Tại cuộc thi chạy tiếp sức mang tên “Công chúa Ekiden” diễn ra ở Fukuoka (Nhật Bản), hình ảnh một nữ vận động viên 19 tuổi tên Iida Rei bị chấn thương không thể chạy tiếp nhưng vẫn cố gắng bò về đích để đưa dải băng tiếp sức cho đồng đội đã thực sự gây ấn tượng cho nhiều người trực tiếp chứng kiến và cả những khán giả xem lại clip.
Rei chạy ở lượt thứ hai, khi cách đích chừng 200 mét thì cô trượt ngã và bị chấn thương ở đầu gối phải. Nhưng cô gái đầy nghị lực này không bỏ cuộc mà vẫn bò về để trao chiếc khăn cho đồng đội chạy tiếp. Trong lúc bò về, những giọt mồ hôi của cô chảy ra như tắm, đầu gối mặc dù rất đau nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Người đồng đội nhìn cô mà không cầm được nước mắt, tôi xem xong mà khóe mắt cũng cay cay. Cô về tới đích với hai đầu gối bị bầm tím và xước hết cả. Máu cũng đã chảy ở vết thương… Mồ hôi nhễ nhại nhưng cô lại không một lời oán thán! Tôi tự hỏi: Động lực nào đã giúp cô gái trẻ có được sự can trường như vậy?
Để hiểu câu chuyện này, chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về đất nước Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia nghèo tài nguyên, nằm trên “vành đai núi lửa Thái Bình Dương” nên thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của động đất và núi lửa. Các cơn động đất có sức tàn phá, thường dẫn đến sóng thần. Điều đó đã tạo cho con người sống tại nơi đây một tính cách ngoan cường.
Kể từ cuộc cải cách của Thiên Hoàng Minh Trị năm 1868 đến trước Thế Chiến thứ 2, Nhật Bản đã có 70 năm phát triển đất nước theo mô hình hiện đại và đã trở thành cường quốc số 1 châu Á trong thập niên 1930. Sau Thế Chiến thứ 2, kinh tế Nhật bản bị tàn phá nặng nề, nhưng với chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945 – 1954) và phát triển cao độ (1955 – 1973) khiến cả thế giới phải kinh ngạc, đến nỗi người ta gọi đó là “giai đoạn phát triển thần kỳ”.
Người Nhật được giáo dục theo luân lý của Nho giáo với những đức tính cần kiệm, kiên trì, trung thành, phục tùng… Thêm vào đó, nền tảng tín ngưỡng dựa trên Thần Đạo và Phật giáo đã cắm rễ sâu trong tinh thần của người dân Nhật Bản. Tinh thần võ sĩ đạo dựa trên những nền tảng đó được cả thế giới nể phục đồng thời cũng tạo nên sức mạnh to lớn giúp Nhật Bản vực dậy sau rất nhiều đau thương và mất mát trong quá khứ.
Cũng như sự kiên cường của cô gái trong câu chuyện kia vậy. Cô về đích với vết thương cực kỳ đau đớn nhưng chúng ta không thấy bất cứ một lời phàn nàn hay oán trách nào. Thực tế, sau khi Rei bị chấn thương, HLV đội Iwatani Sangyo đã thông báo với ban tổ chức rằng đội của ông sẽ bỏ cuộc. Nhưng trọng tài chỉ nhận được thông báo khi Rei còn cách đích 20 mét. Điều đó có nghĩa là không ai ép cô phải làm như vậy nhưng cô vẫn làm những điều trái tim cô mách bảo. Có lẽ cô (cũng như dân tộc Nhật Bản) có sự lựa chọn cho riêng mình, và cô cảm thấy thoải mái và thanh thản với sự lựa chọn đó!
Có một nước ở rất gần Nhật Bản cũng xuất phát từ nghèo đói cùng cực phải chạy ăn từng bữa, để rồi vươn lên thành “con rồng châu Á”
Những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định mang sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy. Bởi người Hàn biết rằng: người Nhật đã mất cả trăm năm để cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây sao cho phù hợp với đặc trưng của châu Á. Đúng 20 năm sau (1988), Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không thể ngờ “kỳ tích sông Hàn” lại mạnh mẽ và nhanh chóng đến như vậy.
20 năm đó, bạn có biết người Hàn đã vất vả như thế nào không?
Lúc đó, cả dân tộc nắm chặt tay để quyết tâm thoát nghèo. Trên tivi lúc đó chỉ có 2 chương trình là “dạy làm người” và “dạy làm ăn”. Các doanh nghiệp lùng sục mua các sản phẩm của Nhật hay Âu Mỹ về nghiên cứu sản xuất, thậm chí sản xuất còn bền và rẻ hơn. Các du học sinh học xong đồng lòng về nước. Nhiều thanh niên tốt nghiệp hạng ưu ở các trường lớn nhất thế giới vẫn từ bỏ các vị trí cao cấp ở các trung tâm tài chính như New York hay London để trở về Hàn Quốc, sau đó… đi lính 2 năm rồi đi làm!
Những công trường tấp nập người từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, những cao ốc văn phòng đèn sáng suốt đêm. Dù dưới cái nắng gắt ba mươi bốn mươi độ của mùa hè, hay cái lạnh giá âm cả chục độ C trong mùa đông, học sinh Hàn vẫn phải lăn lê bò trườn, khuân cây khuân đá để rèn luyện thể lực. Buổi sáng, cả nước đồng loạt ngủ dậy thật sớm, tập thể dục theo tiếng đài phát thanh, nắm tay, mím môi thật chặt với lời thề: sẽ đưa đất nước hóa rồng. Thư viện hay phòng thí nghiệm đèn sáng 24/7. [1]
Năm 1988, quốc gia này đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất thế giới. Khi chứng kiến “Kỳ tích sông Hàn”, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Có lẽ, cả dân tộc đó đã chờ đợi quá lâu để được mở mày mở mặt trên trường quốc tế. Rốt cuộc, sự hy sinh của cả một thế hệ thời đó đã được đền đáp xứng đáng!
Một nhân chứng làm nên “kỳ tích sông Hàn” mà rất nhiều người biết đến là HLV Park Hang Seo – hiện làm HLV trưởng của đội tuyển U23 Việt Nam. Ông chỉ cao 1m64, nhưng “gần như không ai đuổi kịp bước đi của ông”. Ông luôn yêu cầu “nhanh nhanh”, di chuyển và thực hiện mọi việc phải rất nhanh. Chậm chạp trong di chuyển một chút sẽ khiến ông nổi nóng. Trong khi họp, ông yêu cầu phải truyền đạt nội dung khổng lồ trong vòng 5-10 phút khiến người phiên dịch luôn “bở hơi tai”. Bạn cũng có thể thấy người Hàn làm việc rất nhiều không thua gì người Nhật, và họ có được niềm vui trong công việc. Tại sao họ làm việc nhiều và mệt “bở hơi tai” như thế mà vẫn có được niềm vui? Có lẽ vì đó là điều họ đã chọn, và họ trung thành với sự lựa chọn đó.
Hạnh phúc phải chăng là sự lựa chọn?
Trong khi cả thế giới lựa chọn chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) làm thước đo thịnh vượng và phát triển, thì riêng tại đất nước này, chỉ số đó bị loại bỏ, và thay vào đó là GNH (tổng hạnh phúc quốc dân). Tại đất nước hạnh phúc nhất thế giới này, người dân đều thỏa mãn với cuộc sống của mình và hầu hết du khách đã đến một lần đều muốn quay trở lại. Đó là đất nước Bhutan nằm lọt thỏm giữa trập trùng rừng núi của dãy Himalaya.
Bhutan là quốc gia cuối cùng có sóng truyền hình. Cả nước chỉ có duy nhất một sân bay với một đường băng, nơi máy bay chỉ có thể lên xuống vào ban ngày. Kiến trúc ở đây gây ấn tượng mạnh và hoàn toàn khác biệt với tất cả những quốc gia còn lại trên thế giới. Tất cả nhà cửa đều mang dáng vẻ cổ xưa. Ở đây hầu như không có cảnh tắc đường. Xe cộ ít nên không khí rất trong lành. Giá trị văn hóa Bhutan không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài mà còn ghi dấu đậm nét trong tính cách họ, chân thật và hướng thiện theo đúng tinh thần Phật giáo (Phật giáo là quốc giáo và hơn 70% người dân là Phật tử).
Trong một cuộc khảo sát năm 2005, 45% người dân Bhutan cho rằng họ rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc và chỉ có 3% chưa hài lòng về cuộc sống của mình.
Trong khi cả thế giới lo lắng trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, biến đổi khí hậu… thì quốc gia nhỏ bé này lại ngày càng nổi lên như một quốc gia có định hướng phát triển bền vững, lâu dài. Thiên nhiên được bảo tồn tuyệt đối, kinh tế, giáo dục, sức khỏe phát triển bền vững.
Không nhất thiết là khi cuộc sống đầy đủ và hiện đại thì ta mới thấy hạnh phúc. Nếu so về điều kiện vật chất thì quốc gia này không hơn các nước trong khu vực, nhưng họ không cho đó là thiếu thốn hay bất hạnh. Với họ, như thế là đủ đầy và hạnh phúc rồi. Tại sao? Bởi vì đó là sự lựa chọn của họ, và họ thấy được niềm vui trong lựa chọn đó của mình.
Vậy sự lựa chọn của bạn là gì? Thay cho lời kết, xin trân trọng gửi đến quý độc giả một câu chuyện như sau:
Có một lần Alexander Đại đế đã đi thăm Diogenes [2] và thấy ông đang nằm thư giãn dưới ánh mặt trời. Khi được hỏi liệu ông có muốn gì từ nhà vua không, triết gia nói: “Vâng, vậy Ngài có thể đứng sang một bên và vui lòng đừng chặn ánh nắng”. Với ông như vậy là đủ.
Trên đường trở về, những tùy tùng của Alexander cười nhạo ông già gàn dở, nhưng Alexander bảo họ: “Các ngươi cứ cười nếu muốn, nhưng nếu ta không phải là Alexander thì ta muốn… được làm Diogenes”.
Gió Đông
Chú thích:
[1] Theo Tony buổi sáng
[2] Diogenes là một nhà triết học Hy Lạp và là một trong những người sáng lập nên trường phái triết học Hoài nghi. Ông được cho là đã tìm thấy hạnh phúc trong một cuộc sống giản dị phù hợp với thiên nhiên với triết lý tận hưởng những gì mình có và không quan tâm đến những gì mình không có.
https://www.dkn.tv/