Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

TP.HCM có ca nhiễm COVID-19: Ngàn người vật vã trả vé tàu khỏi về quê, chịu mất tiền triệu

Nhiều hành khách chờ từ sáng tới chiều để trả vé tàu ở ga Sài Gòn, chấp nhận bị mất 30% để hủy về quê ăn Tết vì sợ phải cách ly.

Ngày 2/2, nhiều hành khách vạ vật, bỏ cả 1 ngày công để chờ được trả vé tàu tại ga Sài Gòn bất chấp việc mất tình triệu.

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, lúc 14 giờ tại ga Sài Gòn có rất đông người dân chờ trước quầy bán vé, nhưng không phải để mua vé mà đợi đến lượt để… trả vé. Tại các hàng ghế chờ được sắp xếp, nhiều người mệt mỏi ngồi chờ đợi đến số thứ tự, có người mệt quá nằm luôn. Một số người vì muốn giữ khoảng cách và ngồi cho thoải mái cũng đành ngồi bệt xuống đất tại một góc vắng người.

Đứng trầm ngâm một hồi lâu trước bảng quy định đổi trả vé tàu, ông Nguyễn Hữu Cường (43 tuổi) cho biết 2 tháng trước, ông mua 2 vé tàu khứ hồi từ ga Sài Gòn về ga Hà Nội để đưa con về ăn Tết với bố mẹ tại Phú Thọ.

“Thời gian trước thì hai ba năm tôi mới về một lần, nhưng giờ bố mẹ già rồi nên năm nào cũng đưa các cháu về thăm ông bà. Chỉ sợ có diễn biến gì mới, về xong lúc vào lại phải cách ly thì ảnh hưởng đến việc học phức tạp ra. Giờ dịch bệnh sang năm cũng không biết sao, chờ thời điểm êm êm rồi về, còn giờ xác định 30% cũng phải trả, tính ra vừa phải ở lại Sài Gòn ăn Tết mà vẫn mất tiền”, ông Cường thở dài.

nhiều khách chờ đợi trong mệt mỏi

Bà Hoàng Thị Thúy Nga (50 tuổi, ngụ Q.3) đi đổi 16 vé Tết cho cả họ hàng chạy tới lui hết bảng thông báo này đến bảng thông báo khác, chốc chốc lại bấm điện thoại gọi cho người nhà báo tình hình. Bà Nga chỉ ở nhà lo nội trợ, chồng bà đã nghỉ hưu, con cái đứa đi làm, đứa còn đi học nên cũng phải trầy trật lắm mới dồn được khoản tiền lớn để mua 16 vé tàu về quê ăn Tết.

Bà Nga mua vé tàu đi chặng Sài Gòn – Vinh khởi hành ngày 6/2 (tức 25 tháng Chạp), vừa sáng nay bà quyết định đi hủy vé vì sợ lúc vào phải cách ly. Bà kể: “Tôi mua vé hết hai mấy triệu, giờ trả vé không nhận được tiền liền rồi mất 6 triệu mấy nhưng cũng phải chịu chứ biết sao giờ. 29 Tết này nhà tôi mãn tang bà mà dịch thế này đành chịu. Sáng nay anh chồng tôi cũng gọi vào nói thôi đừng về”.

Bỏ cả ngày công chỉ để đợi trả vé

Ông Tuấn (38 tuổi, tài xế GrabBike ngụ Q.Gò Vấp) cho biết, ông đến bấm số thứ tự từ sáng giờ nhưng đến 14 giờ vẫn chưa tới số của mình và cũng không biết khi nào thì mới tới lượt.

Dịp Tết này, theo kế hoạch cả gia đình ông 14 người đi du lịch Nha Trang, phòng khách sạn đặt trước cũng vừa báo hủy, hôm nay ông tranh thủ chạy ra ga để trả vé, nhưng đợi cả buổi vẫn chưa thấy gọi đến số thứ tự của mình.

Ông Tuấn cho biết, gia đình ông dự định nghỉ 3 ngày 3 đêm rồi mua vé máy bay về lại Sài Gòn. Đây là chuyến du lịch được cả nhà chờ đợi sau một năm làm lụng vất vả.

“Giờ bấm được số đó, chờ được thì chờ không chờ được thì về, mình tới trễ phải chấp nhận thôi. Đi trả vé vừa mất tiền mà vừa không được nhận tiền luôn, phải đợi 90 ngày, chưa kể mình mất cả ngày công khoảng 300 ngàn để đi chờ được trả vé nữa. Ai cũng muốn đi chơi hết mà cũng lo do nhà có 2 người già nên thôi ở nhà cho chắc”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, vào sáng 3/2, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM – bên lề hội nghị gặp gỡ giữa Ban thường vụ Thành ủy với cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TP cho hay, đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại TP chưa đến mức căng thẳng và khẳng định TP vẫn duy trì các hoạt động, sự kiện đón Tết Tân Sửu 2021 theo kế hoạch.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Ông Phong nói trên Tuổi Trẻ: “Đối với các hoạt động đón Tết Nguyên đán như chợ hoa xuân, lễ hội Tết hay các hoạt động vui chơi giải trí, khi tổ chức các sự kiện này, TP đã có chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, giảm quy mô khi cần thiết”.

Về việc tổ chức các chốt, trạm kiểm dịch khi các tỉnh thành lân cận đã có ca mắc COVID-19, Chủ tịch TP.HCM cho rằng với tình hình dịch bệnh hiện tại của TP và các khu vực lân cận, biện pháp này chưa thật sự cần thiết. UBND TP và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến dịch để đưa ra các giải pháp phòng dịch phù hợp.

“Hiện đã cận kề Tết, việc thành lập các chốt, trạm kiểm dịch là chưa phù hợp. TP.HCM sẽ tính toán và áp dụng nhiều giải pháp để duy trì hoạt động vui xuân của người dân”, ông Phong nói.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Đà Nẵng: Bé gái 11 tuổi mất tích khi đang tu tập tại chùa

Tin Tức Đa Chiều

Nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị khởi tố

Nhóm nam nữ trẻ tuổi đột nhập cửa hàng ăn trộm quần áo trong đêm

Leave a Comment