Greenland nói ‘không’ với tham vọng đất hiếm của Trung Quốc. Trong cuộc tổng tuyển cử trên hòn đảo, Đảng cánh tả ở Greenland giành được nhiều ghế nhất. Chính nó sẽ cản trở dự án khai thác đất hiếm đầy tham vọng vốn được Trung Quốc hậu thuẫn.
Theo đài truyền hình Greenlandic KNR, đảng Inuit Ataqatigiit cánh tả – phản đối dự án khai thác mỏ đất hiếm – đã giành được 36,6% số phiếu bầu, nhờ đó mở rộng sự hiện diện trong cơ quan lập pháp Greenland từ 8 ghế lên 12 ghế.
Đảng đối lập Siumut, vốn ủng hộ việc khai thác mỏ Kvanefjeld, tụt xuống thứ hai với chưa đầy 30% phiếu bầu.
Sau khi kết quả trên được công bố ngày 8/4, Inuit Ataqagiit đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán để thành lập chính quyền liên minh. Đảng này đã vận động mạnh mẽ để chống lại dự án khai thác mỏ Kvanefjeld ở miền Nam Greenland – dự án chủ trương sản xuất uranium cùng với nguồn đất hiếm quan trọng về mặt chiến lược – trong bối cảnh báo động về ô nhiễm môi trường.
Giấy phép khai thác mỏ đất hiếm này thuộc về Greenland Minerals, một công ty có trụ sở tại Australia. Việc cổ đông hàng đầu của công ty này là Shenghe Resources của Trung Quốc đã làm dấy lên không ít lo ngại.
Các cử tri chờ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội bên ngoài đấu trường Inussivik ở Nuuk, Greenland ngày 6/4. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi phải lắng nghe những cử tri đang lo lắng”, ông Múte Egede, người đứng đầu đảng Inuit Ataqagiit, chia sẻ vởi KNR. “Chúng tôi nói “không” với khai thác uranium”.
Chính quyền mới dự kiến tổ chức các phiên điều trần công khai để xác định phương hướng của dự án khai thác mỏ.
Ông Dwayne Menezes, người đứng đầu Tổ chức Sáng kiến Chính sách & Nghiên cứu Polar có trụ sở tại London, cho biết điều quan trọng là thế giới phải thấy rằng đảng Inuit Ataqagiit phản đối chỉ một dự án khai thác cụ thể này.
“Họ không phản đối tất cả dự án khai thác trên khắp Greenland, và họ cũng như các đảng khác tại đây – nhận ra sự cần thiết trong việc đạt tự chủ về kinh tế, thu hút đầu tư và được coi là một cơ quan tài phán ổn định”, ông Menezes cho biết.
“Inuit Atapagiit sẽ phải trấn an cộng đồng khai thác mỏ toàn cầu rằng các dự án khai thác khác ở Greenland sẽ không bị phản đối nếu không có rủi ro môi trường nghiêm trọng tương tự”, ông cũng nói thêm.
Cuộc bầu cử tại vùng lãnh thổ với dân số chỉ 57.000 người đã được chú ý đặc biệt bởi các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ và châu Âu – những nước đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguồn đất hiếm hiện phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Greenland có trữ lượng kim loại lớn thứ bảy thế giới.
Đất hiếm là chìa khóa của nhiều loại công nghệ hiện đại, bao gồm điện thoại thông minh, pin và tuabin gió. Trung Quốc chiếm gần 60% sản lượng đất hiếm toàn cầu và xử lý phần lớn hoạt động phân tách và chiết xuất. Điều này rõ ràng khiến Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Australia không hài lòng.
Biến đổi khí hậu đã khiến Greenland được chú ý nhiều hơn vì băng ở Bắc Cực tan chảy khiến các nguồn tài nguyên trên đảo trở nên dễ tiếp cận hơn. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump từng bày tỏ quan tâm đến việc mua hòn đảo này vào năm 2019.
Dù thuộc phần lãnh thổ của Đan Mạch, Greenland được hưởng quyền tự trị rộng rãi trong hầu hết lĩnh vực ngoài ngoại giao và phòng vệ. Washington có một căn cứ không quân quân sự trên bờ biển phía tây bắc của hòn đảo.