Vũ khí đáng sợ giúp Trung Quốc diệt vệ tinh trong một nốt nhạc mà không tạo mảnh vỡ. Mới đây một nhóm nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố đã chế tạo và thử nghiệm một thiết bị robot chống vệ tinh, có thể đặt thuốc nổ vào miệng ống xả của vệ tinh để tiêu diệt nó.
Thiết bị diệt vệ tinh
Thay vì làm vệ tinh nổ tung thành từng mảnh nhỏ, khối chất nổ này có thể sản sinh ra một “vụ nổ được định sẵn thời gian”, Giáo sư Sun Yunzhong và các đồng nghiệp đến từ trường ĐH Bách khoa Công nghiệp Quốc phòng Hồ Nam ở Tương Đàm viết trong bản nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Công nghệ Điện tử & Kỹ thuật phần mềm hồi tháng trước.
Thiết bị này có thể ở bên trong vệ tinh trong một khoảng thời gian kéo dài nhờ sử dụng một cơ chế khóa lấy năng lượng từ một động cơ điện. Nếu cần thiết, quy trình này có thể được đảo ngược để tách thiết bị ra khỏi mục tiêu.
Dự án trên được cấp vốn bởi một chương trình của chính phủ Trung Quốc nhằm phát triển một loại đầu đạn mới lắp đặt trên các tên lửa; theo nghiên cứu. Nó đã được chế tạo và thử nghiệm tại một cơ sở và các nhà nghiên cứu cho hay nó sẽ “mang lại giá trị thực tiễn trong một số ứng dụng kỹ thuật nhất định.”
Trung Quốc đã thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh đầu tiên vào năm 2007, trong đó tiêu diệt được một vệ tinh khí tượng đã ngừng hoạt động bằng một tên lửa, và ngay sau đó vấp phải làn sóng chỉ trích kịch liệt từ cộng đồng quốc tế do hàng loạt mảnh vỡ mà vụ nổ gây ra.
Mỹ và Liên Xô cũng từng thực hiện khá nhiều các cuộc thí nghiệm tương tự trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, nhưng các cuộc thử nghiệm đã ngừng kể từ những năm 1980, do các mảnh vỡ do vụ nổ tạo ra khiến các tài sản ngoài không gian cùng phi hành gia chịu rủi ro lớn.
Chương trình chống vệ tinh của Trung Quốc trong những năm gần đây tập trung vào công nghệ giúp tiêu diệt vệ tinh mà tạo ra rất ít hoặc không có mảnh vỡ, ví dụ như bắt giữ một vệ tinh bằng lưới hoặc một cánh tay robot.
Quân đội Trung Quốc cũng phát triển rất nhiều loại vũ khí mặt đất có khả năng “làm mù” hoặc gây tổn thất cho một vệ tinh bay ngang qua bằng một chùm laser.
Tuy nhiên, những biện pháp này lại khá dễ bị phát hiện, bởi vậy mà đội ngũ của ông Sun muốn tìm những biện pháp khác để tiêu diệt vệ tinh, bằng cách đặt thuốc nổ bên trong nó. Những khối chất nổ này được đặt bên trong một thiết bị có hình dạng giống viên đạn, có trọng lượng chỉ 3,5 kg và mô phỏng lại hình dạng của ống phun tên lửa de Laval nozzle lắp đặt ở phần lớn các vệ tinh.
Đây là những cái ống có phần cổ hẹp ở giữa giúp chuyển đổi khí thành động lực, mặc dù chúng dựa trên thiết kế có từ thế kỷ 19 bởi kỹ sư người Thụy Điển Gustaf de Laval, nhưng ngày nay vẫn được sử dụng trong hầu hết các loại vệ tinh hiện đại.
Thiết bị của nhóm nghiên cứu Trung Quốc hoạt động bằng cách đẩy một chiếc cần đi qua điểm cổ hẹp đó, sau đó bung ra, tự đặt nó vào bên trong bằng cách khóa thiết bị ở thành của ống phun. Khi thiết bị phát nổ, một phần của vụ nổ xảy ra ở bên trong ống phun và dễ bị nhầm là do lỗi của động cơ. Sức nóng của vụ nổ, nếu như được tính toán chính xác, có thể chuyển đổi thành động năng và gây tổn hại khu vực bên trong vệ tinh, trong khi vẫn giữ nguyên cấu trúc tổng thể của vệ tinh.
Ông Sun cùng các đồng nghiệp nói rằng loại chất nổ mà họ lựa chọn đã được sử dụng rất nhiều trong chương trình không gian của Trung Quốc, để tách các phần của tên lửa và nhiều mục đích khác.
Mỹ lo ngại trước sức mạnh không gian của Trung Quốc
Trung Quốc cũng đã phát triển công nghệ bắt giữ vệ tinh, điều vốn không bị hạn chế bởi các hiệp ước quốc tế bởi nó cũng có thể được sử dụng vì mục đích hòa bình, như sửa chữa vệ tinh, tiếp nhiên liệu hay dọn dẹp các mảnh vỡ ngoài không gian.
Quân đội Trung Quốc cũng đã nêu rõ quan ngại về khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc, đặc biệt là với Shijian-17 – một tàu thí nghiệm được trang bị cánh tay robot để thực hiện một số hoạt động bất thường kể từ khi nó được phóng vào năm 2016.
Tháng Tư năm nay, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, tướng James Dickinson, nói trước Quốc hội rằng công nghệ của Shijian-17 “có thể được ứng dụng cho một hệ thống tương lai, để bắt giữ các vệ tinh khác”.
Ông nói thêm: “Bắc Kinh đang tích cực tìm cách nắm ưu thế trong không gian bằng một loạt các hệ thống tấn công không gian”.
Sự phát triển nhanh chóng của chương trình siêu thanh Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian.
Hồi đầu tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, nói rằng Mỹ đang rêu rao về “giả thuyết Mối đe dọa Trung Quốc” để họ có cái cớ tăng cường sức mạnh quân đội của mình.
Trung Quốc khẳng định rằng chiến lược quân sự của họ là phòng thủ, và ông Uông nói rằng đất nước ông “sẽ không khởi động một cuộc chạy đua vũ trang với bất kỳ quốc gia nào”.
Nhưng Huang Jia, một chuyên gia nghiên cứu đến từ ĐH Công nghệ Quốc phòng Quốc gia, nói rằng một cuộc chạy đua vũ trang là khó tránh khỏi và nó có thể hủy diệt môi trường không gian.
“Các cuộc thử nghiệm thiết bị không gian vì mục đích quân sự đã sử dụng toàn bộ Trái đất như một phòng thí nghiệm” – ông Huang viết trong bản báo cáo đăng tải hồi tháng 8 năm nay – “Để tránh một thảm kịch, chúng ta cần phải kiểm tra lại “nguyên tắc tự do” đối với các hoạt động trong không gian”.