dân Việt đưa ra những bình luận châm biếm, mỉa mai về ý định của nhà nước huy động tiền trong dân, bởi tiền trong dân “vẫn còn nhiều”, “còn rất lớn”, khiến một loạt quan chức Việt Nam đưa ra nhận định hôm 12/10 trong một cuộc họp của Quốc hội, làm cho không ít người nhắc lại bài học quá khứ và cảnh báo rằng đó là một mưu đồ trấn lột hoặc cướp tiền của người dân.

Tin cho hay Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, và Trưởng ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu như nêu trên trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi ủy ban bàn về việc phát hành công trái để bán cho dân như cách đây hơn 35 năm và lấy số tiền huy động được làm vốn cho nền kinh tế.

Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người dân đưa ra những bình luận châm biếm, mỉa mai về ý định của nhà nước huy động tiền trong dân, không ít người nhắc lại bài học quá khứ và cảnh báo rằng đó là một mưu đồ trấn lột hoặc cướp tiền của người dân.

Doanh nhân Trần Quốc Quân, người có quốc tịch Ba Lan và hiện đang ở Việt Nam, lý giải với VOA về việc người Việt luôn phản ứng mỗi khi nhà nước tính huy động tiền trong dân:

“Lòng tin của dân chúng với các nhà lãnh đạo Việt Nam bị xói mòn trong một thời gian rất dài chủ yếu là vì việc tham nhũng. Dân luôn nghĩ rằng lượng tiền nằm trong quan rất là lớn. ‘Đốt lò’[chống tham nhũng] thì OK. Nhưng lại không bao giờ giải quyết cái hậu quả, tức là thu hồi lại tiền tham nhũng. Chắc chắn số tiền đấy rất là lớn”.

Báo chí Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tố tụng thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.400 tỷ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.900 tỷ đồng.

Nhưng cũng vẫn báo chí trong nước dẫn lại bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng cho hay kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát thời gian trước năm 2013 trung bình chỉ đạt 10% trên tổng số phải thu hồi, và trong giai đoạn 2013- 2020, con số tuy có khá hơn nhưng cũng chỉ đến mức hơn 32%.

Thực trạng nhà nước không thể thu hồi đầy đủ tài sản trong các vụ tham nhũng bị doanh nhân Trần Quốc Quân ví von như “chỉ biết giải quyết phần ngọn, không biết giải quyết phần gốc”, ông nói thêm:

“Chính vì thế mà mỗi khi động đến chuyện huy động vốn của dân thì dân chúng phản ứng rất là mạnh, chính vì sự bất bình đẳng đấy. Tại sao chỉ nói đến chuyện huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn thì lại không giải quyết hậu quả của việc tham nhũng? Đó là nguồn tiền vừa bất minh mà cũng rất là lớn”.

Người dân cũng mất lòng tin vào trái phiếu nhà nước nên họ không mặn mà với việc mua nó, vẫn doanh nhân Việt kiều Trần Quốc Quân nói, vì vậy, họ đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán, vàng, và một số loại tài sản khác.

Báo chí nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12/10 rằng có vấn đề trong chính sách và môi trường kinh doanh nên người dân chưa yên tâm bỏ tiền vào kinh doanh, thay vào đó, họ mua và tích trữ nhà cửa, vàng bạc, đô la.

“Đây là vấn đề lớn và cũng là trăn trở. Chủ trương của đảng, nhà nước rất rõ nhưng triển khai thực tế còn hạn chế. Vì thế, thời gian tới làm sao khơi thông được điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực để huy động được nguồn lực trong dân”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.

Với kinh nghiệm thương trường của mình, doanh nhân kiêm tiểu thuyết gia Trần Quốc Quân chỉ ra lý do cụ thể làm người dân Việt ngần ngại đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh, đó là nạn tiêu cực, vòi vĩnh từ phía nhà chức trách đối với người kinh doanh và chủ nghĩa tư bản thân hữu. Ông phân tích:

“Chuyện vòi vĩnh gây ra rất nhiều cản trở, doanh nhân bỏ tiền ra gặp những vướng mắc rất là lớn. Doanh nhân làm việc ở Việt Nam bị nạn vòi vĩnh rất là mệt, rất là tốn kém. Thế nhưng nó lại là cơ hội để doanh nhân lách luật kiếm tiền một cách phi pháp dễ hơn. Cái đấy thấy rõ nhất trong mảng kinh doanh của doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản. Họ giàu lên rất nhanh nhờ cơ chế có tính hai mặt ấy. Những tập đoàn lớn chỉ trong 10-15 năm có thể vươn mình đứng dậy đúng là như Thánh Gióng”.

Hệ lụy của nạn tiêu cực là chủ nghĩa tư bản thân hữu, vẫn theo lời ông Quân, doanh nhân gặt hái nhiều thành công ở Ba Lan:

“Việt Nam có quan hệ kinh tế thị trường nhưng vẫn có những hạn chế, chưa thấy thực sự là tự do, chưa thấy thực sự là bình đẳng. Nó tạo cơ hội cho một nhóm người có quan hệ sâu với các quan chức chính quyền, thường gọi là tư bản thân hữu. Nhưng tạo cơ hội cho nhóm này lại mất cơ hội của nhóm khác”.

Doanh nhân này lưu ý rằng nạn tiêu cực và tư bản thân quen đưa những lượng tiền lớn đổ vào túi các quan chức trong khi ngân sách nhà nước chỉ thu được một phần ít ỏi nên không có đủ nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế và xã hội.

Theo ông Quân, phải có tự do cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường đầy đủ, công bằng, và chỉ có như vậy mới có thể làm cho nền kinh tế và xã hội có sức bật mạnh hơn, hiệu quả hơn so với việc tập trung các cơ hội vào một nhóm người nhất định.

Related posts

Rúng động thảm án ở Thanh Hóa: Anh chồng chém em dâu và cháu đang mang thai tử vong

Tin Tức Đa Chiều

Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần

Tin Tức Đa Chiều

Chính quyền Biden thay thế từ “Mẹ” bằng “Người sinh nở” trong đề xuất ngân sách mới

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment