Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Tuyến đường sắt Trung Quốc xây cho Indonesia chẳng khác gì tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông của VN

Tuyến đường sắt Trung Quốc xây như ‘bom hẹn giờ’ với Indonesia. Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung do Trung Quốc thi công trở thành một phần trong “bom hẹn giờ” nợ công với kinh tế Indonesia vì đội vốn, chậm tiến độ.

Năm 2015, Trung Quốc đánh bại đối thủ Nhật Bản, trở thành nhà thầu thi công dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, bằng cam kết không cần chính phủ Indonesia đóng góp tài chính.

Tuyến đường sắt cao tốc dài 143 km này được kỳ vọng giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 3,5 tiếng xuống 45 phút, là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Lễ khởi công bắt đầu vào tháng 1/2016, dự kiến hoàn thành năm 2019. Tháng 6/2019, trong một cuộc họp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói “chúng ta cần vững vàng xây dựng và nâng cao chất lượng hợp tác theo Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Nhưng ba năm sau, dự án vẫn chưa hoàn thành, trong khi chi phí đã bị đội lên gần 20%, từ 6,7 tỷ USD lên hơn 8 tỷ USD, hoàn toàn bằng vốn vay từ Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc cũng lùi thời gian hoàn thành dự án đến cuối năm 2022.

Chính phủ Indonesia nhiều khả năng sẽ phải “móc hầu bao” hàng nghìn tỷ rupiah từ ngân sách nhà nước, điều mà họ từng tuyên bố sẽ không bao giờ làm, để bù chi phí đội giá cho dự án. Những vấn đề về thu hồi đất, quá lạc quan trong lên kế hoạch và quản lý dự án yếu kém được cho là nguyên nhân chính khiến chi phí tăng lên.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Tổng giám đốc Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Thịnh Quang Tổ tại lễ khởi công tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung của Indonesia hồi năm 2016. Ảnh: Reuters.

Số vốn rót cho tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung là một phần trong hơn 34,9 tỷ USD mà Trung Quốc đã cam kết viện trợ cho Indonesia từ năm 2000 đến 2017 dưới dạng Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) hoặc Các Luồng Chính thức Khác (OOF), theo một báo cáo do trung tâm nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ, công bố.

William & Mary là một trường đại học nghiên cứu công lập với hiệu trưởng hiện tại là Robert Gates, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kiêm bộ trưởng quốc phòng Mỹ giai đoạn 2006-2011.

Các nhà nghiên cứu của AidData cho biết Indonesia có 4,95 tỷ USD nợ chính phủ với Trung Quốc và 17,28 tỷ USD nợ công “ẩn”, những khoản nợ do các công ty nhà nước hay tổ chức trực thuộc nhà nước khác gánh mà không có đảm bảo từ chính phủ.

Điều này đồng nghĩa 78% khoản nợ của Indonesia với Trung Quốc nằm ngoài sổ sách chính phủ. Một bài bình luận trên tờ Koran Tempo của Indonesia gọi đây là “quả bom hẹn giờ” có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế đất nước trong tương lai.

Theo Brad Parks, trưởng nhóm AidData, các khoản cho vay của Trung Quốc có lãi suất trung bình là 4,06%, thời gian đáo hạn 15 năm và thời gian ân hạn 2,7 năm. Khoản vay cho dự án đường sắt Jakarta-Bandung của Indonesia có lãi suất 2% và thời gian thanh toán là 10 năm.

Để so sánh, một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy trung bình các khoản vay ODA của tất cả thành viên trong khối này chỉ là 1,1% với thời gian đáo hạn 28 năm.

Các nhà phân tích lưu ý rằng khoảng một nửa số dự án do Trung Quốc tài trợ có yếu tố “xoay vòng”, theo đó, số tiền được cho vay sẽ quay trở lại Trung Quốc thông qua các khoản thanh toán theo hợp đồng cho công ty sử dụng nhiều nhân công từ Trung Quốc.

Tổng thống Indonesia đã ký sắc lệnh mới cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ cho dự án đường sắt Jakarta-Bandung, thông qua bảo lãnh cho vay hoặc rót vốn.

“Dù muốn hay không, chúng tôi vẫn phải yêu cầu chính phủ chi tiền cho dự án nếu chúng ta muốn hoàn thành đúng hạn”, phát ngôn viên Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia (SOE) tuyên bố.

Khi cạnh tranh với Nhật năm 2015 để thực hiện dự án đường sắt, Trung Quốc chiếm lợi thế không chỉ bằng cam kết không cần chính phủ Indonesia góp vốn, mà còn từ bỏ yêu cầu đảm bảo rủi ro chủ quyền. Điều này giúp họ giành được hợp đồng, dù Nhật Bản trước đó đã dành hai năm tiến hành nghiên cứu khả thi.

Rủi ro chủ quyền là rủi ro không chi trả bởi chính quyền hay cơ quan trung ương nước ngoài, được bảo đảm tín dụng bởi uy tín của chính phủ.

Theo một doanh nhân ở Jakarta am hiểu dự án, tuyến đường sắt Jakarta-Bandung có vấn đề ngay từ đầu. “Chặng đường quá ngắn để xây một tuyến đường sắt cao tốc, trừ khi nó được lên kế hoạch đi đến tận Surabaya”, ông này nói.

Dù dự án đã hoàn thành 78%, ba trong 13 đường hầm trên tuyến vẫn cần được hoàn thiện và các nhà thầu đang phải đối mặt hàng loạt vấn đề kỹ thuật lẫn môi trường có thể tiếp tục kéo dài tình trạng chậm trễ.

Các nhà phê bình lo ngại rằng sự can thiệp của chính phủ sẽ trở thành tiền lệ xấu đối với những công ty nhà nước Indonesia, vốn nổi tiếng vì hoạt động kém hiệu quả cũng như tình trạng tham nhũng.

Những người hoài nghi về tính khả thi kinh tế của các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó có cả tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung chuẩn bị được đưa vào vận hành, cho rằng Indonesia sẽ phải mất hàng thập kỷ để thu hồi vốn đầu tư cho dự án đường sắt Jakarta-Bandung bởi nó chỉ có 4 điểm dừng và quãng đường di chuyển khá ngắn.

Tuyến đường này được lên kế hoạch để chở 32.000 hành khách mỗi ngày, nhưng đã xuất hiện những lo ngại rằng hành khách sẽ thích sử dụng đường bộ hơn, hoặc dùng dịch vụ tàu hỏa bình thường có giá chưa bằng 1/3 vé tàu dự kiến cho tuyến đường sắt tốc độ cao.

Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ban đầu được tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono phê duyệt với việc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng ý tài trợ 75% vốn với lãi suất 0,1%, miễn là chính phủ Indonesia bảo lãnh các khoản vay.

Khi Tổng thống Widodo nhậm chức, hành động đầu tiên của ông là hủy bỏ dự án nhằm tránh gây thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng sau đó, ông tái khởi động dự án và quyết định dựa vào Bắc Kinh.

Trung Quốc đưa ra lời hứa về một dự án rẻ hơn, thời gian hoàn thành sớm hơn và mức trách nhiệm cao hơn, bao gồm cả việc không yêu cầu đảm bảo rủi ro chủ quyền, điều mà những người Nhật cẩn trọng hơn sẽ không đồng ý.

Indonesia gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 3/2015, cùng thời điểm Trung Quốc cung cấp cho nước này một gói vay trị giá 50 tỷ USD, sau đó được phân bổ thành hai đợt.

Một tháng sau, tại hội nghị châu Á – châu Phi lần thứ 60, Tổng thống Widodo kêu gọi các nước thế giới thứ ba không phụ thuộc vào những tổ chức cho vay quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Đến năm ngoái, chứng kiến tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung liên tục đội vốn, chậm tiến độ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi bất ngờ tuyên bố nước này đang xem xét khả năng mời Nhật Bản tham gia vào dự án, với hy vọng thúc đẩy tiến độ thi công của nhà thầu Trung Quốc.

“Chúng tôi không thể tưởng tượng được đề xuất mới mà Indonesia đưa ra sẽ như thế nào”, theo một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản tháng 6 năm ngoái nói.

Related posts

Vũ Đức Đam bị cách chức

Tin Tức Đa Chiều

Bác sĩ Pháp gốc Việt: nên chống dịch bệnh bằng khoa học, không bằng ý chí

Tin Tức Đa Chiều

Trung Quốc có chính sách ‘hấp dẫn’ với người tiêm vắc-xin Made in China

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment