Chính quyền Trung Quốc có thể bơm vốn vào China Evergrande để giải quyết khoản nợ khổng lồ. Tuy nhiên, tập đoàn này có thể bị chia tách thành 3 thực thể.
Theo CNBC, số phận của China Evergrande – tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới – đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Vào ngày đáo hạn 23/9, tập đoàn vẫn chưa cập nhất bất cứ thông tin nào về kế hoạch trả 84 triệu USD lãi trái phiếu cho các trái chủ.
Khoản lãi 47,5 triệu USD cho một trái phiếu khác sẽ đáo hạn vào tuần tới. Trên sàn Hong Kong hôm 24/9, giá cổ phiếu của China Evergrande quay đầu lao dốc 12%. Tính từ đầu năm đến nay, giá đã sụt giảm 80%.
Giá trái phiếu và cổ phiếu của China Evergrande bật tăng vào ngày 23/9, sau khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra các hướng dẫn cho tập đoàn. Hôm 22/9, China Evergrande cho biết khoản lãi phải trả của một trong những trái phiếu NDT của họ đã “được giải quyết thông qua đàm phán”.
Khả năng quốc hữu hóa
Mối đe dọa từ “hố nợ” 305 tỷ USD của China Evergrande khiến lợi suất trái phiếu của các công ty bất động sản khác của Trung Quốc tăng mạnh. Sức khỏe của những ngân hàng nhỏ tại đất nước 1,4 tỷ dân cũng là vấn đề gây lo ngại.
Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn để giải quyết khủng hoảng của China Evergrande. Các nhà chức trách sẽ muốn bảo vệ hàng nghìn khách mua nhà, nhà cung cấp và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần hạ nhiệt và giảm rủi ro đạo đức trong lĩnh vực bất động sản của nước này.
Suy đoán về việc quốc hữu hóa công ty đã dấy lên sau khi Asia Markets đưa tin chính phủ Trung Quốc đang hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc China Evergrande với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp quốc doanh (DNNN).
Theo nguồn tin, China Evergrande sẽ bị chia tách thành 3 thực thể riêng biệt. Việc tái cấu trúc có thể được công bố trong vài ngày tới. “Nhiều khả năng chính phủ phải bơm vốn vào China Evergrade để tập đoàn có thể tiếp tục xây dựng, sau đó bán nhà ở để lấy tiền mặt trả nợ”, bà Iris Pang – nhà kinh tế trưởng của ING – bình luận.
“Với nguồn vốn của chính phủ, rất có thể China Evergrande sẽ trở thành một DNNN hoặc một phần của DNNN”, bà nói thêm.
Đó sẽ là tin tốt với China Evergrande, thị trường tài chính và nền kinh tế trong thời gian tới. Tập đoàn địa ốc đang phải gồng mình dưới sức nặng của khoản nợ 305 tỷ USD.
Giới quan sát lo ngại đây là “khoảnh khắc Lehman Brothers” của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến các thị trường tài chính khác trên thế giới. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Stephen Cheung và Calvin Leung tại Jefferies, việc China Evergrande trở thành một DNNN sẽ giúp khôi phục niềm tin với người mua nhà. “Động thái này cũng sẽ giảm bớt áp lực thanh khoản trong ngắn hạn cho tập đoàn, giúp việc tái cơ cấu nợ trở nên dễ dàng hơn”, các nhà phân tích nhận định.
Tăng cường kiểm soát
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng có thể tăng quyền kiểm soát đối với thị trường bất động sản. Hiện, 6 trên 10 tập đoàn bất động sản hàng đầu đất nước là DNNN hoặc được các DNNN rót vốn. China Evergrande có thể trở thành doanh nghiệp thứ 7.
Ngay cả sau khi quốc hữu hóa China Evergrande, vẫn còn những lo ngại về sự sụt giảm trong thị trường bất động sản. Đó là rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 8, doanh số bán nhà ở đã giảm gần 20% so với một năm trước đó, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2020. Một phần nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản của giới chức Bắc Kinh.
Đầu tư bất động sản chỉ tăng 0,3% trong tháng 8, giảm từ mức 1,4% của tháng 7, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng giảm tốc.
“Nhu cầu về nhà ở đô thị mới xây đang bước vào thời kỳ suy giảm cấu trúc kéo dài”, ông Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics – bình luận.
Nhu cầu về nhà ở đang giảm bớt vì một số lý do. Số cặp vợ chồng mới cưới tại Trung Quốc đã giảm 40% kể từ năm 2013, khiến nhu cầu sụt giảm. Tốc độ gia tăng dân số thành thị cũng chậm lại.
“Điều đó có nghĩa là các nhà phát triển bất động sản đang giành giật một miếng bánh dần nhỏ lại”, ông bình luận. “Môi trường cho các công ty bất động sản cũng sẽ gặp nhiều thách thức hơn”, ông Julian Evans-Pritchard nói thêm.
Bắc Kinh đang cố gắng hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản đã phát triển quá nóng. Chính quyền nước này cũng mạnh tay trấn áp các công ty tư nhân trong những lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục.
Theo bà Pang tại ING, việc Bắc Kinh kiểm soát lĩnh vực bất động sản và các ngành công nghiệp khác có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. “Các chính sách mới của chính phủ không nhằm đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy nợ nần”, bà nhận định.
“Nhưng tôi đồng ý rằng đã có quá nhiều chính sách mới ra đời trong một khoảng thời gian ngắn. Rủi ro chính sách đang gia tăng và có thể gây tổn hại cho người lao động, từ đó tác động tới tiêu dùng”, bà Pang cảnh báo.