Nguồn cung chip điện tử toàn cầu từ cuối năm ngoái bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khiến các ngành sản xuất ô tô, viễn thông và thiết bị gia dụng, cũng như các ngành sản xuất khác bị ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia. Một nghiên cứu mới cho thấy đại dịch COVID-19 và tranh chấp công nghệ Mỹ – Trung đã khiến nhiều công ty Trung Quốc tích trữ một số lượng lớn chip trong những năm gần đây, góp phần quan trọng vào tình trạng thiếu chip toàn cầu, theo VOA.
Tổ chức tư vấn của Đức “Stiftung Neue Verantwortung” đã công bố một báo cáo nghiên cứu vào tuần trước cho biết khi Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với Huawei vào năm 2019, “một số công ty Trung Quốc bắt đầu tích trữ chip vì sợ phải đối mặt với những thách thức tương tự như Huawei”.
Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nước ngoài trong lĩnh vực chip chủ chốt. Đây là thị trường tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới, đặc biệt tỷ lệ tự cung tự cấp nguyên liệu và thiết bị loại này là rất thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, chất bán dẫn thậm chí còn vượt qua dầu thô là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Một phần lớn lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc được sử dụng để lắp ráp điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị khác, dùng để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Báo cáo cho biết do Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào chip nước ngoài, nên các công ty Trung Quốc đã bắt đầu dự trữ chip để tránh lệnh cấm công nghệ ngày càng mở rộng của Hoa Kỳ, nhưng điều này đã khiến nhu cầu của thế giới tăng đột biến.
Jan-Peter Kleinhans, một trong những tác giả của báo cáo và là nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Stiftung Neue Verantwortung, cho biết dịch bệnh đã khiến nhu cầu về các sản phẩm công nghệ giúp cho làm việc tại nhà như máy tính cá nhân, máy tính bảng và webcam tăng cao, điều này càng làm gia tăng tình trạng thiếu chip.
Bất chấp việc Trung Quốc tích trữ hàng loạt, tác động tiêu cực của việc “thiếu chip” vẫn không thể tránh khỏi đối với chính Trung Quốc, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết doanh số bán xe tháng 6 của Trung Quốc giảm 12,6% so với tháng trước và nguồn cung chip eo hẹp được cho là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.
Cơ quan quản lý Trung Quốc sau đó đã đưa ra một thông báo trên trang web chính thức của mình vào tháng 8, cam kết “điều tra và trừng phạt nghiêm khắc các hoạt động bất hợp pháp như tích trữ, tăng giá, thông đồng giá, v.v.” và vào tháng 9 đã áp dụng hình phạt hành chính đối với ba nhà phân phối chip ô tô vì hành vi tăng giá.
Tổng cục Giám sát thị trường Trung Quốc tuyên bố rằng một số nhà cung cấp bất hợp pháp và tập đoàn vốn lưu động đã “lợi dụng, tích trữ và đẩy giá lên cao, gây rối loạn trật tự thị trường một cách nghiêm trọng”.