Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Thấy mới tin, không thấy thì không tin và câu chuyện về cái chết của Hỗn Độn

Xưa có câu chuyện mấy anh mù sờ voi, đó được xem là bức tranh châm biếm tài tình về tấn bi hài kịch của nhân loại suốt bao nhiêu đời. Con người sở dĩ lúc nào cũng tranh luận, bài xích, khinh miệt lẫn nhau cũng chỉ vì ai cũng như kẻ mù rờ rẫm để giành lẽ phải về mình mà không chịu dung nhẫn lẫn nhau.

Thế nên mới có lời bàn: “Đời sở dĩ loạn liên miên bất tận, trớ trêu thay, nào đâu phải vì thiếu kẻ lo đời, mà chính vì đã có quá nhiều kẻ lo đời như các anh mù trên đây” – (Cái cười của Thánh nhân, Nguyễn Duy Cần).

Bàn về cái loạn của thời Chiến Quốc, Trang Tử đã từng viết: “…Trong thời thiên hạ đại loạn, bậc hiền thánh sống trong bóng tối, không còn gì nhất trí trong đạo đức học thuật nữa. Phần đông sống trong những ý kiến cá nhân, riêng tư độc đoán, hết sức rời rạc. Cũng như tai, mắt, mũi, miệng… mỗi cơ năng chỉ nhận thức được trong khu vực hạn chế của quan năng mình thôi, thiếu sự thống nhất nhận thức với nhau. Bách gia chư tử với những kỹ thuật riêng của mỗi nhà cũng thế”.

Nói tiếp về sự tài giỏi chỉ trong đường lối hạn hẹp của mình, Trang tử mô tả giới bách gia chư tử: “Họ là bọn người cắt vụn vũ trụ làm từng khúc, đẽo sự lý của vạn vật ra từng mảnh. Ít kẻ biết nới rộng nhãn quang của mình để nhìn thấy cái Đẹp chung hầu xứng với cái chân tướng của thần minh. Bởi vậy Đạo trở nên tối mà không sáng, uất mà không nẩy. Thảy đều làm theo điều mình muốn, lấy mình làm phương thức chung cho tất cả mọi người. Ôi! Đạo thuật đã bị thiên hạ xé nát” – (bản dịch của Nguyễn Duy Cần, trích trong Cái cười của Thánh nhân).

Có vẻ lời ca thán của cổ nhân tới tận bây giờ vẫn chưa được đám con cháu lắng nghe mà suy nghĩ cho thấu đáo. Nhân loại vẫn liên tiếp đi vào vết xe đổ của sự giới hạn trong nhận thức. Rất nhiều người chỉ tin vào những gì mình mắt thấy tai nghe mà cố kết không thừa nhận rằng có những điều mắt không thể thấy, tai không thể nghe mà vẫn tồn tại một cách khách quan quanh chúng ta từ bao đời.

Trong lúc có người còn chưa tin vào sự tồn tại của sóng điện từ, người ta đã phát minh ra radio và vô tuyến điện. Trong lúc có người không tin vào sự tồn tại của Thần, Phật, hoàng tử Ấn Độ Tất Đạt Đa đã tu thành Phật. Trong lúc có người không tin, nhiều người đã khỏi hẳn bệnh tật hiểm nghèo vì luyện tập khí công và tu dưỡng tâm tính. Trong lúc nhân loại không tin vào sự chi phối của tạo hoá, thiên tai liên tiếp cảnh báo con người. Và trong lúc con người còn chưa tin, luật nhân quả vẫn đang vận hành và phơi bày rõ ràng ngay trước mắt thế nhân.

Bậc thầy châm biếm Trang Tử xưa cũng có câu chuyện ngắn rằng:

“Vua biển Nam là Thúc. Vua biển Bắc là Hốt. Vua khu giữa là Hỗn Độn.

Thúc và Hốt thường gặp nhau trên đất của Hỗn Độn. Hỗn Độn tiếp họ tốt. Thúc cùng Hốt tính trả ân Hỗn Độn, bàn với nhau: ‘Người ta, ai cũng có bảy khiếu để nhìn, để nghe, để ăn, để thở. Chỉ riêng có ông bạn chúng ta đây là không có. Vậy, ta thử đục ông ta xem nào!’.

Mỗi ngày đục một khiếu. Bảy ngày Hỗn Độn chết” – (Nam Hoa Kinh, Trang Tử).

Có thể hiểu Hỗn Độn chính là tượng trưng cho Thái nhất của Đạo gia, nơi các cặp mâu thuẫn trên đời hoà lẫn vào với nhau làm một. Đây là nơi âm dương hợp nhất không bị phân chia, không còn sự phân biệt đúng sai, thiện ác, tốt xấu, không còn thị phi, là nơi có thể dung chứa được mọi sự khác biệt, là sự từ bi tối cao có thể dung hoà được mọi sự đối nghịch.

Để đạt được như vậy, Đạo gia cho rằng phải “phản kỳ chân, phục kỳ bản”, tức là quay trở về với cái bản nguyên, chân ngã, cái ban đầu. Nhìn nhận mọi thứ bằng thuyết nhất nguyên chứ không phải nhị nguyên luận (có tâm phân biệt, phì đại bản ngã, coi trọng cái tôi, cái ý kiến chủ quan, cái quan niệm cố hữu của mình).

Muốn thế đầu tiên phải “tắc kỳ đoài, bế kỳ môn, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần”, trong đó “tắc kỳ đoài, bế kỳ môn” nghĩa là phải đóng các khiếu của ngũ quan (thất khiếu: chỉ hai mắt, hai tai, hai mũi, miệng). Các giác quan này là cách chúng ta “giao tiếp” với thế giới bên ngoài thân thể mình, có thể nói là nơi nội tâm và ngoại cảnh giao tế với nhau.

Nhưng với sự giới hạn của các giác quan, ta chỉ nhận thức được một góc nhỏ, một phần của con voi được đem ra cho những anh mù rờ rẫm. Thậm chí đôi khi, giác quan còn đánh lừa chúng ta, cho ta thấy cái giả tưởng mà không phải chân tướng của sự vật, hiện tượng.

Sự giới hạn của con mắt chỉ nhìn thấy tới mức độ phân tử bề mặt, nên ta chỉ thấy cái cốc trước mặt đang bất động, cố định, mà không thấy hàng triệu, tỷ nguyên tử đang vận động không ngừng trên cái cốc đó. Vì sự giới hạn của cái mũi người, mà chúng ta không thể “đánh hơi” được ra những mùi hương khác mà nhiều loài động vật có thể làm được. Vì sự giới hạn của cái tai mà ta không thể nghe được những âm thanh mà cá heo nghe được…

Bởi vậy tin vào giác quan của mình, chỉ tin vào những gì nó cho chúng ta thấy, thì đồng nghĩa với việc ta đang tự giới hạn mình, không khác gì “cùng ếch giếng không thể nói về biển được: nó chỉ biết có cái hang nó mà thôi. Cùng con trùng mùa hạ, không thể nói băng tuyết đặng: nó chỉ biết có cái mùa của nó mà thôi!” – (Nam Hoa Kinh, Trang Tử).

Chỉ có dùng cái tâm khoáng đạt không phân biệt, không có quan niệm cố định, không vội chê bai, bài xích; từ bi dung chứa được mọi sự khác biệt, sẵn sàng dành chỗ cho những kiến thức, thông tin mới mẻ trong cái nhận thức vô biên của mình thì mới có thể tới gần hơn được với sự thật.

Đó chính là cách Hỗn Độn dung chứa được cả vua biển Nam lẫn vua biển Bắc. Hai vị vua ở hai cực đối nghịch Bắc Nam chính là đại diện cho quẻ Khôn và quẻ Kiền, một vị thuộc âm, một vị thuộc dương, đối lập nhau. Nên câu chuyện mới viết rằng Thúc, Hốt vẫn thường gặp nhau trên đất của Hỗn Độn và “Hỗn Độn tiếp họ rất tốt”. Hỗn Độn chính là nơi giao hoà của Đông Nam Tây Bắc, là nơi dung hoà mọi cặp đối lập.

Và để có thể dung chứa được mọi sự sai khác, Hỗn Độn không thể dùng tới khiếu như cách nghĩ “người ta ai cũng có bảy khiếu để nhìn, để nghe, để thở” mà Thúc và Hốt lo lắng. Hỗn Độn vượt lên trên hết thảy mọi loại quan niệm, phân biệt, để thấy được chân lý toàn diện, trong đó có cả các cặp mâu thuẫn trên đời (lưỡng nghi). Bởi Hỗn Độn không dùng cái giới hạn (thất khiếu) mà nhận thức cái vô hạn.

Bằng lòng tốt dựa trên nhận thức giới hạn của mình, Thúc và Hốt đòi đục cho Hỗn Độn 7 cái lỗ, thế thì có khác gì hại chết Hỗn Độn đây? Chẳng phải là khởi tác dụng phá hoại chứ không còn là giúp đỡ nữa là gì?

Thế nên nếu con người cứ mải miết học theo những cái quan niệm từ đời này tới đời khác, tuyệt đối hoá mọi thứ theo quan điểm khoa học thực chứng, thì càng ngày sẽ càng chỉ khiến cho chân tâm bị mai một, lu mờ. Từ đó không còn khả năng nhận thức được sự thật và những điều tồn tại khách quan nhưng không thể cân đo đong đếm, nếm, sờ.

Thêm vào đó là cái nhiệt huyết muốn “cải biến” người khác, “cải biến” cả sự thật khách quan, làm ra những việc dại khờ mà sau này sẽ trở thành cái cười cho thiên hạ: “Mỗi ngày đục một khiếu. Bảy ngày Hỗn Độn chết”.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Bí mật của Hà Lan: Phố ‘đèn đỏ’, và hơn thế nữa…

Tin Tức Đa Chiều

Các nhà khoa học đưa ra bằng chứng cho giả thuyết về việc COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm

Tin Tức Đa Chiều

Nữ VĐV Nhật Bản bò về đích, bất chấp chấn thương không bỏ cuộc: Hạnh phúc phải chăng chính là lựa chọn?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment