Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm Việt Nam

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 28/8: Lại kỷ lục buồn trong 24 giờ

Trong 24 giờ, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 356 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (287), Bình Dương (34), Đồng Nai (13), Khánh Hòa (10), Long An (7), Đà Nẵng (2), Bến Tre (1), Sóc Trăng (1), Thanh Hóa (1).

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Như vậy, trong 24h giờ (từ 18h ngày 26/8 đến 18h ngày 27/8) số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.332 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 1.449 ca, Bình Dương giảm 681 ca, Đồng Nai tăng 253 ca, Long An tăng 5 ca, Tiền Giang giảm 42 ca.

Tối qua cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao nhất kể từ đầu dịch với 17.409 ca. Ngày có số ca nhiễm cao thứ hai là 21/8 (13.417), ngày có số ca nhiễm cao thứ ba là 25/8 (12.093). Tròn 4 tháng đợt dịch thứ 4 bùng phát, tổng số ca nhiễm cộng đồng vượt 400.000, ghi nhận ở 62 tỉnh thành, số ca tử vong vượt 10.000.

– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 410.366 ca nhiễm, đứng thứ 63/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.174 ca nhiễm).

– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 406.233 ca, trong đó có 195.840 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.

+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (199.483), Bình Dương (94.745), Đồng Nai (21.467), Long An (19.949), Tiền Giang (8.821).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

– Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.126

– Tổng số ca được điều trị khỏi: 198.614 ca.

2. Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.146 ca, trong đó:

– Thở ô xy qua mặt nạ: 3.939

– Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.222

– Thở máy không xâm lấn: 93

– Thở máy xâm lấn: 866

– ECMO: 26

3. Số bệnh nhân tử vong:

– Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 356 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (287), Bình Dương (34), Đồng Nai (13), Khánh Hòa (10), Long An (7), Đà Nẵng (2), Bến Tre (1), Sóc Trăng (1), Thanh Hóa (1).

– Sau khi rà soát số liệu, bổ sung thêm 30 ca tại Phú Yên từ ngày 01-27/8/2021.

– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.053 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,3% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

– Trong 24 giờ qua đã thực hiện 685.699 xét nghiệm cho 757.294 lượt người.

– Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 11.522.362 mẫu cho 30.740.951 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 26/8 có 298.212 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.843.004 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.607.991 liều, tiêm mũi 2 là 2.235.013 liều.

TP. Hồ Chí Minh test nhanh Covid-19 cho người dân ở “vùng đỏ” và “vùng cam”

Thông tin được đại diện ngành y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin, truyền thông phòng, chống Covid-19 tại Thành phố, chiều 27/8. từ 18 giờ ngày 25/8 đến 18 giờ ngày 26/8, TP. Hồ Chí Minh đã lấy 377.390 mẫu test nhanh SARS-CoV-2, trong đó có 8.578 mẫu đơn và 6.620 mẫu gộp.

Tính từ ngày 23/8 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện xét nghiệm nhanh 1.117.000 mẫu cho người dân “vùng đỏ và “vùng cam” qua đó phát hiện 42.400 người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, những trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với SARS- CoV-2 sẽ được lấy mẫu đơn để xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR.

Tại một số quận, huyện thuộc “vùng đỏ”, “vùng cam”, việc test nhanh đã thực hiện ở vòng thứ 2. Trung bình 1 vòng xét nghiệm ở khu vực nguy cơ kéo dài khoảng 2-3 ngày.

Trước đó, với dự báo số ca F0 tăng, Thành phố đã thành lập hơn 400 trạm y tế lưu động ở các phường xã, thị trấn để hỗ trợ cho F0 cách ly tại nhà. Trong trường hợp quá khả năng, trạm y tế lưu động sẽ có trách nhiệm chuyển bệnh nhân vào bệnh viện.

Về tiêm vaccine phòng Covid-19, Thành phố cũng đang tiếp tục nâng cao năng lực tiêm chủng. Theo thống kê, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 26/8/2021 là 5.741.654 (tăng 113.926 mũi so với ngày 25/8/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 5.485.507, mũi 2 là 256.147, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 598.02.

Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 25/8/2021 là 5.627.728 trong đó tổng số mũi 1 là 5.390.903, mũi 2 là 236.825, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 573.771.

Thủ tướng tin tưởng đến 15/9, Bình Dương sẽ cơ bản kiểm soát được dịch

Trưa 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Bình Dương. Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu và bày tỏ tin tưởng chậm nhất ngày 15/9 tỉnh này sẽ kiểm soát được tình hình.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại và nhấn mạnh quan điểm lấy xã phường, nhà máy, xí nghiệp là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân, mỗi người dân vừa là trung tâm được phục vụ, vừa là chủ thể phòng chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu các xã, phường tiếp tục thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài lỏng trong”. Địa phương cần giải thích rõ cho nhân dân hiểu việc thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người, vì sức khỏe của mình, của cộng đồng và sự phát triển của quốc gia dân tộc. Lãnh đạo các xã, phường phải kiểm tra, rà soát để bảo đảm khi người dân gọi do thiếu ăn, thiếu mặc thì xã phường phải đáp; người dân gọi khi cần dịch vụ y tế thì lực lượng y tế phải đáp.

Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, đến nay toàn tỉnh có hơn 86.000 ca F0 và 47.800 người đã khỏi bệnh. Tỉnh đang triển khai đợt xét nghiệm cho 1,5 triệu người, qua đó phát hiện hơn 41.000 F0 trong cộng đồng và 323 ca trong 130 công ty.

Theo ông Võ Văn Minh, hiện Bình Dương đang thực hiện phân loại các vùng xanh, vàng, đỏ trên bản đồ Covid-19. Về thực hiện chiến lược giảm ca tử vong, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là phải bóc tách nhanh nhất các ca F0 ra khỏi công đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu thấp nhất tử vong.

Tỉnh đã chỉ đạo thần tốc công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu, những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, người vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất…

Tỉnh thực hiện phân tầng điều trị theo mô hình 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh, đồng thời điều phối F0 giữa 3 tầng (tầng 1 chiếm 60%, tầng 2 chiếm 35%, tầng 3 chiếm 5%). Trong đó, tầng 3 có 837 giường ICU; tầng 2 có 24 khu điều trị với gần 19.000 giường; 236 điểm điều trị thuộc tầng 1, bao gồm nhiều trạm y tế lưu động tại xã, phường. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch ứng phó với kịch bản số ca nhiễm có thể tăng cao hơn, cụ thể là 150.000 ca. Bình Dương đã tiêm vaccine cho hơn 806.000 người trên tổng số 2,5 triệu dân.

Về an sinh xã hội, 11/11 phường thuộc vùng đỏ đã được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, tương đương 750.000 đồng trong 15 ngày. Tất cả người dân được hỗ trợ, không phân biệt. Trước khi tăng cường giãn cách, Bình Dương đã có gói 210 tỷ đồng hỗ trợ cho 700.000 người lao động ở trọ. Người ở các khu trọ được hỗ trợ 500.000 đồng/người; nếu người dân nào ở khu trọ mà có hoàn cảnh khó khăn thì được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người. Tỉnh hiện có 3.500 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với 350.000 đến 400.000 lao động.

Đồng Nai cần lên kịch bản cho tình huống xấu hơn

Đồng Nai là địa phương thứ ba trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các tỉnh phía Nam. Làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh cần lên kịch bản xấu hơn, chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế nhằm kịp thời ứng phó khi dịch lây lan mạnh.

Người đứng đầu Chính Phủ lưu ý, với số ca nhiễm như hiện nay, so với TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai đang có điều kiện để kiểm soát dịch trước. Tuy nhiên, Tỉnh cần lên kịch bản xấu hơn nhằm chuẩn bị cả nhân sự và cơ sở vật chất ứng phó kịp thời phòng khi dịch bùng phát. Trong đó, địa phương cần tăng cường nhân lực lẫn thiết bị y tế ở tuyến phường xã vì đây là nơi gần dân nhất.

“Chiến dịch xét nghiệm diện rộng nhằm tách F0 khỏi cộng đồng của Đồng Nai đang đi đúng hướng”, Thủ tướng nói và cho biết tỉnh phải dập dịch trước ngày 15/9 để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trung ương sẽ ưu tiên vaccine và thuốc điều trị cho Đồng Nai.

Dự báo số ca bệnh có thể tăng lên 25.000 vào cuối tháng 8, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm 500 y bác sĩ; 100 máy thở cao cấp; một triệu test nhanh; hai triệu liều vaccine và các loại thuốc điều trị Covid-19. Trong phòng chống dịch, tỉnh quyết tâm không để dân đói, người bệnh không thiếu oxy…

Đến nay, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 21.600 ca Covid-19, chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Hà Nội ghi nhận 37 ca cộng đồng trong 59 ca mắc mới

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18 giờ ngày 26/8 đến 18h ngày 27/8, Hà Nội có 59 ca mắc mới trong đó có 37 tại cộng đồng. Trong 21 ca dương tính mới có 4 ca phát hiện ở khu cách ly, số còn lại thuộc vùng phong toả.

Riêng tại điểm nóng phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân có 14 ca. Cụ thể: Khu tập thể thuốc lá Thăng Long có 5 ca; ngõ 326 Nguyễn Trãi có 3 ca; ngõ 328 Nguyễn Trãi có 3 ca, ngõ 330 Nguyễn Trãi có 1 ca và ngõ 63 phố Vũ Trọng Phụng có 1 ca. Như vậy, ổ dịch này đã có 134 ca dương tính SARS-CoV-2 chỉ sau 5 ngày (từ 2 ca chỉ điểm phát hiện đầu tiên hôm 23/8).

Tại quận Hoàng Mai, ổ dịch mới ở ngõ 24 Kim Đồng, phường Giáp Bát có thêm 3 ca dương tính. Chính quyền quyết định mở rộng phong tỏa khu dân cư cạnh Bến xe Giáp Bát, sau khi xác định 31 ca dương tính tại đây. Khu vực phong tỏa gồm 490 hộ dân với hơn 1.900 người sẽ bị cách ly y tế đến 7/9.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 2.895 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.518 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.377ca.

Related posts

Trump yêu cầu các cơ quan Đảng Cộng hòa ngưng mượn danh của ông để gây quỹ sai trái

Vụ ‘người chết vẫn phát sinh chi phí khám bệnh’: Xử phạt nhiều cá nhân, tập thể

Tin Tức Đa Chiều

Clip: Innova đâm liên tiếp 2 xe máy, 1 ô tô khiến bà bầu 5 tháng tử vong

Leave a Comment