Việc dùng đá để bói họa phúc có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa truyền thống. Theo truyền thuyết, Thần Nữ Oa dùng đá ngũ sắc vá trời. Tương truyền rằng, những tảng đá ngũ sắc mà Nữ Oa vá trời còn thừa để lại đã huyễn hóa thành “Thông linh bảo ngọc”, mặt chính của nó có khắc “Chớ mất chớ quên, Tiên thọ mãi thịnh”, mặt trái có khắc “Thứ nhất trừ tà, thứ nhì trị bệnh, thứ ba biết họa phúc”.
Trên thế gian còn có những tảng đá khác có thể tiết lộ Thiên mệnh, dự báo lịch sử nhân loại. Có tảng là bất ngờ rơi xuống trái đất, có tảng là ngẫu nhiên phát hiện ra. Cổ kim Đông Tây, sử sách ghi chép thực sự có những tảng đá như thế, bằng phương thức “phi nhân tạo” để diễn dịch đại thế của xã hội nhân loại, góp phần giúp thế nhân nhận thức rõ sự thật, không bị mê mờ vào những tuyên truyền của kẻ đương quyền. Có lẽ đây cũng là cách mà Thần triển hiện ra Thiên Ý, truyền đạt ý chỉ của Thiên Thượng.
Tượng Nhân Sư thay đổi sự thống trị của Vương triều Ai Cập
Tượng Nhân Sư trên cao nguyên Giza, Cairo là một trong những tượng điêu khắc thần bí và nổi tiếng nhất thế giới, nguồn gốc và thân thế của nó cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Có học giả phân tích rằng, nó có thể có niên đại cách ngày nay khoảng 10.000 đến 800.000 năm. Tượng Nhân Sư đã bị gió cát sa mạc vùi lấp một phần, chỉ lộ ra khuôn mặt người. Công tác khai quật tượng nhân sư lần đầu tiên được ghi chép là năm 1400 TCN, cả quá trình được khắc lên bia ghi giấc mộng phía trước mặt tượng Nhân Sư.
Bia ghi giấc mộng có ghi chép rằng, Pharaoh Thutmose IV của Vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại có một giấc mộng thần kỳ. Thutmose IV là con trai của Pharaoh Amenhotep II, vốn không có quyền thừa kế ngôi vua. Một lần ông ra ngoài đi săn, mệt rồi ngủ ở nơi có tượng nhân sư bị cát vùi lấp. Ông mộng thấy mặt trời mọc đến đỉnh đầu, một vị Thần xuất hiện nói với ông rằng, nếu ông có thể đào Nhân Sư bị vùi lấp và tu sửa lại thì ông sẽ được trở thành Pharaoh kế tiếp.
Thutmose IV lập tức từ trong giấc mộng tỉnh lại, ông tổ chức một đội ngũ bắt đầu công tác đào bới gian khổ. Sau khi ông hoàn thành việc tu sửa tượng Nhân Sư, vị Thần đã thực hiện lời hứa, Thutmose IV quả thực đã trở thành Pharaoh.
Một tượng đá bị gió cát xâm thực đã “bất ngờ” thay đổi quyền thống trị của Vương triều Ai Cập thứ 18.
Thạch tàng tự hé lộ chân cơ
Theo “Sử ký” ghi chép, năm Tần Thủy Hoàng thứ 36, Huỳnh hoặc thủ Tâm (sao Hỏa đi vào vị trí chòm sao Tâm), một tảng thiên thạch rơi xuống Đông Quận, trên đó có khắc dòng chữ lớn: “Thủy Hoàng Đế tử nhi địa phân” (Thủy Hoàng Đế chết, lãnh thổ bị phân chia). Tần Thủy Hoàng biết chuyện liền đem tảng thiên thạch này thiêu hủy đi.
Không lâu sau, Thủy Hoàng đi tuần thiên hạ, có người tay cầm ngọc bích, ngăn sứ giả của Hoàng đế lại và nói: “Hãy đem nó đưa cho Hao Trì Quân (Thủy Thần)”. Người đó nói xong lập tức biến mất. Ngự phủ kiểm tra xem xét ngọc bích, thì chính là miếng ngọc của Tần Thủy Hoàng đánh rơi xuống sông khi ông đi qua sông trong chuyến tuần du vào năm Thủy Hoàng thứ 28. Sau khi chiêm bói, Thủy Hoàng cho rằng, tuần du có thể tránh được tai họa. Đúng tháng bảy năm sau, trong khi đang tuần du, Thủy Hoàng băng hà.
Văn hóa truyền thống Thiên – Nhân cảm ứng cho rằng, sự biến hóa của thiên tượng đối ứng với những đại sự ở nhân gian, thiên thạch rơi thường được Sử quan Tư Thiên giám giải thích là điềm chẳng lành. Trước khi Chu Du chết, trời giáng mưa sao băng. Đêm trước khi Khổng Minh chết, sao Tướng rơi, Gia Cát Lượng than rằng: “Sống chết có mệnh, không thể làm lễ cầu phúc được”.
Ngày 8/3/1976, ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có trận mưa thiên thạch hiếm có trên thế giới, trong năm đó, 3 người đứng đầu ĐCSTQ lần lượt qua đời. Đến ngày 28/7 cùng năm, trận động đất lớn xảy ra ở Đường Sơn, khiến 240.000 người thiệt mạng.
Ngày 15/4/1986, ở Tùy Châu, Hồ Bắc có thiên thạch rơi, 9 ngày sau xảy ra sự cố rò rỉ hạt nhân Chernobyl của Liên Xô, khiến 200.000 người tử vong. Cũng trong năm này tàu vũ trụ của Mỹ là Challenger phát nổ trên không trung khiến 7 người chết.
Ngày 21/12/2020, xuất hiện thiên tượng hung hiểm 800 năm mới gặp là sao Thổ và sao Mộc gặp nhau, 3 ngày sau, thiên thạch nặng 10 tấn rơi ở Ngọc Thụ, Thanh Hải, Trung Quốc, virus Vũ Hán biến chủng, tốc độ lây nhiễm tăng 70%.
“Đá lợn kêu” cảnh báo tai họa
“Đá lợn kêu” còn gọi là “Đá cảnh báo”, nằm ở khu vực sâu trong núi Thái Hàng, Lâm Châu, Hà Nam, Trung Quốc. Tảng đá này cao 3m, rộng 3m và dày 2m, phần lộ ra trên mặt đất khoảng 4m3, màu đỏ tím. Có thể nhìn thấy rõ giống như hai con mắt lợn ở mặt trước tảng đá, một mắt nhắm, một mắt mở. Kết hợp với hoa văn của đá, trông giống như một con lợn rất lớn.
Điều thần kỳ của tảng đá này không phải là ở chỗ trông giống lợn, mà là trước mỗi lần thế gian xảy ra đại sự thì nó sẽ phát ra âm thanh giống như tiếng lợn kêu, mấy trăm năm nay, lần nào cũng ứng nghiệm, cái tên “Đá lợn kêu” là từ đó mà ra.