The Guardian đưa tin, khoảng 140 người được cho là đã chết ở miền bắc Ấn Độ sau khi một sông băng ở Himalaya vỡ và lượng lớn nước đổ ập xuống với tốc độ cao cuốn trôi một con đập và làm hư hại một con đập khác.
Giới chức địa phương đã khẩn cấp tiến hành cứu hộ và thu được nhiều thi thể bị cuốn trôi khi nước trút như thác cùng bùn, đất đá tràn xuống một hẻm núi hẹp ở quận Chamoli, thuộc bang Uttarakhand.
Cụ thể, đã có 9 thi thể đã được trục vớt vào tối 7/2 và 140 người vẫn đang mất tích.
Theo Ủy banQuản lý khủng hoảng Quốc gia của Ấn Độ (NCMC), lũ lụt dọc theo thung lũng Himalaya là do một sông băng trên núi vỡ ra và đổ vào một phần của con sông Rishiganga và khiến mực nước ở thượng nguồn dâng cao đáng kể.
Trong khi một số người cho rằng vụ việc đã cho thấy tác động ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu – một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy các sông băng ở Himalaya đang tan chảy ở “tốc độ đáng báo động” – các nhà hoạt động và các cây viết địa phương cho rằng việc xây dựng tập trung các con đập và cơ sở hạ tầng thủy điện dọc theo các con sông và dãy núi ở Uttarakhand đã đang gây mất ổn định khu vực sinh thái mong manh của Himalaya và dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.
Có 550 đập và dự án thủy điện chỉ riêng ở bang Uttarakhand. Trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét hôm Chủ nhật, có 58 dự án dọc theo các con sông và phụ lưu sông. Một con đường mới cũng đang được xây dựng trên núi để khách du lịch dễ dàng đi đến ngôi đền Kedarnath của Uttarakhand.
Hridayesh Joshi, tác giả của cuốn sách Rage of the River – kể về một vụ lũ lụt tương tự ở Kedarnath, Uttarakhand trong năm 2013, cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người, nói rằng, các chuyên gia và nhà hoạt động đã đặt ra câu hỏi về các dự án đập và các tuyến đường ở Himalaya.
Joshi cho biết, trong khu vực Himalaya có 10.000 sông băng lớn nhỏ, vì vậy cần hết sức thận trọng khi xây dựng bất kỳ dự án nào ở trong khu vực này.
Ông nói thêm rằng: “Nhưng chính phủ muốn khai thác thủy điện để tạo ra thu nhập và phê duyệt cho tất cả dự án đập lớn này trên mọi con sông và sau đó họ lại áp đặt luật môi trường”.
https://www.dkn.tv/