Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26 tháng 9 vừa qua, ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam cho biết, một bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 mua giá sỉ ở nước ngoài giá chỉ khoảng 35.000 đồng. Nhưng hiện nay các tỉnh thành đang đấu thầu với giá cao gấp đôi. Còn theo Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế (Bộ Y tế), trước 20 tháng 8, giá một bộ xét nghiệm nhanh có giá từ 100.000 – 200.000 đồng.
Trao đổi với truyền thông Nhà nước về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị – Công trình y tế nói rằng: “Giá test xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Các địa phương có thể tham khảo trong triển khai đấu thầu mua sắm. Bộ Y tế hiện không đàm phán cũng như không kiểm soát giá thiết bị y tế này do chưa có quy định”.
Cơ chế của Nhà nước bây giờ khác với trước. Cơ chế trước là Nhà nước định giá mọi cái từ A đến Z. Cơ chế bây giờ thì chỉ có những sản phẩm độc quyền hoặc những sản phẩm thuộc nhóm giữ vị trí thống lĩnh thị trường mà mức độ cạnh tranh yếu thì Nhà nước mới quy định giá chứ không phải tất cả đều do Nhà nước định giá. Tuy không định giá nhưng Nhà nước có quản lý. Nghĩa là khi giá cả biến động nhanh thì Nhà nước sẽ dùng biện pháp can thiệp để ổn định lại. – PGS.TS Ngô Trí Long
Trao đổi với RFA sáng 28 tháng 9, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) giải thích vì sao có sự khác biệt cao về giá loại thiết bị y tế này trên thị trường:
“Cơ chế của Nhà nước bây giờ khác với trước. Cơ chế trước là Nhà nước định giá mọi cái từ A đến Z. Cơ chế bây giờ thì chỉ có những sản phẩm độc quyền hoặc những sản phẩm thuộc nhóm giữ vị trí thống lĩnh thị trường mà mức độ cạnh tranh yếu thì Nhà nước mới quy định giá. Ví dụ như điện, xăng dầu, hàng không…chứ không phải tất cả đều do Nhà nước định giá.
Tuy không định giá nhưng Nhà nước có quản lý. Nghĩa là khi giá cả biến động nhanh thì Nhà nước sẽ dùng biện pháp can thiệp để ổn định lại.
Những sản phẩm mà thị trường cạnh tranh tự do thì Nhà nước để cho thị trường quyết định. Còn những sản phẩm độc quyền hoặc độc quyền nhóm, nghĩa là chỉ một nhóm người mà chiếm thị phần rất lớn thì Nhà nước buộc phải có quy định giá.”
Ông Long nói thêm rằng, giá dịch vụ xét nghiệm hiện do Bộ Y tế quy định rõ, còn giá bộ xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Bộ Y tế nên quản lý giá cả một bộ xét nghiệm được doanh nghiệp bán ra trên thị trường. Ông nói:
“Đây là những mặt hàng mới xuất hiện trong đại dịch và nó có nhu cầu rất lớn. Theo báo chí cho biết thì Bộ Y tế chưa quản lý giá những sản phẩm này. Công luận cũng đã có ý kiến và tôi cũng đồng tình là Bộ Y tế nên căn cứ vào giá quốc tế và quy định giá tối đa để hạn chế việc lạm dụng giá trong giai đoạn dịch bệnh này. Đây là phương tiện rất cần thiết để kiểm soát dịch bệnh.”
Để tránh hiện tượng thổi giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp phải công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Giá niêm yết này là giá công ty mong muốn bán ở thị trường Việt Nam. Hôm 6 tháng 7 năm 2021, Sở Y tế TP.HCM có công văn khẩn gửi các bệnh viện, các trung tâm y tế yêu cầu thống nhất giá xét nghiệm. Nhưng thực tế hiện nay mỗi nơi mỗi giá.
Bà Q. cùng chồng phải làm xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam cách đây ba tuần để hoàn tất hồ sơ định cư Hoa Kỳ cho RFA biết:
“Vợ chồng tôi làm xét nghiệm ở Bệnh viện Pháp Việt, ba triệu ba trăm ngàn đồng một người. Khi đi test, tôi tưởng họ lấy máu hay lấy dịch ở cổ họng, nhưng có test gì đâu. Vô đến nới nó ngoáy lỗ mũi tôi với ông xã tôi xong là về. Hai người sáu triệu sáu trăm ngàn đồng mà phải chịu thôi. Hồi tháng 5, em gái tôi xét nghiệm ở Bệnh viện 115 thì khoảng triệu mốt, triệu hai gì đó.”
Khi thông tin giá bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 được các doanh nghiệp bán gấp đôi giá mua ở nước ngoài được ông Đặng Hồng Anh gửi tới Thủ tướng, báo chí và dư luận xã hội cũng lên tiếng. Ngày 28 tháng 9 năm 2021, Bộ Y tế ban hành công văn yêu cầu Sở Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế chủ động hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền lập kế hoạch và triển khai mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm, trang thiết bị, phương tiện,… đảm bảo khoa học, đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát.
Vợ chồng tôi làm xét nghiệm ở Bệnh viện Pháp Việt, ba triệu ba trăm ngàn đồng một người. Khi đi test, tôi tưởng họ lấy máu hay lấy dịch ở cổ họng, nhưng có test gì đâu. Vô đến nới nó ngoáy lỗ mũi tôi với ông xã tôi xong là về. Hai người sáu triệu sáu trăm ngàn đồng mà phải chịu thôi. Hồi tháng 5, em gái tôi xét nghiệm ở Bệnh viện 115 thì khoảng triệu mốt, triệu hai gì đó. -Bà Q.
Bộ Y tế đề nghị các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm khắc các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, sinh phẩm,… hoặc lợi dụng các hoạt động phòng, chống dịch để trục lợi.
Hiện nay, giá test nhanh mà Bộ Y tế công bố là khoảng 109.000 đồng đến 200.000 đồng một mẫu. Thực tế giá phổ biến xét nghiệm nhanh trên thị trường từ 300.000 đồng đến một triệu đồng một mẫu.
Lên tiếng trên trang facebook cá nhân của mình, TS.BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON viết rằng:
“Tôi không biết họ lời bao nhiêu, nhưng tôi biết chắc, họ muốn mang được hàng về Việt Nam phân phối, sẽ có nhiều thứ phải chi phí. Mỗi cửa đều có chi phí của nó. Ngày thường, có nhiều “món” để “ăn”, nên chi phí có thể có giá cụ thể.
Mùa dịch, nhiều người “khát”, mà “sở hụi” thì vẫn phải nộp. Chỉ có mỗi mặt hàng này, nên “vé qua cửa” cho hàng chục cái “cửa” có thể cao hơn so với ngày thường. Đó là chưa kể chạy giấy đi đường, QR code, luồng xanh…
Chắc chắn là mỗi phát minh chống dịch của chính phủ và các chính phủ địa phương, mỗi lần họ “đùng một cái”, là lại phát sinh thêm một mớ. Cho nên, đừng tưởng là các doanh nghiệp ăn khẳm khi thấy họ bán giá cao. Nhiều người “khẳm” cùng với doanh nghiệp lắm, thậm chí “khẳm” hơn doanh nghiệp nhiều.”
Để được trở lại sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp lớn nhỏ tại TP.HCM phải tự tìm mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 để xét nghiệm cho nhân viên theo thời gian Nhà nước quy định. Nếu Nhà nước không quản lý giá bán các bộ xét nghiệm mà để doanh nghiệp tự định giá như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Việc xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam hiện nay được các lãnh đạo Chính phủ và cả Bộ y tế cho là một trong những biện pháp chống dịch. Tuy nhiên thực sự đã không nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân. Nhiều người phản đối việc lấy mẫu xét nghiệm đã bị công an bắt, như trường hợp ông Nguyễn Hoàng Suốt ở tỉnh An Giang. Theo thông tin từ truyền thông Nhà nước, khi tổ công tác đến lấy mẫu xét nghiệm, ông Suốt không đồng ý mà yêu cầu “phải được tiêm ngừa vắc-xin Pfizer trước hoặc sau khi test thì mới cho lấy mẫu xét nghiệm”. Khi công an thuyết phục, ông Suốt nổi nóng vác dao rượt công an, do đó ông đã bị công an tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Một trường hợp khác mới xảy ra được cho là ở Bình Dương do người dân quay clip và đăng tải trên Facebook cho thấy, một người dân từ chối xét nghiệm COVID-19 đã bị lực lượng chức năng phá cửa lôi ra xét nghiệm.