Ngày 23/2, người nhà tôi gọi điện cảnh báo: “Chiến tranh sắp xảy ra đấy!” và đề nghị tôi sơ tán về phía thành phố Lviv, phía tây Ukraine, tôi vẫn còn không tin.
Nhưng chỉ một ngày sau đó, ngày 24/2, khi phía Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt, khoảng 1 giờ sáng, 3 giờ sáng và 5 giờ sáng, tôi chứng kiến cảnh bom dội, rocket nã từ phía xa vào. Tiếng nổ từ xa vọng đến nghe sát bên tai, thậm chí tôi còn cảm nhận được sàn nhà như chao đảo.
Trẻ con nhà tôi – một đứa mới 3 tuổi, đứa lớn 8 tuổi – rất hoảng sợ, mỗi lần rocket nã đạn là co rúm lại, chạy đi tìm mẹ.
Sang ngày thứ hai, chúng tôi xuống hầm, mong tìm kiếm được sự an toàn. Nhưng dưới hầm quá đông người già và trẻ em. Trời ban đêm lại quá lạnh nên tôi quyết định đưa các con quay lại trên nhà. Tôi dùng băng dính và khăn cuốn kín lại gương, kính để đảm bảo an toàn, chuẩn bị tinh thần nếu có gì xảy ra thì sẽ chạy ngay vào nhà tắm.
Đó thật sự là một cảm giác mà không bao giờ muốn trải qua lần thứ 2. Đêm nằm ngủ, tôi ân hận vì đã không nghe lời khuyên của người quen.
Có lẽ phải chạy khỏi thành phố, tôi tự nhủ, nhưng tôi không có xe ô tô. Cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của một gia đình người Việt cho đi nhờ xe, 3 mẹ con tôi được đón để ra ga tàu.
Cả nhóm chúng tôi có 7 người, có 3 mẹ con tôi cùng gia đình em trai, “nhồi” trong chiếc xe 5 chỗ. Đường tắc, các cây cầu thì bị chặn, xe chúng tôi lòng vòng trong thành phố Kiev mãi mới có lối ra. Bình thường từ nhà tôi ra bến tàu chỉ có 20 phút mà hôm đó mất 5 tiếng đồng hồ mới đến được nơi.
Đến nơi, trẻ con nôn thốc nôn tháo. Con tôi khóc và đòi về nhà. Vừa đến được bến tàu thì tiếng còi báo động réo, cả nhà lại lếch thếch kéo vali chui xuống ga, không dám đi ra khỏi đường. Xung quanh khung cảnh hỗn loạn, người lớn thì lo lắng, trẻ con thì khóc vì hoảng sợ.
Chúng tôi bị trễ chuyến tàu đầu tiên. Tôi cố gắng xếp hàng, bế cậu con trai 3 tuổi cao lên. Một cậu cảnh sát thấy vậy thì vẫy tôi lại và mời 3 mẹ con tôi lên tàu. Nhưng còn gia đình cậu em trai tôi thì không còn chỗ. Tôi nài nỉ nhưng người cảnh sát lắc đầu, ra dấu không thể. Tôi quay lại ga tàu và òa khóc vì bất lực.
“Đây mới chỉ là chặng đầu tiên, liệu tôi có trải qua được chặng đường sắp tới? Hay là quay trở lại?”, các suy nghĩ cứ hỗn loạn trong đầu.
Mọi người động viên tôi, nói rằng cứ 2 tiếng sẽ có 1 chuyến đi Lviv 1 lần, khuyên tôi nên kiên nhẫn xếp hàng, không bỏ cuộc. Tĩnh tâm lại, tôi và em trai biết tiếng Ukraine nhận nhiệm vụ đi hỏi han tình hình và xếp hàng, những người còn lại ở lại chăm trẻ nhỏ. Thêm 3 chuyến nữa chúng tôi vẫn không thể lên được tàu. Đến chuyến thứ 5, tôi đứng ngay ở cửa soát vé. Khi toa số 3 mở cửa, tôi gọi điện ngay cho những người còn lại, may mắn cả nhóm đã kịp lên tàu.
Nhưng cảnh tượng trên toa tàu cũng vô cùng xót xa, các hành khách nhường chỗ cho gia đình tôi vì có trẻ con, còn họ gối đầu lên ba lô ngủ.
Chúng tôi rời Kiev vào 7 giờ tối và đến Lviv vào 6 giờ sáng hôm sau, có lẽ là một đêm dài nhất trong cuộc đời.
Lo âu về tương lai sắp tới
Đến Lviv, không còn nghe tiếng bom đạn nữa, tôi thấy như mình sống lại. Ở Lviv có phòng tắm, thay đồ miễn phí, tôi cùng các con tắm rửa, thay đồ cho lại sức, đến 12 giờ trưa thì quay lại ga.
Theo lịch tàu chạy, 6 giờ tối sẽ có chuyến tàu đi thẳng đến Warsaw Ba Lan, chạy hết 25 tiếng. Phương án thứ 2 là bắt taxi đến cửa khẩu và xếp hàng. Tôi quyết định chọn cách bắt taxi vì cả 3 mẹ con đều thấm mệt sau chuyến đi dài. Tôi cũng phải bế đứa nhỏ suốt quãng đường nên người rã rời.
May mắn là từ Lviv đến biên giới Ba Lan đi khá suôn sẻ, khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ là đến nơi.
Chúng tôi đi bộ khoảng 1km thì đến cửa khẩu. Ở đây chúng tôi cũng được phát thức ăn và nước miễn phí. Thấy tôi bế trẻ con, họ chỉ đường cho tôi đi về phía góc trái, nơi dành cho phụ nữ và trẻ em.
Cách bên đường một chút là dành cho thanh niên nước ngoài và người già. Mặc dù là buổi chiều nhưng trời khá lạnh. Một chiếc thùng phi được dùng để đốt củi sưởi ấm.
Cứ 3 tốp phía bên phụ nữ xếp hàng được qua thì đến lượt 1 tốp thanh niên đi qua. Xếp hàng khoảng 1 tiếng thì 3 mẹ con tôi đặt được chân qua biên giới Ukraine – Ba Lan. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Lên chuyến xe bus đến trung tâm tị nạn cách đó khoảng 5km, tôi nhờ tình nguyện viên liên lạc với nhóm hỗ trợ người Việt ở Ba Lan, nhờ hỗ trợ tìm một chỗ ngủ tạm qua đêm vì cả 3 mẹ con đã đi một chặng đường dài rất mệt.
Trong lúc chờ đợi, nước mắt tôi lại chảy ra, không tưởng tượng được giữa thế kỷ 21 chúng tôi lại phải bỏ lại toàn bộ nhà cửa, tài sản ở Kiev sau 20 năm tích góp mà chạy loạn chiến tranh.
May mắn lúc đó thông qua liên lạc của nhóm hỗ trợ người Việt ở Ba Lan, anh Xuân, một người Việt ở Ba Lan đã đồng ý chở mẹ con tôi về nhà cho nghỉ nhờ.
Anh lái xe đến tận nơi đón gia đình tôi. Về đến nhà, vợ anh đã nấu sẵn một bữa cơm nóng sốt. Tôi thấy ấm lòng nhưng không thể ăn được vì quá mệt. Đứa nhỏ nhà tôi cũng khóc suốt: “Cầu Vồng muốn về nhà”. (Cầu Vồng là tên ở nhà của đứa con nhỏ).
Tôi an ủi con nhưng chính mình cũng không biết chúng tôi sẽ về đâu.
Sáng hôm sau, anh Xuân chở 3 mẹ con tôi ra ga tàu đi Warsaw. Lên tàu gặp rất nhiều người Ukraine, toàn phụ nữ và trẻ nhỏ, ai cũng thẫn thờ.
Đến Warsaw, tôi liên hệ với người quen và xin tá túc. Buổi sáng hôm sau ngủ dậy, tôi đưa 2 con vào một cửa hàng tạp hóa, mua cho chúng thứ đồ chơi yêu thích. Đó là chiếc ô tô cho con trai nhỏ và một chiếc nơ cho con gái lớn, để các con thấy chặng đường vừa qua chỉ như một hành trình du lịch mà giờ đã đến đích. Tôi cũng cẩn thận lựa món đồ ít tiền nhất.
Đến giờ, chúng tôi đã tạm thời an toàn nhưng trong lòng vẫn là nỗi sợ hãi, lo âu về tương lai sắp tới.