Belarus sắp có S-400 và một lô vũ khí hùng hậu từ Nga. Các nước láng giềng NATO đang phải cảnh giác cao độ.
Động thái khiến phương Tây lạnh gáy
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko về chiến thắng bầu cử năm ngoái, Điện Kremlin đã và đang dần củng cố vị thế đối với quốc gia láng giềng.
Cả hai nhà lãnh đạo thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, tăng cường hợp tác về mặt kinh tế, đặc biệt là tiến hành tổ chức cuộc tập trận chung Zapad.
Hãng thông tấn Belta dẫn lời ông Lukashenko cho biết Nga sẽ sớm giao lô hàng khí tài quân sự khổng lồ cho Belarus, bao gồm máy bay, trực thăng và hệ thống phòng không S-400.
Việc chuyển giao được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự ủng hộ vững chắc của Moscow đối với chính quyền Lukashenko.
Nga coi đồng minh Belarus là vùng đệm an ninh ở sườn phía Tây, chống lại ảnh hưởng từ liên minh quân sự NATO và Liên minh châu Âu. Theo Atlantic Council, sự khăng khít với Belarus được ví như việc Nga có thêm phần mở rộng sức mạnh ở Quân khu Phía Tây.
Vài ngày trước, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo các binh sĩ phòng không của Nga đã đến thành phố Hrodna gần biên giới với Ba Lan và Litva, để thành lập một trung tâm huấn luyện quân sự chung.
Mục đích sẽ là đào tạo các phi hành đoàn Su-30SM và kíp vận hành hệ thống tên lửa phòng không. Bộ Quốc phòng Belarus cũng thông báo lô hàng máy bay chiến đấu Su-30SM sẽ đến Belarus vào ngày 3/9.
Trung tâm huấn luyện chung ở Hrodna – nơi vốn là một căn cứ quân sự – là một trong ba cơ sở mà Nga và Belarus đã đồng ý thành lập trong các cuộc đàm phán tại Moscow vào tháng 3/2021. Hai cơ sở còn lại sẽ nằm trên lãnh thổ Nga, ở Nizhny Novgorod và Kaliningrad.
Sự xuất hiện của lính phòng không Nga ở Hrodna diễn ra khi sự hợp nhất giữa các lực lượng vũ trang Nga và Belarus đang tăng tốc để chuẩn bị cho cuộc tập trận quân sự Zapad-2021.
Sự kiện này sẽ có sự tham gia của 12.800 binh sĩ, trong đó có 2.500 người từ Nga, huấn luyện ở Belarus trong một tuần, bắt đầu từ ngày 10/9.
Cánh tay nối dài của Nga
Trong một cuộc phỏng vấn với Belorusskiy Partizan , nhà phân tích quân sự Yegor Lebedok cho biết việc thành lập trung tâm huấn luyện ở Hrodna không liên quan đến bất kỳ nhu cầu thực sự nào mà là một phần của chính sách quy mô lớn nhằm “mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga ở Belarus”.
Lebedok nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu các sĩ quan Nga hay Belarus sẽ phụ trách cơ sở này cũng như bên nào sẽ chịu trách nhiệm ra lệnh các hoạt động tác chiến.
Nga và Belarus đã tiến hành một số lượng kỷ lục các cuộc tập trận quân sự chung trong năm nay trước thềm Zapad-2021. Sự luân chuyển liên tục của lực lượng Nga không khác gì việc có một sự hiện diện thường trực của quân đội tại đây.
Hơn nữa, ông Lukashenko cũng sẵn sàng bỏ ngoài tai mọi ý kiến phản đối lâu nay về việc xây dựng một căn cứ không quân mới của Nga trên lãnh thổ Belarus.
Khi Nga mở rộng sự hiện diện quân sự ở Belarus, sự hội nhập chính trị của hai nước dường như đang tăng lên. Ông Lukashenko dự kiến sẽ đến Moscow vào ngày 9/9, trước thềm cuộc tập trận Zapad, tiến hành cuộc gặp thứ năm với người đồng cấp Putin trong năm nay.
Hai bên dự kiến sẽ ký “lộ trình” tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế và chính trị sâu rộng hơn giữa Nga và Belarus.
Việc Nga tăng cường hợp tác quân sự Belarus diễn ra khi Moscow cũng đang dần mở rộng sự hiện diện của lực lượng tại khu vực Kaliningrad, giáp biên giới với các thành viên NATO Lithuania và Ba Lan.
Vào tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo về việc triển khai “khoảng 20 đơn vị quân đội chính ở Quân khu Phía Tây trước khi kết thúc năm 2021”.
Căn cứ mới ở Hrodna, cùng với sự mở rộng đều đặn của quân đội Nga ở Belarus, sự hiện diện ngày càng tăng ở Kaliningrad và các cuộc tập trận Zapad sắp tới – sẽ là điều khiến các nước láng giềng của Belarus phải cảnh giác cao độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Marcin Ociepa mới đây lưu ý rằng “các cuộc tập trận đôi khi trở thành nguồn gốc của động thái quân sự. Chúng tôi phải chuẩn bị cho mọi tình huống”.
Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở Belarus, cùng với việc Nga liên tục tích lũy vũ khí ở Kaliningrad đã làm thay đổi đáng kể phương trình ở sườn phía Đông của NATO.
Điều này tạo ra sự mất cân bằng an ninh đối với Latvia, Lithuania và Ba Lan. Rõ ràng Tổng thống Putin đã khai thác thành công những lợi thế của Belarus để thúc đẩy mục tiêu lâu dài đó là tạo phần mở rộng trên thực tế của Quân khu Phía Tây.