Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Tổng thống Mỹ công nhận vụ sát hại 1,5 triệu người Armenia là tội diệt chủng

Hôm 24/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức lên tiếng công nhận vụ đế chế Ottoman sát hại hơn 1,5 triệu người Armenia năm 1915 là tội ác “diệt chủng”. Ngay lập tức đã có phản ứng từ các bên liên quan.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: Người dân Mỹ vinh danh tất cả những người Armenia đã thiệt mạng trong vụ diệt chủng xảy ra 106 năm trước. Từ ngày 24/4/1915 với việc bắt giữ những người trí thức và lãnh đạo cộng đồng người Armenia của chính quyền Ottoman, hơn 1,5 triệu người Armenia đã bị trục xuất, tàn sát hoặc bị đầy đọa tới chết.

Vẫn theo Tổng thống Biden, trong nhiều thập kỷ, những người nhập cư Armenia đã làm giàu cho nước Mỹ bằng vô số cách, nhưng họ chưa bao giờ quên lịch sử bi thảm này. Nước Mỹ nói lên điều này không phải là để đổ lỗi mà để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ lặp lại.

Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia kế thừa Đế chế Ottoman) đã lên tiếng phản đối gay gắt. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này “hoàn toàn bác bỏ” tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Theo ông,  tuyên bố đã được đưa ra chỉ dựa trên chủ nghĩa dân túy. Trong khi đó, một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khác coi đó là 1 sai lầm lớn của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại thủ đô Ankara – ông David Satterfield lên để phản đối, khẳng định tuyên bố của Tổng thống Mỹ không có cơ sở pháp lý và không thể chấp nhận. Nó đã “gây ra một vết thương cho mối quan hệ song phương mà rất khó có thể sửa”.

Ngược lại, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, việc Mỹ công nhận tội ác diệt chủng là là một thông điệp rất cần thiết tới cộng đồng quốc tế nhằm tái khẳng định các quyền con người và các giá trị trong quan hệ quốc tế. Từ đó, khích lệ và truyền cảm hứng cho tất cả những ai muốn cùng nhau xây dựng một xã hội quốc tế công bằng, khoan dung.

Còn người dân Armenia và người gốc Armenia trên thế giới đã tràn xuống đường để ăn mừng: “Tôi nghĩ điều đó rất tốt. Theo tôi, khi Tổng thống Mỹ nhận ra tội ác diệt chủng của đế chế Ottoman đây sẽ là tấm gương cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề tù binh chiến tranh vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi muốn vấn đề này được giải quyết càng sớm càng tốt”.

“Tôi đánh giá cao điều đó. Vấn đề hay không phụ thuộc vào chúng tôi, nhưng sẽ tốt hơn nếu Tổng thống Mỹ hoặc người tiền nhiệm của ông ấy có thể ngăn chặn cuộc chiến Karabakh, ngăn chặn cuộc thảm sát này. Họ đã có thể làm được điều đó”.

Trong nhiều thập kỷ qua, các biện pháp công nhận tội ác diệt chủng đối với người Armenia đã bị đình trệ trong Quốc hội Mỹ và hầu hết các tổng thống Mỹ đã không gọi nó như vậy do những lo ngại về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, 1 năm về trước, khi chưa làm Tổng thống Mỹ, ông Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ nỗ lực để công nhận điều này.

Tuy nhiên, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chấp nhận rằng nhiều người Armenia sống ở Đế quốc Ottoman đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân Ottoman trong Thế chiến thứ nhất, song phủ nhận các vụ giết người được dàn dựng một cách có hệ thống và tạo thành một cuộc diệt chủng.

Related posts

Các nhà lập pháp Texas xem xét rời khỏi liên bang

Tin Tức Đa Chiều

Giãn cách xã hội có phải là điều kiện tiên quyết để ‘dập dịch’ hiện nay

Tin Tức Đa Chiều

Căn cứ không quân Mỹ bị trúng rốc két

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment