Có nhiều thảo luận về mô hình dành cho Ukraine trong bối cảnh nước này thừa nhận họ khó có thể gia nhập NATO, và Moscow đòi hỏi Kyiv “trung lập”.
Ngoài mô hình Thụy Điển hay Áo, “trung lập theo kiểu Phần Lan” thời Chiến tranh Lạnh – còn được gọi là “Phần Lan hóa” – là vấn đề đã được thảo luận trong đàm phán giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 9/2, trước thời điểm Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” (ngày 24/2).
“Phần Lan hóa” là gì?
Giai đoạn “Phần Lan hóa” bắt đầu từ thời điểm Phần Lan ký với Liên Xô Hiệp định Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ năm 1948, kéo dài đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Theo đó, nước sẽ được Liên Xô đảm bảo an ninh, nhưng đổi lại với cam kết không tham gia liên minh quân sự NATO, và cho phép Moscow duy trì tầm ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Phần Lan.Với các nhà lãnh đạo Phần Lan nửa cuối thế kỷ trước, thỏa hiệp với Liên Xô được xem là phương án khả thi để bảo vệ độc lập.
Việc từng là đối thủ của Liên Xô trong Thế Chiến II và thất bại khiến an ninh quốc gia của Phần Lan bị đe dọa khi Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ra toàn Đông Âu.
“Chính sách đối ngoại của một nước nhỏ chỉ có một mục đích: Bảo vệ độc lập và an ninh. Mọi hành động sẽ được điều chỉnh để đạt được mục đích đó. Ý tưởng về sự trung lập không phải được du nhập từ nơi khác. Nó đã khởi phát từ chính mảnh đất và lịch sử Phần Lan”, Foreign Affairs dẫn lời cố Ngoại trưởng Phần Lan Ralf Torngren (giai đoạn 1959-1961).
Cái giá của “Phần Lan hóa”
Ởmặt khác, “Phần Lan hóa” có nghĩa dù đảm bảo được toàn vẹn lãnh thổ, Phần Lan đã phải đánh đổi độc lập và quyền tự quyết của mình.
Với nhiều người Phần Lan hiện tại, “Phần Lan hóa” là một thuật ngữ tiêu cực.
“Nó gợi đến một giai đoạn rất khó khăn trong lịch sử nước này”, ông Mika Aaltola, Giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết.
“Chúng tôi nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô và phải thỏa hiệp với các lợi ích của Nga, nhưng đồng thời chúng tôi cũng phát triển mô hình dân chủ nghị viện và kinh tế thị trường kiểu phương Tây”, Markku Kangaspuro, giáo sư nghiên cứu về Nga và Đông Âu tại Đại học Helsinki, nói với Al Jazeera.
Người Ukraine có muốn “Phần Lan hóa”?
Đối với người Ukraine và cả người Phần Lan, “Phần Lan hóa” không nên là một lựa chọn, khi nó là mô hình từng khiến các quốc gia nhỏ ở châu Âu trở thành con tốt trong một trò chơi mà họ không có quyền kiểm soát, theo New York Times.
Chiến lược “Phần Lan hóa” dường như sẽ loại trừ khả năng đó và cho phép Moscow can thiệp vào các vấn đề ở Ukraine, điều mà Kyiv lẫn NATO đều không muốn xảy ra.
Theo bà Anna Wieslander, Giám đốc khu vực Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, một Ukraine đi theo mô hình Phần Lan trong thế kỷ 20 sẽ đi ngược lại những gì nước này đã và đang phấn đấu.Sau 30 năm, “Phần Lan hóa” trở thành một thuật ngữ cổ hủ. Các nhà phân tích cho rằng mô hình phù hợp cho Ukraine không phải là Phần Lan thời Chiến tranh Lạnh, mà là Phần Lan ngày nay, theo New York Times.
Tương tự Ukraine, Phần Lan cũng chia sẻ chung đường biên giới với Nga – dài 1.340 km. Nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1995 và phát triển dựa trên hội nhập kinh tế chính trị với EU.
Trước đó, phía Nga cũng cho biết giải pháp Ukraine có thể gia nhập EU nhưng cam kết không tham gia NATO có thể được thỏa hiệp.
Dù vậy, nguyện vọng của Kyiv để gia nhập hai liên minh này khó có thể được thực hiện trong thời gian ngắn, khi NATO bày tỏ quan điểm không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, còn việc gia nhập EU là một quá trình có thể kéo dài lên đến hàng thập niên.
Bước đi thận trọng
Reuters dẫn lời ông Mykhailo Podoliak – trưởng đoàn đàm phán Kyiv, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào về mô hình Ukraine đều cần đảm bảo an ninh phòng trường hợp Ukraine bị tấn công.
Một nước trung lập như Phần Lan cũng đã có những thay đổi về quan điểm trong công chúng. Al Jazeera dẫn các khảo sát của đài Yle (Phần Lan) cho thấy kể từ thời điểm Nga tấn công Ukraine, 53% người Phần Lan ủng hộ nước này gia nhập NATO, so với 19% năm 2017.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, người trước đây phản đối việc theo đuổi tư cách thành viên NATO, nói trong ngày 9/3 rằng việc gia nhập liên minh sẽ cần được thảo luận ở nhiều cấp để đạt được đồng thuận trong nước.
Tháng 12/2021, Phần Lan công bố kế hoạch mua 64 chiến đấu cơ F-35A – thương vụ quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Helsinki. Nước này cũng cho biết sẽ xúc tiến mua thêm tên lửa đất đối không.
Cả Phần Lan và láng giềng Thụy Điển đều được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg “bật đèn xanh” khi nói rằng hai nước có thể gia nhập nhanh hơn thủ tục thông thường do có “mức độ tương tác cao” với NATO.Dù vậy, giáo sư Kangaspuro cho biết ông ủng hộ lập trường thận trọng của Helsinki cho đến nay.
“… Đây không phải thời gian để nói về việc gia nhập NATO – vốn sẽ leo thang căng thẳng giữa Nga và châu Âu. Tôi nghĩ phía Thụy Điển cũng có lập trường như vậy”, ông Kangaspuro nói.
Leah Scheunemann, Phó giám đốc của Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương, nói với Insider rằng Phần Lan sẽ không gia nhập NATO, ít nhất là cho đến khi kết thúc bầu cử quốc hội năm 2023.