Có thêm 10.011 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ (7h ngày 25/9 đến 17h ngày 26/9), riêng TP. Hồ Chí Minh đã chiếm hơn một nửa với 5.121 ca; số ca tử vong 184. Trong ngày có 11.477 bệnh nhân khỏi bệnh, cao hơn số mắc 1.466 ca.
TP. Hồ Chí Minh xây dựng phương án hoạt động sau ngày 30/9
TP. Hồ Chí Minh xây dựng phương án hoạt động sau ngày 30/9, trong đó vận tải hàng hóa thiết yếu sẽ được ưu tiên. Nguyên tắc chung là người ngồi trên xe phải đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông của ngành y tế, tuân thủ đúng quy định 5K.
Với số lượng doanh nghiệp nhiều, Thành phố dự thảo kế hoạch đón công nhân, lao động trở lại làm việc với mục tiêu là tạo điều kiện cho lao động nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch.
+ Công tác xét nghiệm toàn thành phố trong 6 đợt có kết quả như sau: Đối với vùng cam và đỏ, thực hiện lấy mẫu bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tỷ lệ dương tính giảm từ 3,7% trong đợt 1 xuống còn 1,1% trong đợt 6.
+ Đối với vùng xanh, cận xanh và vàng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình. Tỉ lệ dương tính vùng xanh – cận xanh và vùng vàng lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% trong đợt 1 xuống còn 0,7% và 0,9%.
Trong đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 22 – 25/9, tỷ lệ dương tính chung các vùng nguy cơ toàn TP. Hồ Chí Minh giảm từ 0,4% xuống 0,2% trên tổng số mẫu được lấy. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 26/9.
Từ ngày 16/9, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cho phép 3 địa phương cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh là quận 7, huyện Cần giờ, Củ Chi được nới lỏng một số hoạt động. Người dân được đi chợ mỗi tuần một lần, một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh đảm bảo tiêu chí phòng dịch được hoạt động… Việc thí điểm là cơ sở để thành phố áp dụng cho địa phương khác sau khi Covid-19 được khống chế.
Thực tế, sau 10 ngày ‘mở cửa’, quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ vẫn kiểm soát được dịch và dự kiến nới lỏng thêm một số hoạt động sản xuất, kinh doanh.
TP. Hà Nội xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19
Hà Nội xây dựng 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19. Trong những kịch bản này có việc tổ chức cho học sinh lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 ở “vùng xanh” được đến trường học tập. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cùng cơ quan y tế xây dựng dự thảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học và hướng dẫn chi tiết phòng chống dịch Covid-19 tại trường để có thể đón học sinh trở lại trường.
Trong đó, có các quy định trước khi học sinh đến trường, trong thời gian học sinh học tập tại trường và kết thúc buổi học.
Các nhóm công việc được lưu ý thể hiện bằng các tiêu chí gồm: Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế trường học; thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập, phương tiện đưa đón học sinh theo đúng hướng dẫn của y tế; có nhân viên y tế trường học, có phòng cách ly, phòng y tế theo quy định; các trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế và thực tiễn dịch bệnh của địa phương; có phương án xử trí khi có trường hợp ho, sốt, khó thở nghi mắc Covid-19 trong trường học.
Các tiêu chí quy định cả trước, trong và kết thúc buổi học là 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi đến trường, đo thân nhiệt tại cổng trường; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến trường, trong thời gian học tập và khi ở trường về nhà.
Việc giao nhận học sinh mầm non, tiểu học diễn ra trước và sau buổi học tại cổng trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện giãn cách tại phòng học, phòng làm việc, phòng sinh hoạt và các khu vực trong trường học.
Kèm theo việc ban hành bộ tiêu chí trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng sẽ ban hành hướng dẫn, trong đó quy định cụ thể những việc các nhà trường, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải làm khi trở lại trường học.
Hà Nam đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc
Chỉ chưa đầy một tuần, tỉnh Hà Nam ghi nhận 59 ca mắc mới Covid-19 cộng đồng là giáo viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam, ngày 26/9, trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm 49 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng, Đoàn công tác Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và Học viện Quân y gồm 60 người cùng 4 xe xét nghiệm lưu động sau khi về Hà Nam đã tiến hành ngay việc tiếp nhận các mẫu xét nghiệm từ CDC Hà Nam.
Đoàn công tác chi viện cho tỉnh Hà Nam lần này, là những bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, họ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả các tỉnh phía Nam để hỗ trợ tăng cường chống dịch cho các địa phương. Cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ Hà Nam sớm nhất có thể khống chế được dịch bệnh.
TP. Phủ Lý tiếp tục thiết lập 173 khu vực phong tỏa nhỏ hẹp để xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0. Đến nay, Thành phố cũng đã tiến hành điều tra truy vết được 1.448 đối tượng F1 và đã đưa đi cách ly tập trung 564 người. Ra quyết định cách ly tại nhà với 5.579 trường hợp F2 theo quy định.
Công nhận hộ chiếc vaccine Covid-19
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”.
Việt Nam sẽ xem xét công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine với các nước khu vực ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nội dung này được nêu trong thông báo ngày 26/9 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước có vai trò “rất quan trọng, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay”. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng các nước để công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine.
Việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 756.689 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.689 ca nhiễm).
– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (371.660), Bình Dương (200.196), Đồng Nai (45.667), Long An (31.789), Tiền Giang (13.787).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
– Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.477
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 527.926
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca, trong đó:
– Thở ô xy qua mặt nạ: 2.723
– Thở ô xy dòng cao HFNC: 728
– Thở máy không xâm lấn: 119
– Thở máy xâm lấn: 719
– ECMO: 32
3. Số bệnh nhân tử vong:
– Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 184 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (131), Bình Dương (26), Đồng Nai (9), Long An (4), An Giang (4), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1).
– Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 213 ca.
– Tổng số ca tử vong do Covid- 19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-1919 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
– Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.977 xét nghiệm cho 432.433 lượt người.
– Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.968.310 mẫu cho 51.559.933 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19
Trong ngày 25/9 có 787.838 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 38.367.246 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.