Việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch được nhiều chuyên gia ủng hộ, song việc này cần phải được nghiên cứu kỹ vì có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp và muốn làm được tốt phải giải quyết được phần gốc là thu gom và xử lý nước thải ra sông Tô Lịch.
Báo VnExpess đưa tin, sau nhiều lần bàn thảo về vấn đề lấy nước sông Hồng ‘cứu’ sông Tô Lịch, đã có 2 phương án được đề xuất lên lãnh đạo thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Một kiến nghị lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để đổ vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch để pha loãng và làm sạch nước sông.
Hai là bổ cập nước qua cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), nghĩa là không cần phải bơm qua hồ Tây.
Ủng hộ các ý tưởng trên, nhưng GS.TS Nguyễn Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng triển khai không đơn giản.
Theo GS Hồng, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông Hồng.
Sau khi có quy hoạch, mới tính đến chọn phương án nào khả thi, bổ cập qua hồ Tây hay qua cống Liên Mạc – phương án nào giá thành hợp lý thì triển khai.
Ông Hồng cảnh báo nếu không tính toán kỹ, việc lấy nước từ sông Hồng có thể làm thay đổi dòng chảy, tác động đến hai bờ sông và dồn lượng bùn, cát xuống cống Xuân Quan (Hưng Yên) – cống của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.
Ngoài ra, những năm qua mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp, lượng nước về đến cống Xuân Quang (Hưng Yên) vẫn thiếu, nếu còn lấy nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì cống Xuân Quan sẽ cạn kiệt nước.
“Nếu ưu tiên nông nghiệp, việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch không được chọn, còn ưu tiên cải thiện môi trường Tô Lịch thì phải hy sinh nông nghiệp”, GS Hồng nói.
Cũng ủng hộ ý tưởng bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch, TS Đào Trọng Tứ (Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nói “Lượng nước trong các dòng sông ở nội đô hiện nay chủ yếu từ hệ thống cống thải, đo đó nước rất ít và gần như không có dòng chảy”, ông Tứ nói.
Ông cũng cho biết, Hà Nội đang xây dựng hệ thống cống dọc sông Tô Lịch để gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, sau đó một phần nước thải đã qua xử lý sẽ được bổ cập lại cho dòng sông này. Tuy nhiên, ông Tứ cho rằng lượng nước đó chưa đủ nên vẫn cần dẫn nước từ sông Hồng bổ cập cho sông Tô Lịch.
PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nêu quan điểm rằng, đề xuất bổ cập nước là tốt, nhưng phải kết hợp nhiều giải pháp mới xử lý được môi trường sông Tô Lịch, trong đó quan trọng nhất là thu gom, xử lý nước thải, không để đổ vào dòng sông.
Trước đó 22/9/2020, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty môi trường Nhật Việt (JVE) cho biết, đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử – văn hóa – tâm linh” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản là vì tình cảm, không vì lợi ích kinh tế.
“Từ phía cá nhân tôi, với cùng mục tiêu chung là quyết tâm thực hiện dự án để giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến”- ông Tuấn Anh bộc bạch.
Thời gian thực hiện nếu được phê duyệt sẽ triển khai trong khoảng 5 năm, từ 2021 – 2026. Dự án sẽ xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay, sau đó kè đáy khu vực sát 2 bờ sông tạo thành hành lang đi dạo bộ; không kè đáy sông mà để tự nhiên, giữ nguyên chiều rộng lòng sông.
Dự kiến sẽ xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập cho lưu vực sông Tô Lịch (khoảng 77km2) tương tự hệ thống tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
https://www.dkn.tv/