Theo FCCC, phóng viên của AP bị chặn và báo cảnh sát khi ghi hình lũ lụt Trung Quốc ở địa điểm công cộng, phóng viên của AFP thì bị bắt xóa đoạn phim.
Nhiều phóng viên đến từ một số đơn vị truyền thông đang đưa tin về lũ lụt tại Trung Quốc trong thời gian gần đây đã bị dân địa phương quấy rầy, thậm chí nhân viên từ BBC và Los Angeles Time còn bị dọa giết, Câu lạc bộ Báo chí Nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) chia sẻ trên Twitter.
Trong thông cáo mới đăng tải, FCCC lên án tình trạng mà cơ quan này cho là thái độ thù địch ngày càng tăng nhằm vào truyền thông nước ngoài. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng có quan điểm tương tự.
Theo FCCC, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo chí quốc tế – gồm BBC, Los Angeles Times, Deutsche Welle, Al Jazeera, CNN, AFP và AP – đều bị đe dọa vì tin tức mà họ đăng tải. Một số thậm chí còn bị đám đông giận dữ “dùng chân tay” trong khi nhiều người khác, bao gồm nhân viên Trung Quốc của kênh truyền thông nước ngoài và phóng viên địa phương Trung Quốc bị tung thông tin cá nhân lên mạng, bị quấy rối và dọa đánh, dọa giết.
Như trong hình ảnh được đăng tải phía trên, FCCC cho biết: “… trong khi AP bị chặn và báo cảnh sát khi ghi hình ở địa điểm công cộng. Hãng thông tấn Pháp AFP bị những cư dân không mấy thân thiện bắt xóa đoạn phim và bị vài chục người đàn ông bao quanh khi đưa tin về một đường ngầm bị ngập”.
“FCCC đặc biệt quan ngại về những hành động đe dọa nhằm vào các đồng nghiệp người Trung Quốc của chúng tôi. Trên mạng, những người chỉ trích cáo buộc sai trái rằng họ do thám và phản bội, đồng thời gửi họ nhiều tin nhắn đe dọa – đơn giản chỉ vì họ có những đóng góp giá trị cho các cơ quan truyền thông nước ngoài”.
Thiên tai ở Hà Nam được truyền thông nước ngoài đưa tin rộng rãi sau khi trận mưa kỷ lục hồi tuần trước khiến nước tràn ở nhiều hồ chứa và hệ thống điều tiết lũ ở địa phương này, đầu tiên là ở thủ phủ Trịnh Châu và rồi tới các khu vực phía Bắc.
Nhiều cơ quan truyền thông, bao gồm cả truyền thông nhà nước Trung Quốc lẫn nước ngoài đều đăng tải các thông tin chỉ trích chính quyền địa phương và đưa tin về nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích của một số người dân.
Tuy nhiên, theo Guardian, một số người phản đối đã cáo buộc các hãng tin tức tung tin đồn, bôi nhọ Trung Quốc.
Hãng tin BCC của Anh cho rằng chính quyền Bắc Kinh phải có hành động.
“Chính phủ Trung Quốc cần có hành động ngay lập tức để ngăn chặn những cuộc tấn công, hiện đang đe dọa phóng viên nước ngoài”, BBC đăng trong một thông cáo khác.
Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa phản hồi về vấn đề này.