Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Việt Nam

Phạm Đoan Trang bị khép tội vì trả lời BBC Tiếng Việt

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cáo buộc nữ nhà báo tự do có phát ngôn “tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước” khi trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt.

Dự kiến bà Phạm Đoan Trang, nhà báo tự do, sẽ ra tòa hôm 4/11/2021, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự CSVN 1999, sau hơn một năm bị bắt.

Bà Trang, cựu phóng viên báo VietnamNet, Pháp Luật TP.HCM… được biết đến là tác giả của các cuốn sách “Chính Trị Bình Dân”, “Cẩm Nang Nuôi Tù”, “Phản Kháng Phi Bạo Lực”…

Trả lời BBC cũng là tội

Một trong ba tài liệu được dùng làm bằng chứng để buộc tội bà Trang là cuốn sách “Toàn cảnh về thảm họa môi trường biển Việt Nam”, trình bày chi tiết về thảm họa môi trường do tập đoàn Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016.

Theo cáo trạng, tập sách do bà Trang soạn thảo “tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”.

Báo Tuổi Trẻ cho biết thêm, Viện Kiểm sát quy kết bà Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước cũng như “phỉ báng chính quyền nhân dân”.

Cụ thể, bà đã có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News Tiếng Việt và Đài Á Châu tự do (RFA). Trong các bài phỏng vấn này, bà Trang có phát ngôn “tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước”.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên tờ Thanh Niên, bình luận: “Với Phạm Đoan Trang, đến nay, sau khi kết thúc điều tra, luật sư và người nhà vẫn tiếp tục không được thăm gặp và tiếp xúc để làm việc. Ngày ra tòa cũng không thông báo cho thân nhân biết.

Đây là sự chà đạp nghiêm trọng lên chính pháp luật của nhà cầm quyền.

Việc không cho luật sư làm việc với thân chủ sau khi có kết luận điều tra chúng tỏ cơ quan pháp luật không đếm xỉa đến việc bào chữa của luật sư.

Ngay cả khi viện cớ tội danh liên quan đến an ninh quốc gia, cơ quan điều tra không cho luật sư và thân nhân thăm gặp người bị tạm giam trong thời gian điều tra cũng vi phạm nghiêm trọng nội dung các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết: Người chưa bị kết án vẫn còn đầy đủ mọi quyền công dân.”

“Viết về chính trị và nhân quyền không phải là tội”

Bà Trần Quỳnh-Vi nêu ý kiến trên trang The Vietnamese: “Đoan Trang quyết định nhận lãnh trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam dù biết rằng mình rồi sẽ phải vào tù.

Cô ấy đã truyền cảm hứng cho tôi, và chúng tôi có cùng một mục tiêu: đưa vấn đề Việt Nam ra thế giới và khuyến khích nhiều người Việt Nam quan tâm đến nhân quyền và dân chủ hơn. Viết về những chuyện này không phải là tội, bất kể ở quốc gia nào, vì chúng tôi chỉ muốn nâng cao nhận thức của công chúng. Chúng tôi đã làm gì sai trái đến mức Phạm Đoan Trang bạn tôi phải chịu một năm biệt giam trong nhà tù Việt Nam?

Chính quyền Việt Nam không thể biện minh cho vụ việc của Đoan Trang, cũng như tất cả những vụ án chính trị đã khiến cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến phải chịu đựng hàng thập niên trong tù. Tuy vậy, tôi hy vọng cộng đồng quốc tế và các chính quyền ngoại quốc có thể lên tiếng lớn hơn nữa, và cụ thể hơn nữa về sự bất công này.

Làm báo không phải là tội; viết về chính trị và nhân quyền không phải là tội. Việt Nam đang tiếp tục tăng cường đàn áp tự do báo chí và tự do ngôn luận, cộng đồng quốc tế không thể cho phép việc này. Hãy lên tiếng cho những người đang bị chính quyền Việt Nam cầm tù, như Phạm Đoan Trang. Đó là việc đúng nên làm.”

Related posts

Ngăn ngành điện chôn trụ trạm biến áp, một phụ nữ xuống hố đã đào ngồi

Tin Tức Đa Chiều

Sà lan ‘lang thang’ đâm chìm nhiều tàu cá

Tin Tức Đa Chiều

Bí thư Bình Dương có thể tự sát khi trên xe có thuốc trừ sâu

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment