Giới siêu giàu Trung Quốc đang trở nên hào phóng một cách bất thường vào cuối năm nay. Trong những tháng gần đây, Wang Xing, chủ tịch kiêm người sáng lập công ty giao hàng thực phẩm khổng lồ Meituan, đã quyên góp khoảng 2,7 tỷ USD cổ phiếu cho tổ chức từ thiện cá nhân thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giáo dục, cùng với một số món quà lớn khác.
Sau khi Colin Huang, người sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Pinduoduo, từ chức chủ tịch công ty vào tháng 3, ông đã tặng khoảng 1,85 tỷ USD cho một quỹ giáo dục. Và vào đầu năm nay, He Xiangjian của đế chế thiết bị gia dụng Midea và Xu Jiayin của đế chế bất động sản Evergrande đã chia lần lượt khoảng 975 triệu USD và 370 triệu USD cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và văn hóa.
Danh sách ngày càng lớn, với những tỷ phú như Zhang Yiming, người sáng lập công ty mẹ của TikTok là ByteDance, đã quyên góp khoảng 77 triệu USD đô la cho giáo dục cho quê hương Longyan ở tỉnh Phúc Kiến, và với cựu Olympic lặn vĩ đại Guo Jingjing đã quyên góp 10 triệu USD cho thành phố Vũ Hán.
Nhưng đằng sau sự gia tăng của hoạt động tặng quà tư nhân này có bàn tay của chính phủ Trung Quốc.
Với hơn 1.058 tỷ phú, theo dữ liệu người giàu có của Hurun Global Rich List năm 2021 được công bố vào đầu năm nay, Trung Quốc hiện có nhiều người siêu giàu hơn bất kỳ quốc gia nào trên Trái đất – bao gồm cả pháo đài tư bản Hoa Kỳ. Sự gia tăng giàu có đó khiến Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng khoảng cách giàu nghèo có thể trở thành một vấn đề đối với sự cai trị của ĐCSTQ, cho dù trong nhận thức hay thực tế hoặc cả hai.
Từ thiện bắt đầu tại quê nhà
Đối với ĐCSTQ và giới tinh hoa ủng hộ hệ thống chính trị, bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng được coi là mối đe dọa đối với sự nắm quyền của họ, các nhà phân tích nói.
“Tôi nghĩ rằng chênh lệch thu nhập là một mối quan tâm lớn đối với giới tinh hoa nhưng sẽ luôn có những thứ lấn át điều đó vì thực sự là chênh lệch thu nhập không phải là vấn đề; Tom Cliff, một giảng viên cấp cao tại Đại học Quốc gia Úc, người đã nghiên cứu về giới tinh hoa kinh doanh ở Trung Quốc, cho biết vấn đề là sự chênh lệch thu nhập tạo ra cái gì.
“Tôi không nghĩ giới tinh hoa thực sự quan tâm đến mọi người”, ông Cliff nói. “Tôi nghĩ rằng cái họ quan tâm là sự chênh lệch lớn về thu nhập có thể tạo ra những bất lợi gì đối với cái thể chế đang giúp duy trì vị trí tinh hoa của họ”.
Các doanh nhân của Trung Quốc, đặc biệt là những gã khổng lồ công nghệ, đã được chú ý kể từ khi đồng sáng lập Alibaba và cựu CEO Jack Ma thay đối đầu với giới lãnh đạo của đất nước vào cuối năm ngoái và chính phủ tung ra một loạt các hành động và chỉ thị nhằm kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của họ.
Nhiều hoạt động mà các doanh nhân này đã quen – tích lũy tài sản khổng lồ, hoạt động giống như các nhà tư bản ở những nơi khác, thể hiện cá tính riêng, thành lập các quỹ từ thiện và tổ chức giáo dục dưới danh nghĩa của họ – sẽ ngày càng khó được chấp nhận ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình trong những năm tới.
Các tin nhắn liên tục từ truyền thông nhà nước kể từ khi ông Tập đến thăm một viện bảo tàng vào cuối năm 2020 do doanh nhân và nhà từ thiện “tài đức” triều Thanh Zhang Jian thành lập đã báo hiệu cho các tỷ phú Trung Quốc rằng họ nên tỏ ra “biết điều”.
Giới siêu giàu của Trung Quốc đã tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD lớn chưa từng có vào tài sản của họ vào năm 2020 trong thời điểm cao điểm của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Theo Bloomberg, mặc dù họ đã phải chịu khoản lỗ 16 tỷ USD vào tài sản của mình trong nửa đầu năm 2021, sau cuộc đàn áp của các cơ quan quản lý. Áp lực ngày càng gia tăng khiến họ phải tìm lại tinh thần từ thiện của mình.
Các doanh nhân Trung Quốc được khuyến khích nới lỏng hầu bao và đóng góp cho xã hội trong kế hoạch 5 năm mới nhất của chính phủ được phê duyệt vào tháng 3 vừa qua.
Ủng hộ việc “tạo ra phúc lợi công cộng”, nó thúc đẩy từ thiện như một công cụ phân phối của cải với “phân phối thứ ba” trong kế hoạch hướng tới việc cải tổ hệ thống giáo dục của Trung Quốc và “đẩy nhanh việc ươm mầm nhân tài” trong khoa học, công nghệ, nông nghiệp và y học.
Loại phân phối thứ ba đó hiện đang ở mức cao.
Thúc đẩy và ép buộc
Theo bà Min Zhou, giám đốc Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương tại Đại học California Los Angeles (UCLA), hoạt động từ thiện toàn cầu của Trung Quốc bắt nguồn từ cách đây hơn một thập kỷ.
Điều này lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 năm 2010, khi tỷ phú Mỹ Warren Buffett và Bill Gates đến Trung Quốc để khuyến khích giới siêu giàu tham gia vào các hoạt động từ thiện. Nhưng những nỗ lực của họ cũng phản tác dụng một phần vào thời điểm đó vì một số người sợ tham dự các sự kiện vì lo ngại rằng họ sẽ phải thực hiện cam kết từ thiện công khai.
Đây cũng là khoảng thời gian xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ bắt đầu phát triển mạnh mẽ, sự phát triển này bị hạn chế hơn sau khi ông Tập đạt đến đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc vào năm 2012 và ban hành các đạo luật nhằm hạn chế các hoạt động ngoài sự giám sát trực tiếp của ĐCSTQ và chính phủ.
Bà Zhou nói: Tuy vậy, “Chính phủ vẫn rất mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoạt động từ thiện”, “chính phủ thúc đẩy đặc biệt đối với các doanh nhân nhưng sự thúc đẩy này hướng từ trên xuống nhiều hơn, rất khác so với những gì đang diễn ra ở cộng đồng người Hoa ở nước ngoài”, “Chính phủ đang cố gắng chuyển hướng sự giàu có của các doanh nhân. Không ép được thì chính phủ sẽ gây áp lực để họ phải làm như vậy”.
Ông Cliff nói, việc này đã khiến cho các chủ doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân ở cấp địa phương hiểu rằng họ phải cân đối số vốn mà họ tích lũy được thành nhiều dạng vốn khác nhau – tiền bạc, vốn chính trị và vốn xã hội để tồn tại và phát triển.
Theo bà Emily Baum, phó giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học California Irvine, hoạt động ủng hộ từ thiện cấp địa phương có một lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, nhưng nó cũng từ lâu đã trở thành nguồn gốc của căng thẳng giữa các cá nhân và nhà nước, cho dù là dưới các vương triều Trung Hoa hay Cộng hòa Nhân dân hiện tại.
Nếu sự trao tặng đó tạo ra ảnh hưởng lớn hơn ngoài phạm vi một địa phương hoặc làm suy yếu thẩm quyền nhận thức của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội hoặc công trình công cộng, thì điều đó thường trở thành có vấn đề.
“Tôi nghĩ rằng những doanh nhân như Jack Ma, những người muốn đi theo mô hình từ thiện của phương Tây hơn, tự tạo nền tảng và gắn tên mình với những hoạt động từ thiện liên quan đến giáo dục, sẽ khiến ĐCSTQ cảm thấy khó chịu bởi vì giáo dục là thứ mà họ đang muốn giám sát”, bà Baum nói.
Các nhà phân tích nói rằng có một số nguy hiểm khó lường khi ông Tập và ĐCSTQ đặt ra giới hạn bất thành văn cho giới tinh hoa trong khi lại thúc ép họ làm từ thiện. Ông Cliff nói: “Các chủ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong ba năm qua, cảm thấy những điều đen tối này đang ập đến, giống như nhà nước có thể cướp tài sản của họ, “Tôi nghĩ rằng một số người trong số họ cảm thấy bất bình về sự ép buộc của nhà nước và về việc nhà nước muốn ghi công cho các hoạt động phúc lợi xã hội của họ”.
Mối nguy hiểm khác là thông điệp mà việc cưỡng bức phân phối lại gần đây gửi đến thế hệ nhà đổi mới và doanh nhân tiếp theo: rằng việc tích lũy tài sản nhanh chóng có thể không còn được chấp nhận và các cá nhân không nên cố gắng can thiệp vào chính sách trong tương lai, bà Baum nói.