Giám đốc CIA William Burns được cho là đã nêu lên những quan ngại của Mỹ về việc gia tăng đầu tư và sự tham gia của Trung Quốc vào Israel, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
Đây là động thái mới nhất và khẩn cấp nhất của Mỹ nhằm ngăn Israel tiến xa hơn về phía Bắc Kinh, và ngăn không cho Trung Quốc chen vào mối quan hệ giữa hai đồng minh.
Tờ The Spectator (Anh) nhận định rằng Mỹ đang ngủ quên trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu. Hiện Washington lo ngại rằng Bắc Kinh đang nhắm vào Israel, tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông.
Israel “phớt lờ” sự tức giận của Mỹ
Trong hai thập kỷ gần đây, đã có hơn 460 khoản đầu tư và mua bán sáp nhập của Trung Quốc tại Israel, với tổng trị giá lên tới hàng chục tỷ USD. Ngày nay, có tới 45 thỏa thuận mới hàng năm. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi các thỏa thuận này tập trung vào cơ sở hạ tầng và công nghệ – hai lĩnh vực có độ nhạy cảm về an ninh.
Gây tranh cãi nhất trong số này là dự án phát triển Cảng Haifa, được trao cho một nhà đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn vào năm 2015. Đó là dự án của Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải (SIPG). Haifa là cảng lớn nhất ở Israel và là một trung tâm giao thông quan trọng trong tương lai. Đây cũng là nơi cập bến của Hạm đội 6 của Hải quân Hoa Kỳ.
Washington lo ngại rằng điều này sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc giám sát phía đông Địa Trung Hải.
Chính quyền dưới thời ông Netanyahu đã xoa dịu cơn nóng giận của người Mỹ bằng một cơ chế sàng lọc đầu tư. Nhưng điều này chỉ mang tính hình thức. Israel vẫn tiếp tục làm ăn với Trung Quốc.
Tháng 3/2017, cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng công bố “hiệp ước đối tác đổi mới toàn diện”. Tên của hiệp ước được đặt với sự cẩn trọng, sử dụng từ “đổi mới” thay vì “chiến lược”, để làm nổi bật rằng hiệp ước này chỉ hoàn toàn nhằm mục đích kinh doanh.
Nhưng khi quan hệ Tel Aviv-Bắc Kinh dưới thời ông Netanyahu trở nên khăng khít hơn, quan ngại về khía cạnh an ninh quốc gia của Israel ngày càng gia tăng.
Vì những lý do hiển nhiên, việc hoạch định chính sách của nhà nước Do Thái luôn bắt nguồn từ vấn đề an ninh hơn là kinh tế. Có những lo ngại rằng với sự can dự của Trung Quốc, những ưu tiên này đang trở nên mờ nhạt.
10 tháng sau khi hiệp ước Trung Quốc-Israel được công bố, chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia của mình. Trung Quốc đứng đầu danh sách các mối đe dọa. Bắc Kinh được mô tả là một “đối thủ cạnh tranh” chiến lược có “tầm nhìn đàn áp” và hành động gây hấn kinh tế nhằm làm suy yếu nước Mỹ.
Trong khi đó, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Israel đang tiếp tục diễn ra thuận lợi. Ngoài Sáng kiến Đường sắt nhẹ ở Tel Aviv và hệ thống đường hầm Carmel ở Haifa, các công ty Trung Quốc đã liên kết với các nhà máy khử muối, các dự án nông nghiệp, cơ sở hạ tầng 5G và đường sắt của Israel. Đó mới chỉ là về mặt cơ sở hạ tầng. Trung Quốc còn có quan hệ hợp tác với Israel trong lĩnh vực công nghệ.
Sự đổi mới công nghệ hàng đầu thế giới của Israel là sức hút không thể cưỡng lại đối với Bắc Kinh. Ngày nay, các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể được tìm thấy trong các dự án của Israel về chip máy tính, chất bán dẫn, khoa học đời sống, đổi mới y tế, công nghệ thông tin, phần mềm, Internet và khả năng truyền thông. Đây đều là những lĩnh vực có độ nhạy cảm về an ninh cao, với nhiều ứng dụng quân sự trực tiếp.
Không thể nghi ngờ rằng Israel càng sử dụng vốn đầu tư của Trung Quốc, thì ảnh hưởng của Bắc Kinh trong hành lang quyền lực của Israel càng lớn.
Israel giữ thái độ thực dụng với Bắc Kinh?
Với tất cả những điều trên, nước Mỹ dưới thời ông Biden cho rằng họ đang chứng kiến một chiến lược của Trung Quốc nhằm bóp nghẹt một đồng minh quan trọng của Mỹ, sử dụng nó để tăng cường sức mạnh quân sự và công nghệ của Bắc Kinh trong cuộc chơi giữa các cường quốc toàn cầu, đồng thời chĩa mũi dùi vào Washington trong quá trình này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Israel, chẳng có gì đáng phải lo lắng cả. Thái độ của Tel Aviv đối với Bắc Kinh luôn mang tính thực dụng sâu sắc. Israel là quốc gia Trung Đông đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1950. Hai nước sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm sau, 2022.
Hơn một thập kỷ trước, ông Netanyahu đã xác định Trung Quốc là một thị trường đang trỗi dậy, đáng để phát triển quan hệ thương mại. Cựu Thủ tướng Israel nghĩ rằng miễn là Trung Quốc tránh xa bộ máy an ninh nhạy cảm, dòng chảy đầu tư của Bắc Kinh có thể hồi sinh các bộ phận quan trọng của nền kinh tế Israel. Như những người ủng hộ chính sách này đã nói, đó là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”.
Nhưng tiếng chuông cảnh báo của Washington đối với Tel Aviv ngày càng vang to.
Tháng 2/2021, Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ đã công bố một báo cáo cho rằng Israel đã trở thành “mục tiêu khai thác địa kinh tế của Trung Quốc”.
Tháng 4/2021, cựu đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Shapiro đã kêu gọi Israel lùi bước. “Mỹ ngày càng kỳ vọng rằng các đồng minh như Israel sẽ tính đến những lo ngại này của Mỹ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là hạn chế một số cơ hội nhất định,” ông nói.
Tuy nhiên, bất lợi về kinh tế là cái giá đắt phải trả cho lòng trung thành với đồng minh. Người Trung Quốc biết điều này. Và người Mỹ cũng hiểu.
Năm ngoái, chính quyền ông Trump đã tìm ra một giải pháp: Làm trung gian cho Hiệp định Abraham giữa Israel và UAE, Bahrain, Sudan và Morocco. Chuỗi thỏa thuận hòa bình này, trong đó quan trọng nhất là với UAE, đã giới thiệu cho Israel một kênh vốn mới từ các quốc gia Vùng Vịnh, như một giải pháp thay thế cho nguồn vốn của Trung Quốc.
Giải pháp này đã bắt đầu có hiệu lực. Giờ đây, để xoa dịu cơn nóng giận của đồng minh đối với dự án cảng gây tranh cãi của Trung Quốc ở Haifa, một dự án cảng khác đã được trao cho một số các nhà thầu hàng đầu, bao gồm DP World có trụ sở tại Dubai (UAE) và Israel Shipyards Industries. Các công ty của UAE và Israel cũng đang hợp tác trong một dự án đường ống được thiết kế để vận chuyển dầu từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải, tránh đi qua kênh đào Suez.
Mỹ đang quá nhạy cảm?
Sau khi ông Trump rời Nhà Trắng và ông Biden tiếp quản, Hiệp định Abraham đã bị đình trệ.
Cuộc gặp gần đây giữa Giám đốc CIA và Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại Jerusalem là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Washington đã bắt đầu hối thúc Israel xốc lại quan hệ đồng minh.
So với người tiền nhiệm của mình, Thủ tướng Bennett tỏ ra “hợp tác” hơn với Mỹ trong việc ngăn quan hệ giữa Trung Quốc và nhà nước Do Thái trở nên sâu sắc hơn. Nhưng ở Israel cũng như khắp nơi trên thế giới, Trung Quốc đều có cách tiếp cận rất kín đáo và khôn khéo.
Do đó, Israel dưới thời ông Bennett vẫn sẽ có thể làm ngơ trước một nguồn tài nguyên dồi dào và tinh tế như vậy.
Một số người Israel cho rằng Mỹ đang tỏ ra quá nhạy cảm. Xét cho cùng, Trung Quốc chỉ chiếm không quá 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Israel. Trong khi đó, con số này cao hơn nhiều ở các nước đồng minh khác của Mỹ.
Ví dụ, các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Anh có giá trị lên tới gần 135 tỷ bảng Anh (GBP), cao hơn nhiều so với ở Israel. Hiện có 216.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học của Anh, so với khoảng 1.000 sinh viên Trung Quốc ở Israel.
Trong khi vốn của Trung Quốc đã len lỏi sâu vào các cơ sở hạ tầng cở Anh, từ nhà máy hạt nhân Hinkley Point đến mạng 5G, ít có sự dính líu của Trung Quốc trong các cơ sở hạ tầng có tính nhạy cảm về an ninh quốc gia của Israel.
Hơn nữa, Anh có các nhóm vận động hành lang thân Trung như Câu lạc bộ 48 Group, với các thành viên chủ chốt như Tony Blair, Jack Straw, Alex Salmond và Peter Mandelson. Về mặt này, Israel không thể so sánh được.
Nhưng vấn đề không liên quan quá nhiều tới khía cạnh kinh tế hay khía cạnh an ninh, mà là khía cạnh chính trị.
Khi Trung Quốc đang nổi lên như là đối thủ toàn cầu lớn nhất của Mỹ, sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan nhấn mạnh sự suy giảm ảnh hưởng của Washington. Thêm vào đó, nước Mỹ còn đang phải vật lộn với đại dịch.
Liên minh Mỹ-Israel là một phần cơ bản trong chiến lược chính sách đối ngoại của Washington. Khi Trung Quốc tìm cách chen vào quan hệ đồng minh này, Mỹ không thể không lo lắng, đặt câu hỏi về lòng trung thành của Israel, và cuối cùng gây nguy hiểm cho liên minh. Hơn tất thảy, điều này đang tạo ra căng thẳng. Và tình trạng căng thẳng này, đến một thời điểm nào đó khi địa chính trị trở nên mong manh, sẽ bị Trung Quốc lợi dụng.