Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Nguy cơ xung đột Biển Đông: Tàu nước ngoài bị Bắc Kinh ép báo cáo danh tính ở vùng biển có yêu sách chủ quyền

Bắt đầu từ ngày 1/9, Trung Quốc sẽ yêu cầu các tàu nước ngoài báo cáo thông tin chi tiết khi tiến vào lãnh hải mà chế độ này tuyên bố thuộc chủ quyền. Các chuyên gia cảnh báo khả năng sẽ gia tăng các vụ đụng độ trên Biển Đông, trang Epoch Times cho hay.

Động thái này diễn ra sau khi Bắc Kinh thông qua Luật Cảnh sát biển vào cuối tháng Giêng, cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển áp dụng “mọi phương tiện cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí” để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền hầu hết ở Biển Đông, đồng thời tự ý vẽ ra cái gọi là đường 9 đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) để làm ranh giới, Việt Nam và các nước trong khu vực đã không công nhận những tuyên bố này.

Theo một thông báo đưa ra hôm 27/8, các nhà chức trách hàng hải của Trung Quốc nói rằng các tàu nước ngoài phải báo cáo thông tin chi tiết về tàu, thời gian đến và đi dự kiến, vị trí hiện tại và các thông tin khác trước khi đi qua vùng biển này.

Theo đó các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải cung cấp các thông tin khi đi qua “vùng lãnh hải’ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Thông báo cũng cho biết các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc cũng phải tuân thủ quy định này.

Vấn đề ở đây là khái niệm “lãnh hải” của Bắc Kinh. Theo điều 2 Luật Biển và vùng tiếp giáp của Trung Quốc ngày 25/02/1992, “vùng lãnh hải” là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, mà lãnh thổ đó được cho là bao gồm cả Đài Loan và các nhóm đảo khác như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa). Có nghĩa là nằm trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông.

Một điểm nhập nhằng khác là chiến hạm các nước nhất là của Mỹ có thể bị diễn giải là “tàu gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc”.

Tòa Trọng tài Thường trực La Hay đã bác bỏ yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Bắc Kinh vào năm 2016, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện các hoạt động xây dựng đảo và tuần tra quân sự. Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo trên khắp khu vực và thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo.

Hiện chưa biết Trung Quốc tìm cách áp đặt quy định mới như thế nào, và cộng đồng quốc tế phản ứng ra sao. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo động thái này có thể gia tăng xung đột.

Su Tzu-yun, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Loan, nói với tờ Epoch Times rằng quy định mới có thể làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là ở Biển Đông.

Ông nói: “Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng Luật An toàn Giao thông Hàng hải đối với các đảo nhân tạo sau ngày 1/9. Vì vậy, khi [tàu của] các quốc gia khác đi trong vòng 12 dặm quanh các rạn san hô nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền… một cuộc đụng độ có thể nổ ra”.

Song Chengen, một học giả nghiên cứu về luật quốc tế và là giám đốc của Diễn đàn Dân chủ ở Đài Loan, trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do cho biết Biển Đông có lượng hàng hóa rất lớn và là đầu mối vận chuyển quốc tế quan trọng, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động can thiệp vào tự do hàng hải của tàu nước ngoài, Trung Quốc đã chiếm nhiều “đảo” ở Biển Đông. Bây giờ một luật mới yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo qua lãnh hải của họ.

Ông Song nói: “Những yếu tố toàn diện này cộng lại khiến tất cả các nước trên thế giới rất bất an, đặc biệt là các nước ở Biển Đông và các nước có lợi ích quan trọng ở Biển Đông, trong đó có Pháp và Mỹ, những nước chủ trương tự do hàng hải. Do đó, luật mới này của Trung Quốc có thể làm gia tăng xung đột ở Biển Đông”.

Related posts

Biên giới Ấn Độ Trung Quốc lại trở nên căng thẳng

Tịnh thất Bồng Lai: ‘Chúng tôi sẽ không xét nghiệm ADN, bởi đó là chuyện riêng tư’

Tin Tức Đa Chiều

Cận cảnh quân đội Mỹ đập phá vũ khí ở Afghanistan trước khi rút quân

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment