Sáng 30-7, Bộ Y tế cho biết, tính từ 18 giờ 30 phút ngày 29-7 đến 6 giờ ngày 30-7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.992 ca mắc mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 4.987 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể tại TP Hồ Chí Minh (2.740), Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203), Đồng Tháp (90), Tây Ninh (88), Bến Tre (79), Khánh Hòa (78), Hà Nội (63), Cần Thơ (23), Long An (21), Phú Yên (17), Bình Định (17), Kiên Giang (17), Vĩnh Long (15), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (1) trong đó có 987 ca trong cộng đồng.
Như vậy tính đến sáng 30-7, Việt Nam có 133.405 ca mắc, trong đó có 2.213 ca nhập cảnh và 131.192 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Về tính hình xét nghiệm từ ngày 27-4 đến nay đã thực hiện 5.711.291 mẫu cho 16.529.067 lượt người.
Trong ngày 29-7, có 208.041 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều.
Bộ Y tế công bố 159 ca tử vong do Covid-19
Sáng 30-7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết từ ngày 27 đến 29-7, có 159 ca tử vong do Covid-19 tại 8 tỉnh, thành phố. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 27 đến 29-7 có 132 ca; tại Tỉnh Long An từ ngày 27 đến 29-7 có 9 ca; tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 27 đến 28-7 có 6 ca; tại TP Đà Nẵng từ ngày 27 đến 28-7 có 3 ca; tại TP Hà Nội ngày 28-7 có một ca; tại tỉnh Khánh Hòa ngày 27-7 có 3 ca; tại tỉnh Đồng Nai từ ngày 27 đến 29-7 có 4 ca; tại tỉnh Vĩnh Long ngày 27-7 có một ca.
Bộ Y tế thiết lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia
Ngày 29-7, Bộ Y tế có Quyết định 3616/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”.
Theo Bộ Y tế, từ ngày 27-4 cho đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch Covid-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng. Số ca bệnh Covid-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 100 nghìn ca nhiễm mới.
Để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới, theo Bộ Y tế, hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.
Các Bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh khẩn trương được triển khai. Ảnh: Bộ Y tế |
Chính vì vậy, đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng” được xây dựng với quan điểm chủ đạo: Phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm: Tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.
Bộ Y tế thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc – Trung – Nam và được đặt tại các bệnh viện: Bạch Mai (cơ sở 2); Hữu nghị Việt – Đức (cơ sở 2); Bệnh nhiệt đới Trung ương; Phổi Trung ương; Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2); Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; Đa khoa Trung ương Huế; Chợ Rẫy; Các trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 TP Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến); Đa khoa Trung ương Cần Thơ; Trung ương Quân đội 108 và Quân y 103.
Các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia được giao nhiệm vụ, chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về mặt chuyên môn với địa bàn như: Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phối hợp; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp; Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp. Mỗi trung tâm sẽ có từ 200-3.000 giường bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chỉ định thiết lập 33 bệnh viện trên cả nước đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng, trong đó có 4 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; Thanh Nhàn; Đa khoa Xanh Pôn; Đa khoa Hà Đông. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150 đến 300 giường (tùy theo diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).
Bộ Y tế phân bổ 3 triệu liều vaccine Moderna
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc phân bổ hơn 3 triệu liều vaccine Moderna phòng Covid-19. Đây là số lượng vaccine vừa được Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam ngày 24 và 25-7 thông qua cơ chế Covax.
Theo đó, vaccine Moderna được phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố, 23 bệnh viện, viện thuộc Bộ Y tế và lực lượng công an, quân đội. Khu vực miền Bắc nhận 1.018.000 liều, trong đó Hà Nội là nơi tiếp nhận nhiều nhất với 268.800 liều. 11 tỉnh miền Trung nhận 309.120 liều, trong đó Khánh Hòa có 42.000 liều; thành phố Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam mỗi tỉnh có 33.600 liều… 4 tỉnh Tây Nguyên nhận 80.640 liều, trong đó Đắk Lắk có 30.240 liều, Gia Lai có 28.560 liều. 20 tỉnh miền Nam nhận 1.363.880 liều, riêng TP Hồ Chí Minh có 336.000 liều. Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh nhận 84.000 liều.
Trong đợt phân bổ này, 23 bệnh viện, viện của Bộ Y tế nhận 174.580 liều, nhiều nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương mỗi nơi nhận 18.480 liều.
Theo quyết định, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu trường hợp các đơn vị không sử dụng hết vaccine hoặc có nhu cầu sử dụng thêm thì phối hợp với Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) để chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và một số quyết định của Bộ Y tế, bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả.
Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, bảo đảm mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine Moderna.