Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 4/11/2021

Sau khi xuất hiện nhiều ổ dịch đáng lo ngại và ghi nhận nhiều trường hợp trở về từ các địa phương khác nhiễm Covid-19, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) tạm dừng họp chợ; nhiều dịch vụ ở Phú Thọ ngừng hoạt động: Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh tăng cường biện pháp giám sát người đến/về từ các tỉnh thành….

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 939.463 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.528 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 934.583 ca, trong đó có 830.858 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (434.736), Bình Dương (235.293), Đồng Nai (68.199), Long An (35.182), Tiền Giang (17.216).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.869, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 833.675 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.052 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 2.090 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 547 ca; Thở máy không xâm lấn: 114 ca; Thở máy xâm lấn: 288 ca; ECMO: 13 ca.

Từ 17h30 ngày 2/11 đến 17h30 ngày 3/11 ghi nhận 78 ca tử vong: tại TP. HCM (40), Bình Dương (13), Cần Thơ (4), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), An Giang (3), Bạc Liêu (2), Long An (2), Kiên Giang (2), Ninh Thuận (2), Vĩnh Long (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Bình Thuận (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 61 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.283 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phó Chủ tịch Hà Nội: Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát!

Thông tin nêu trên được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh tại hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo thành phố với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều 3/11.

Theo ông Dũng, Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 do số lượng người đến/về thành phố gia tăng và tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine…

Chính vì vậy, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến/về địa phương. Tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc trong công tác giám sát, kiểm soát người dân từ vùng khác về địa phương; kịp thời phản ánh đến tổng đài 1022.

Covid-19 sáng 4/11: Tỉ lệ tử vong chiếm 2,4% số ca nhiễm; F0 tăng cao, nhiều địa phương tăng cường biện pháp chống dịch nghiêm ngặt

Đối với việc mở cửa lại trường học, ông Dũng chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng mọi điều kiện theo đúng quy định. Đặc biệt, giao Sở Giáo dục phối hợp Sở Y tế xây dựng hướng dẫn cho các đơn vị khi có các tình huống xảy ra và chú trọng đến công tác y tế học đường nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đến trường…

Về việc một số đối tượng học sinh tại 18 huyện, thị xã được quay trở lại trường học vào ngày 8/11 theo dự kiến, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến các huyện, thị xã… Đặc biệt, nếu tình hình dịch có chiều hướng xấu hơn, số ca mắc tăng lên thì thành phố sẽ có điều chỉnh linh hoạt chủ trương cho học sinh đến trường.

TP. Hồ Chí Minh yêu cầu giám sát chặt người về từ các tỉnh, thành phố khác

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức vừa ký ban hành văn bản khẩn về việc tăng cường giám sát đối với người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về thành phố.

Theo UBND thành phố, trong những ngày qua, từ công tác giám sát đối với người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm Covid-19. Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và ổn định đời sống xã hội, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức giám sát chặt người trở về TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, quản lý dân cư chặt chẽ, ghi nhận đầy đủ thông tin những người từ các tỉnh, thành phố khác trở về sinh sống trên địa để thực hiện các biện pháp giám sát, chăm sóc sức khỏe.

Tổ chức xét nghiệm, cách ly y tế đúng quy định của Bộ Y tế đối với những trường hợp đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa), những trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine của người từ các tỉnh, thành phố khác trở về cư trú trên địa bàn; tổ chức tiêm chủng ngay cho người chưa được tiêm vaccine đầy đủ, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông, vận động người dân khai báo y tế khi trở về để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, xét nghiệm theo quy định.

Hà Nam xuất hiện thêm chùm lây mới, tổng số ca mắc vượt 1.000

Tối 3/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 9 ca phát hiện ở TP Phủ Lý và 2 trường hợp ở huyện Thanh Liêm.

Báo cáo của CDC Hà Nam cho thấy, diễn biến dịch tại tỉnh này vẫn phức tạp. Điều đáng lo ngại, chùm lây mới phát hiện tại thôn 6 xã Phù Vân, TP Phủ Lý đã ghi nhận trên 12 trường hợp mắc Covid-19. Hiện tại còn một số mẫu gộp nghi dương tính liên quan đến ổ dịch này.

Để khoanh vùng dập dịch, trong 3 ngày qua, lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trên 500 hộ dân với 1.507 nhân khẩu ở thôn 6. Duy trì các chốt kiểm soát đặt trên các trục đường ra vào thôn để kiểm soát các yếu tố dịch tễ.

UBND TP Phủ Lý cũng ra quyết định tạm dừng họp chợ Phù Vân từ ngày 3/11 do một quán bán tạp hóa gần chợ liên quan dịch tễ đến ca bệnh này.

Như vậy, trong đợt dịch mới diễn ra từ ngày 19/9 đến nay, tại Hà Nam đã ghi nhận 1.011 ca bệnh mắc Covid-19. Dịch đã lan từ thành phố Phủ Lý ra toàn bộ các huyện, thị thuộc tỉnh này.

Đến nay, đã có 727 ca mắc Covid-19 tại Hà Nam được điều trị khỏi bệnh và ra viện. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn.

Hà Nam hiện không có bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Toàn tỉnh cũng đang cách ly 1.618 trường hợp F1 (gồm cả cách ly tập trung và cách ly tại nhà).

Hải Dương: Thêm nhiều ca mắc Covid-19 là người đến/về tỉnh

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 3/11, tỉnh ghi nhận thêm 10 ca mắc Covid-19, trong đó có 3 trường hợp về từ TP. Hồ Chí Minh và 7 trường hợp là F1 đã được cách ly trước đó.

Từ khi Hải Dương áp dụng Quyết định 4800/QĐ-BYT (ngày 10/10/2021) đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 39 ca mắc mới ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố; trong đó nhiều nhất là thị xã Kinh Môn với 12 trường hợp. Các ca mắc mới phần lớn đều đến/về tỉnh Hải Dương từ các tỉnh, thành khác và người tiếp xúc gần của các trường hợp này.

Hải Dương yêu cầu cơ quan chức năng lập danh sách công dân đến/về Hải Dương theo đường hàng không, công dân hoàn thành cách ly từ các địa phương khác về tỉnh để kịp thời giám sát, quản lý theo quy định.

Các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát người đến, về Hải Dương từ các địa phương khác nhất là người ở các vùng 2, 3, 4 để có biện pháp cách ly phù hợp.

Các Tổ tuyên truyền, giám sát phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng tăng cường hoạt động, quản lý, giám sát những người đến, về địa phương và những người thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Từ 27/7 đến nay, Hải Dương ghi nhận 186 trường hợp mắc Covid-19; hiện chỉ còn 23 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh. Toàn tỉnh có 6.757 trường hợp đang thực hiện cách ly; trong đó, cách ly tập trung tại khách sạn là 395 trường hợp; 514 trường hợp cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 5.848 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Phú Thọ áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 3/11, tỉnh ghi nhận thêm 16 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 50 ca.

Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 839 ca mắc Covid-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 458 ca; các huyện Lâm Thao 148; Phù Ninh 107 ca; Thanh Sơn 73 ca; thị xã Phú Thọ 19 ca; Tam Nông 13 ca; Tân Sơn 8 ca; Thanh Thủy 5 ca; Cẩm Khê 3 ca; Yên Lập 2 ca; Hạ Hòa 2 ca; Thanh Ba 1 ca.

Hiện 69,2% người dân trên 18 tuổi của Phú Thọ đã được tiêm ít nhất một mũi và 9,5% người dân trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.

Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; trong đó, huyện Thanh Sơn cấp độ 3; 11/13 huyện ở cấp độ 2, gồm thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1. Toàn tỉnh có 4 xã ở cấp độ 4 gồm xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì), thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng (Thanh Sơn); 5 xã ở cấp độ 3 và 44 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.

Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, ngày 3/11, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch đã ban hành; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ nghiêm việc thực hiện 5K, bắt buộc tất cả các trường hợp đến làm việc tại cơ quan, đơn vị phải khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm để quản lý và thuận lợi cho việc truy vết.

Cùng ngày, tỉnh đã ra văn bản gửi các sở, ban, ngành đoàn thể, các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường quản lý đối với một số dịch vụ có nguy cơ cao để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Phú Thọ yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm như vũ trường, quán bar, karaoke, massage, cơ sở cung cấp dịch vụ internet, trò chơi điện tử, spa-làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ bi-a… Các nhà hàng, quán ăn, uống, không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về cho đến khi có thông báo mới.

Các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; giảm 30 – 50% số người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, khuyến khích làm việc trực tuyến từ xa (trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch). Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch được phép hoạt động song phải bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiểm soát và áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh. Trước mắt, áp dụng đối với tất cả các xã, phường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Gia Lai, Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định; các xã có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 4 và các vùng phong tỏa thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc…

Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc người đã khỏi bệnh, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Người chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Người chưa tiêm vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 16 tuổi thuộc diện cách ly phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế (nếu cần thiết) và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định…

Tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã tiếp nhận và phân bổ khoảng 109 triệu liều vaccine phòng Covid-19 các loại khác nhau. Theo thống kê thực đến 15 giờ ngày 3/11, cả nước đã tiêm 84.215.474 liều, trong đó ngày 2/11 tiêm được 961.071 liều.

Về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 -17 tuổi, hiện đã có 6 địa phương tiến hành tiêm là TP. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình và Quảng Ninh. Một số địa phương khác đã lên kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ khi vaccine được phân bổ.

Đến nay, các địa phương tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bình Dương.

9 tỉnh, thành phố bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là: Long An, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Bắc Ninh.

19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tiêm được 38,2 triệu liều vaccine (chiếm 46,6% cả nước). Bộ Y tế đang hướng tới tỷ lệ vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022.

Về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, dựa trên khả năng cung ứng vaccine của nhà sản xuất, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia trên thế giới và các loại vaccine đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi; đảm bảo toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng tiếp cận bình đẳng vaccine phòng Covid-19….

Related posts

Tình hình dịch bệnh tại VN sáng nay 1/8

Science

Nghi bị cắm sừng, vợ giấu 500 triệu để dọa chồng

Tin Tức Đa Chiều

Tên trộm ‘liều lĩnh’ vào tận khu đô thị cẩu xe ô tô đi

Leave a Comment