Có thể hải quân Trung Quốc đã phát hiện thấy tàu ngầm Mỹ khi nó đang trong lộ trình tới Guam nhưng không rõ về tình trạng hư hại.
Ảnh vệ tinh mới đây đặt ra khả năng: Hỏng hóc đối với tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Connecticut có thể đã xảy ra trong một vụ va chạm trực diện với một vật thể chìm cỡ nhỏ tại Biển Đông, SCMP dẫn lời chuyên gia quân sự cho biết.
Theo các nhà quan sát, sự cố cách đây 4 tuần có thể đã xảy ra ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) và có thể hải quân Trung Quốc đã phát hiện thấy tàu ngầm Mỹ khi nó đang trong lộ trình tới Guam nhưng không rõ về tình trạng hư hại.
Hình ảnh đầu tiên về chiếc tàu ngầm hạt nhân đã được công ty dữ liệu hình ảnh của Mỹ Planet Labs thu được vào ngày 20/10 và công bố lần đầu trên trang quân sự công nghệ The Drive.
Bức ảnh cho thấy vòm sonar ở phần mũi tàu ngầm lớp Seawolf đã được gỡ ra. Nhiều khả năng hệ thống sonar đã bị hư hại trong sự cố và cần được thay thế. Phần vây và các bộ phận khác trên thân tàu không cho thấy dấu hiệu nứt vỡ nên có vẻ các lò phản ứng hạt nhân của tàu vẫn bình thường – đúng như thông cáo ban đầu của Hải quân Mỹ.
“Gần như chắc chắn là USS Connecticut đã bị đâm trực diện ở phần đầu gây nứt vòm sonar – hệ thống cảm biến quan trọng nhất, có nghĩa là con tàu trở nên mù, điếc khi lặn và phải lập tức ngừng nhiệm vụ”, nhà quan sát quân sự Antony Wong Tong nhận định.
Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSSSPI) đã đăng một ảnh chụp vệ tinh chất lượng thấp lên Twitter hôm 8/10 và cho rằng, một tàu ngầm nghi là thuộc lớp Seawolf đã được phát hiện cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 43 hải lý về phía Đông Nam vào hôm 3/10, một ngày sau vụ va chạm.
Theo ông Wong, thông tin này đề ra khả năng vụ va chạm có thể đã xảy ra gần quần đảo Hoàng Sa:
“Vụ va chạm có thể đã xảy ra ở vị trí cách quần đảo Hoàng Sa chưa đầy 43 hải lý và hoạt động của tàu ngầm nhạy cảm hơn nhiều so với các tàu mặt nước. Điều này khiến hải quân Mỹ phải giữ bí mật về sự cố và tránh báo động tới phía đồng cấp Trung Quốc”.
“Việc tàu ngầm Mỹ có thể ở dưới nước lâu như vậy cho thấy tổn hại không nghiêm trọng”, ông Wong nói.
Trong khi đó, chuyên gia hàng hải Li Jie nhận định, có thể hải quân Trung Quốc đã biết về lộ trình của tàu ngầm Mỹ di chuyển qua khu vực nhưng không xác định được nơi sự cố xảy ra và bỏ qua. Hư hỏng có thể là do một vật thể cỡ phương tiện lặn không người lái, chứ không phải một tàu ngầm khác, Li đánh giá.
Theo Li, sự cố này cho thấy Trung Quốc cần tăng cường năng lực do thám dưới nước của mình.
Thông báo về sự cố của hải quân Mỹ vài ngày sau không đề cập tới những chi tiết như mức độ hỏng hóc, vật thể mà tàu ngầm đã va vào hoặc vị trí cụ thể của vụ va chạm.
Cơ quan này hôm 10/10 chỉ công bố thông tin: USS Connecticut đã va chạm với một vật thể không xác định ở Biển Đông, khiến 11 thủy thủ trên tàu bị thương. Hệ thống đẩy hạt nhân của tàu ngầm không bị ảnh hưởng và nó có thể quay trở về căn cứ ở Guam để kiểm tra. Kể từ đó chưa có thông tin mới nào được cập nhật.