Ngày 16/11/2021, TOP500 công bố danh sách 10 siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Trung Quốc xếp thứ 4 với cỗ máy Sunway TaihuLight. Ngôi vị đầu bảng thuộc về siêu máy tính Fugaku của Nhật Bản – Đây là lần thứ 4, Fugaku giữ vững vị trí đứng đầu của mình trên toàn thế giới.
Dù Nhật Bản sở hữu cỗ máy có tốc độ xử lý siêu nhanh: 442 petaFLOPS [tương đương 442 triệu tỷ phép tính mỗi giây; 1 petaFLOP bằng 10 mũ 15], những nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, lĩnh vực siêu máy tính là ‘cuộc đua song mã’ của Mỹ và Trung Quốc.
Trong danh sách 10 siêu máy tính mạnh nhất thế giới vừa công bố đố, Mỹ chiếm 5 vị trí khác nhau trong top 10, trong khi đó Trung Quốc chiếm 2 vị trí.
Nhìn qua thì có thể thấy lĩnh vực siêu máy tính của Trung Quốc yếu thế hơn. Thực chất, có thể không phải vậy!
Datacenterdynamics.com trích dẫn thông tin của The Next Platform cho hay, Trung Quốc đang bí mật vận hành 2 siêu máy tính mạnh nhất trên thế giới – ở quy mô điện toán Exascale và là quốc gia đầu tiên chạy các hệ thống có khả năng chạy nhiều hơn một exaFLOPS [10 mũ 18 phép tính mỗi giây; 1 exaFLOP bằng 1.000 petaFLOPS].
*Exascale đề cập đến các hệ thống máy tính có khả năng tính toán ít nhất 10 mũ 18 phép toán dấu phẩy động mỗi giây (1 exaFLOPS).
ẨN DANH 1
Trích dẫn một nguồn ẩn danh, The Next Platform tuyên bố rằng Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Vô Tích là nơi đặt siêu máy tính Sunway “Oceanlite”. Hệ thống này là sự kế thừa của Sunway TaihuLight, chính thức là siêu máy tính mạnh nhất của Trung Quốc.
Vào tháng 3/2021, Trung Quốc đã thử nghiệm Oceanlite theo tiêu chuẩn Linpack và nó đạt hiệu suất cao nhất 1,3 exaFLOPS (hiệu suất duy trì đạt 1,05 exaFLOPS), có mức tiêu thụ điện năng 35MW.
Sunway “Oceanlite” được cho là có 42 triệu lõi của chip Trung Quốc. Siêu máy tính mới đang được sử dụng để mô phỏng lượng tử, và dự kiến sẽ sớm được công bố.
Siêu máy tính Sunway “Oceanlite” đã làm tăng đáng kể hiệu suất trí tuệ nhân tạo của nó. Được hỗ trợ bởi một bước đột phá trong công nghệ quản lý bộ nhớ, siêu máy tính Sunway “Oceanlite” thế hệ mới được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Kỹ thuật Máy tính Song song và Công nghệ đã ghi nhận mức tăng gấp 75.839 lần trong việc xử lý dữ liệu cho học máy. Hiệu suất tổng thể của máy tính tăng 88 lần khi xử lý một số tác vụ khó khăn nhất liên quan đến AI.
Sử dụng công nghệ mới, cỗ máy Sunway exascale “đang chạy nhiều ứng dụng AI, bao gồm học máy quy mô lớn và mô phỏng động lực học phân tử”.
Một máy tính exascale có thể mạnh hơn 1.000 lần so với các siêu máy tính chính thống hiện có. Tuy nhiên, những chiếc máy này không chỉ có tốc độ.
Trong quá khứ, công việc của một siêu máy tính là tính toán. Giới hạn hiệu suất chủ yếu được đặt khi máy tính được chế tạo.
Với việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực, những người sử dụng tiềm năng của máy tính exascale hy vọng những cỗ máy khổng lồ, đắt tiền này cũng sẽ chạy các thuật toán AI học hỏi từ công việc của chính chúng và trở nên thông minh hơn theo thời gian.
ẨN DANH 2
Các đội khác ở Trung Quốc cũng đạt được những bước đột phá tương tự. Vào tháng 7/2021, Tianhe-3, một siêu máy tính exascale do Đại học Công nghệ Quốc phòng (NUDT) ở Thiên Tân (Trung Quốc) phát triển thành công và có khả năng hoạt động tương tự, mặc dù chưa rõ mức tiêu thụ điện năng của nó.
Siêu máy tính mới Tianhe-3 dựa trên chip FeiTeng của Phytium, được phát triển sau khi các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ ngăn Trung Quốc mua bộ vi xử lý Intel Xeon Phi.
Theo các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, Tianhe-3 sử dụng bộ vi xử lý do Trung Quốc tự phát triển với khả năng tăng tốc phần cứng cho thuật toán AI vượt trội so với A100 – GPU Nvidia nhanh nhất được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo máy tính exascale ở các nước phương Tây.
Bắc Kinh đã phê duyệt việc xây dựng các máy tính exascale ở ba thành phố. Máy thứ ba được đặt ở Thâm Quyến, trụ sở của một số công ty công nghệ cao lớn nhất của Trung Quốc tham gia vào công nghệ AI.
SỰ IM LẶNG CỦA TRUNG QUỐC
Cho đến nay, không ai biết tại sao Trung Quốc im lặng, không công khai 2 siêu máy tính Sunway “Oceanlite” và Tianhe-3 của mình, để các chuyên gia của TOP500 đánh giá và xếp hạng 2 lần một năm (vào tháng 6 và tháng 11).
Dẫu vậy, Trung Quốc đã chế tạo nhiều siêu máy tính hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và gấp đôi số lượng siêu máy tính của Mỹ. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của đầu đạn hạt nhân, vũ khí siêu thanh, cơ sở hạ tầng quy mô lớn, khoa học đời sống và mạng lưới giám sát toàn cầu.
Theo một số nhà khoa học tham gia vào các dự án này, Trung Quốc đã thiết kế bộ vi xử lý của riêng mình cho siêu máy tính, nhưng những con chip này cần được sản xuất tại các xưởng đúc ở nước ngoài.
Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các chương trình siêu máy tính của Trung Quốc. Các nhà máy sản xuất chip siêu máy tính cho Trung Quốc có thể bị phạt nặng.
Chính quyền Trung Quốc đã không đưa kết quả lên TOP500, danh sách những máy tính mạnh nhất thế giới. Quyết định giữ im lặng về thành tích của Trung Quốc đã làm dấy lên những đồn đoán ở nước ngoài về tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tạm gác những đồn đoán, việc Trung Quốc âm thầm thực hiện những dự án tầm cỡ thế giới không phải là chuyện hiếm. Câu chuyện về Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSS) mang tên Thiên Cung là minh chứng.
Khi vấp phải sự ‘cấm vận’ từ Mỹ trong việc tiếp cận Trạm Vũ trụ Quốc tế trong những năm của thế kỷ 20, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ trong thế kỷ 21 để quyết tâm xây dựng trạm vũ trụ cho riêng mình – 1 điều mà chưa quốc gia nào trên thế giới làm được. Dự kiến, cuối năm 2022, Thiên Cung sẽ đi vào hoạt động!
Đứng trước một nước Mỹ với đầy lệnh cấm vận và trừng phạt, ‘sự im lặng’ của Trung Quốc đang khiến chính Mỹ phải dè chừng!
Trong bối cảnh liên quan, phía bên kia chiến tuyến, Mỹ sẽ sớm ra mắt hệ thống siêu máy tính quy mô exascale tên là Frontier – Vào thời điểm họ công bố thì đó sẽ là siêu máy tính exascale đầu tiên trên thế giới. Với tốc độ 1,5 exaFLOPS (có thể đạt hiệu suất duy trì là 1,3 exaFLOPS). Frontier sẽ trở thành siêu máy tính mới mạnh nhất thế giới (khi công bố).