Theo hãng tin The Guardian của Anh, Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) được xem là vụ rò rỉ dữ liệu về công ty “ngoại biên” (offshore) có quy mô lớn nhất lịch sử. Nó đến từ các nhà cung cấp dịch vụ offshore hoạt động tại Anguilla, Belize, Singapore, Thụy Sĩ, Panama, Barbados, Cyprus, Dubai, Bahamas, British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh), Seychelles và Việt Nam.
Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố “Hồ sơ Pandora” bao gồm 6.4 triệu tập tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, 1.2 triệu email, nửa triệu bảng tính liên quan tới hồ sơ thành lập, hồ sơ ngân hàng,… được viết bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Quan thoại, Hàn Quốc, Nga và Hy Lạp của hàng chục nghìn công ty “ngoại biên”.
Những hồ sơ này đã tiết lộ cách thức một số nhân vật quyền lực nhất thế giới, trong đó có hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao từ 90 quốc gia cùng 100 tỷ phú, đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu sự giàu có của mình.
Hồ sơ Pandora vạch trần những công việc bí mật được thực hiện ở nước ngoài của 35 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả tổng thống, thủ tướng và nguyên thủ quốc gia đương nhiệm và cựu tổng thống. Họ cũng làm sáng tỏ nguồn tài chính bí mật của hơn 300 quan chức chính phủ khác như bộ trưởng chính phủ, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 quốc gia.
Theo The Guardian, khi những người giàu có và quyền lực tích trữ tiền của họ trong các “thiên đường thuế”, về căn bản họ đang mua sự bí mật. Bí mật được nhắc tới ở đây chính là những “kẽ hở” trong các hoạt động tài chính ở nước ngoài, cho phép nhóm người giàu có có thể tiến hành trốn thuế.
Họ sẽ trả tiền để thuê trung gian thành lập các chủ thể pháp lý như công ty vỏ bọc, quỹ ủy thác… ở bên ngoài quốc gia họ sinh sống.
Mặc dù việc sở hữu những tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp nhưng việc sử dụng một mạng lưới phức tạp các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản là một cách hoàn hảo để che giấu những khoản tiền khu được từ các hành vi phạm tội.
Bằng cách vén màn che phủ những tài sản bí mật của giới quyền lực và giàu có, “Hồ sơ Pandora” đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa quyền riêng tư, bảo mật và lợi ích công.
Theo ước tính, các thiên đường thuế đã khiến chính phủ các nước thiệt hại khoảng $400 tỷ đến $800 tỷ mỗi năm do thất thu thuế từ các tập đoàn và cá nhân.
“Hồ sơ Pandora”, với 2.94 TB dữ liệu, được xem là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với “Hồ sơ Panama” (2016) và “Hồ sơ Paradise” (2017). Việc xác minh tính xác thực của “Hồ sơ Pandora” là cuộc kiểm định lớn nhất do ICIJ thực hiện cùng hơn 600 nhà báo đến từ 150 cơ quan truyền thông, bao gồm những hãng tin hàng đầu như Washington Post, The Guardian, BBC và Le Monde.
Trước đó, theo dữ liệu được công bố năm 2017 của ICIJ, Việt Nam có 13 công ty, 25 cá nhân và 20 địa chỉ được nhắc đến trong Hồ sơ Paradise (hay còn được gọi là “Hồ sơ Thiên đường”).
Tiến hành tìm kiếm với từ khóa “Vietnam” trên trang https://offshoreleaks.icij.org, kết quả cho thấy 13 công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam thì có 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh), hai công ty còn lại đăng ký tại quần đảo British Virgin.
Còn trong số 20 địa chỉ liên quan, có tới 16 địa chỉ ở Sài Gòn, 4 địa chỉ còn lại ở Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng.
Tính luôn cả dữ liệu cập nhật từ “Hồ sơ Panama” và “Hồ sơ Offshore Leaks”, có 32 pháp nhân, 214 cá nhân, 23 trung gian và 205 địa chỉ liên quan đến Việt Nam trong trang tìm kiếm của ICIJ. (Theo vietnamfinance.vn & The Guardian)