Khoảng một tuần qua, từ hai bên bờ đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai, người ta có thể quan sát nước sông Hồng chuyển màu xanh ngọc
Còn nếu lại gần nhìn xuống nước trong vắt, thấy được đáy ở độ sâu khoảng gần một mét, theo VN Express.
Ông Vũ Đình Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết đây không phải lần đầu nước sông Hồng ghi nhận hiện tượng chuyển màu. Ông Thủy cho biết: “Khoảng 5 năm gần đây, cứ vào dịp đầu năm âm lịch lại xuất hiện tình trạng này. Nguyên nhân có thể do phù sa vốn làm nên màu nước sông Hồng không còn đổ về nhiều và lượng mưa giảm”.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã cử lực lượng chức năng lấy mẫu nước sông Hồng để xét nghiệm, tìm nguyên nhân.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Chủ tịch Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nêu hai nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng trên.
Nguyên nhân thứ nhất là số lượng lớn nhà máy, thủy điện, hồ chứa ở phía thượng nguồn sông Hồng (nằm trên lãnh thổ Trung Quốc) hoạt động đã khiến phù sa bị giữ lại và không chảy về Việt Nam.
Nguyên nhân thứ hai là chất ô nhiễm từ hoạt động của các nhà máy ở thượng nguồn và hai bên bờ nếu có.
Tuy nhiên, ông Tứ cũng nói rằng đây chỉ là nhận định mang tính giả thiết. Để khẳng định nguyên nhân vì sao nước sông Hồng chuyển màu cần phải có nghiên cứu, quan trắc cụ thể.
Trong khi đó, TS Vũ Thanh Ca của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho hay trên báo Giao Thông: “Phải nói chính xác đây là màu nước trong xanh, tức nước sạch. Còn nếu xanh như ngọc thì thường xuất hiện khi nước bị ô nhiễm tạo điều kiện cho giống tảo lục phát triển”.
Theo vị chuyên gia, hiện tượng nước sông Hồng qua Lào Cai trong mùa khô chuyển màu trong xanh là bình thường khi phía thượng nguồn ở Trung Quốc có tới 25 nhà máy thủy điện các loại chặn phụ lưu và dòng chính để phát điện.
“Vào mùa kiệt, lượng mưa rất ít nên không có dòng chảy mặt cuốn bụi đất xuống sông. Trong khi đó, các hồ thủy điện tích nước đã khá lâu và không có mưa to nên hầu như toàn bộ phù sa lắng đọng hết xuống đáy hồ. Vậy nên khi hồ xả nước để phát điện, dòng nước này chảy về hạ du, quét sạch nước bẩn làm nước sông trong xanh”, ông Ca lý giải.
Cũng theo ông Ca, hiện tượng này cũng dễ bắt gặp tại hồ thủy điện sông Đà và nhiều hồ thủy điện khác của Việt Nam. Vào thời điểm cuối đông, đầu xuân, không có mưa thượng nguồn nước trở nên trong vắt.
Đây không phải lần đầu hiện tượng các con sông có thượng nguồn ở Trung Quốc bị chuyển màu xanh. Hồi cuối 2019, sông Mekong chảy qua Thái Lan thường có màu nâu giờ đã chuyển sang màu xanh giống như nước biển. Kèm theo đó, nhiều bãi cát đã xuất hiện, một số trong đó dài đến vài km.
Ông Arthit Panasoon, chủ tịch nhóm bảo tồn môi trường ở tỉnh Nakhon Phanom, phía đông bắc Thái Lan, cho biết sự thay đổi hiếm hoi của màu nước này bề ngoài có vẻ hấp dẫn và bắt mắt nhưng đằng sau đó là một dấu hiệu ảm đạm cho thấy dòng sông đang cạn kiệt.
Ông Panasoon giải thích rằng độ sâu trung bình của mực nước chỉ còn khoảng một mét và là mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Do nước nông, dòng sông chảy rất chậm, gây ra sự kết tủa sa thạch dưới lòng sông và tạo ra phản chiếu màu xanh nước biển.
Ông Panasoon lưu ý rằng mùa khô vừa mới bắt đầu và phải chờ đến 6 tháng nữa thì mưa mới trở lại, nhưng sông Mekong đã khô cạn. Việc sông khô cạn là do ảnh hường từ các con đập ở Trung Quốc, Lào và biến đổi khí hậu.