Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo Zing, với lần sửa đổi này, bộ luật không chỉ có quy định liên quan đến 20 triệu người có quan hệ lao động, mà còn mở rộng một số quy định áp dụng với người không có quan hệ lao động. Đặc biệt, một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ lực lượng lao động xã hội (khoảng 55 triệu người).
Một số chính sách mới cụ thể là:
Quốc khánh được nghỉ 2 ngày
Điều 112 Bộ luật Lao động sửa đổi quy định bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 1/9 hoặc 3/9 Dương lịch, tùy theo từng năm và theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, gồm: Tết Dương lịch nghỉ 1 ngày; Tết Âm lịch nghỉ 5 ngày; Thống nhất đất nước 30/4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế lao động 1/5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) nghỉ 1 ngày.
Trong những ngày này, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Nếu làm việc vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 300% lương.
Ngoài ra, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.
Thêm 2 trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương
Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp như: Kết hôn (nghỉ 3 ngày); con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi; cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày).