Kể từ sau khi Mỹ – Trung đối đầu, nhất là phát động cuộc chiến trên các phương tiện truyền thông, tình hình các phóng viên tác nghiệp ở Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, theo Vision Times.
Anh Jamil Anderlini, biên tập viên chuyên mục AsiaNews thuộc trang Financial Times, từng là trạm trưởng trạm phóng viên của tờ báo này tại Bắc Kinh và là người có tiếng nói trong giới phóng viên nước ngoài công tác tại Trung Quốc. Trong một cuộc họp video tại Trung tâm Thế giới Kỹ thuật số Edward Murrow, Hoa Kỳ vào ngày 30/9, anh Jamil Anderlini nói rằng sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với thông tin truyền thông đang bóp chết không gian thông tin.
Anh nói: “Bạn tôi Anna Fifield, cựu giám đốc chi nhánh văn phòng tại Bắc Kinh của tờ ‘The Washington Post’, đã so sánh kinh nghiệm đưa tin ở Trung Quốc và Triều Tiên của bản thân, cô ấy tin rằng hai chế độ này ngày càng giống nhau hơn. Chế độ độc tài nào cũng đều kiểm soát và thao túng thông tin như nhau. Ở Bắc Triều Tiên, các nhà báo nước ngoài bị sách nhiễu và trục xuất. Ở Trung Quốc, chính quyền ĐCSTQ cũng đối xử với các nhà báo nước ngoài làm việc ở Tân Cương y như vậy”.
Theo Xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới năm 2020 của tổ chức phi lợi nhuận Phóng viên không biên giới, Trung Quốc đứng thứ 177 trong số 180 quốc gia và khu vực được thống kê, trong khi Triều Tiên xếp cuối cùng.
Phóng viên Châu Á Adrienne Carter của tờ “New York Times” cho rằng việc Trung Quốc kiểm soát thông tin không chỉ thể hiện ở việc thao túng các kênh truyền thông tin tức, mà còn gây áp lực đối với các nguồn tin.
Cô nói: “Chính quyền ĐCSTQ không chỉ kiểm soát các báo cáo có nội dung mà nó xem là nhạy cảm, chẳng hạn như Tân Cương, đồng thời ngày càng ít người dân Trung Quốc nguyện ý tiếp nhận phỏng vấn từ các kênh truyền thông nước ngoài, điều này khiến công việc của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn”.
Anh Jamil Anderlini cho rằng việc đàn áp, trục xuất các nhà báo và kiểm soát các kênh truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc không chỉ là tai nạn nghề nghiệp đối với các nhà báo, mà càng bất lợi hơn cho sự phát triển của chính Trung Quốc.
Anh nói: “Điều này làm cho các bản tin thiếu nhiều góc nhìn chuyên sâu hơn, bất kể là đối với độc giả Trung Quốc hay những người theo dõi Trung Quốc trên khắp thế giới. Việc thiếu lý giải một cách trung lập và khách quan đối với mọi người mà nói quả thật là điều tệ hại”.