Gần đây ở Trung Quốc, nhiều vật nuôi của bệnh nhân nhiễm virus corona đã bị chính quyền địa phương cưỡng bức giết chết như một phần của các biện pháp ngăn chặn virus hà khắc và cực đoan.
Mùa đông năm nay, Lisa Li, cư dân Bắc Kinh, cẩn thận hơn bao giờ hết để không bị nhiễm bệnh.
Cô đã thực hiện triệt để việc giãn cách xã hội và tuân theo các biện pháp khác để bảo vệ bản thân, đồng thời cho biết nếu có một đợt bùng phát ở Bắc Kinh, cô sẽ tự cách ly ngay lập tức và cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài.
“Nếu tôi tình cờ bị nhiễm COVID-19, điều gì sẽ xảy ra nếu con mèo của tôi chết đói hoặc bị giết khi tôi đang bị cách ly?” cô nói với tờ SCMP.
Việc cô Li đề cập đến liên quan tới một loạt các sự cố gần đây ở Trung Quốc khi vật nuôi của bệnh nhân nhiễm virus corona bị chính quyền địa phương cưỡng bức giết chết như một phần của các biện pháp ngăn chặn virus hà khắc và cực đoan.
Trong tháng này, một cư dân Thành Đô đã viết trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng con mèo của cô đã bị giết sau khi cô được chuyển từ nhà đến nơi cách ly. Chỉ hai tháng trước, một phụ nữ Cáp Nhĩ Tân cũng nói trên Weibo rằng ba con mèo của cô đã bị nhân viên địa phương giết chết sau khi chúng xét nghiệm dương tính với virus.
Tuy vậy, các nhân viên đã phản bác lại, nói rằng không có phương pháp điều trị nào dành cho động vật và giết chúng là lựa chọn duy nhất.
Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chiến lược Zero COVID-19. Bất cứ khi nào có đợt bùng phát trong khu vực xảy ra, chính quyền địa phương nơi đó liền tiến hành xét nghiệm quy mô lớn, truy vết tích cực và đôi khi là phong tỏa một phần để ngăn chặn sự lây lan.
Chiến lược này đối lập với phần còn lại của thế giới, khi ngày càng nhiều nước đang chuyển sang chiến lược “chung sống với COVID-19”.
Dư luận Trung Quốc phàn nàn về chiến lược này đang ngày một gia tăng. Mọi người nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi với những đợt bùng phát và rằng cách xử lý thô bạo, cứng nhắc, rập khuôn của chính quyền địa phương và nhân viên cộng đồng, bao gồm cả việc đối xử tàn tệ với vật nuôi, là quá mức.
Là một chủ sở hữu vật nuôi, cô Li đã rất bức xúc trước những sự cố này.
Cô nói: “Không có bằng chứng y tế hoặc luật nào quy định phải giết những con vật này, điều đó cực kỳ vô nhân đạo.”
Hiện tại, các chủ vật nuôi đang tự giải quyết vấn đề bằng cách kiến nghị trực tuyến và kêu gọi chính quyền địa phương đưa ra các chính sách nhân đạo và rõ ràng hơn.
Một số người cũng đặt câu hỏi liệu việc chính phủ giết vật nuôi có hợp pháp hay không. Theo luật pháp Trung Quốc, động vật hoang dã hoặc gia súc bị nhiễm bệnh trong đại dịch có thể bị giết. Nhưng chó và mèo không được liệt vào danh sách gia súc.
Về mặt y học, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vật nuôi có thể lây lan virus Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nguy cơ động vật lây lan COVID-19 sang người được coi là rất thấp.
Cô Li nói: “Hiện tại không có luật bảo vệ vật nuôi ở Trung Quốc, vì vậy không có nhiều cơ hội để đấu tranh cho những con vật cưng của chúng tôi và cái chết của chúng chỉ có thể đóng vai trò là một câu chuyện cảnh báo để các chủ nuôi phải cẩn thận hơn từ bây giờ”.