Trưa 19/3, hàng chục người thân, hàng xóm tập trung tại cảng Tam Giang (Quảng Nam) để đón 47 thuyền viên tàu câu mực gặp nạn trên biển sống sót trở về. Tàu vừa cập bến, những tiếng gào thét, tiếng khóc hòa với những giọt nước mắt vỡ òa vì vui mừng.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng 19/3, tại cảng Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, hàng chục người là vợ, con thân nhân của các thuyền viên tàu câu mực số hiệu QNa 90839 TS đã tập trung kín cầu cảng chờ đợi người thân.
Bà Nguyễn Thị Lan (74 tuổi, thôn Đông Bình, xã Tam Giang, mẹ chủ con tàu gặp nạn) đã có mặt từ cảng rất sớm chờ con rể của mình.
“Sau khi nghe tin tàu con rể bị chìm trên biển, gia đình ngày nào cũng trông ngóng. Được tin con được tàu khác cứu giúp và đưa vào bờ, phần nào cũng cảm thấy yên lòng dù cả con tàu đã bị chìm” – bà Lan tâm sự.
Nghe tin chồng gặp nạn trên biển, chị Phan Yến Lâm (44 tuổi, vợ chủ tàu bị chìm) liên tục khóc, thậm chí có lúc ngất, nhiều đêm còn thức trắng cầu nguyện cho chồng được bình an quay về.
Không chỉ người thân của các thuyền viên, hàng chục người dân ở xã Tam Giang cũng đến cảng để động viên, chia sẻ những mất mát cùng với gia đình chủ con tàu bị chìm trên biển và các ngư dân khác. Tàu vừa cập bến, những tiếng gào thét, tiếng khóc hòa với những giọt nước mắt vỡ òa vì vui mừng.
Đứng trên bờ, chị Phan Thị Yến Lâm – vợ ông Nguyễn Văn Bé, ngất xỉu vì xúc động lúc nhìn thấy chồng. Những ngày qua chị đứng ngồi không yên khi nghe tin dữ.
Anh Nguyễn Văn Bé (44 tuổi, thôn Đông An, xã Tam Giang, chủ con tàu bị chìm) chưa hết bàng hoàng kể lại sự việc mình và 46 thuyền viên gặp nạn trên biển.
Khoảng 8h ngày 15/3, tàu của anh đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì nghe một tiếng nổ lớn, sau khi kiểm tra thì phát hiện nước đã tràn vào tàu.
“Thấy nước tràn vào quá nhiều, mình đã hô hoán anh em dốc hết sức tát nước. Như do nước vào quá nhiều, máy móc đều bị chìm trong nước nên đành dừng lại” – anh Bé kể.
Sau 30 phút, tàu nghiêng về một phía. Các thuyền viên thả xuống biển bốn thuyền thúng và bốn bộ đàm cầm tay, rồi ngồi lên thuyền thúng thả trôi giữa biển.
Lúc 9h20 ngày 15/3, ngồi trên thuyền thúng, 47 ngư dân chứng kiến con tàu chứa gần 10 tấn mực khô chìm dần. “Tổng tài sản thiệt hại gồm con tàu trị giá hơn 6 tỷ đồng và khoảng 1,3 tỷ tiền hải sản đánh bắt được”, ông Bé chia sẻ và cho hay để đóng con tàu này, ông vay ngân hàng và vẫn còn nợ 1,2 tỷ đồng.
“Mạng sống giữ được nhưng toàn bộ tài sản nằm dưới đại dương rồi”, ông nói với VnExpress.
Lên đến bờ, thuyền viên Đỗ Thanh Tài, 41 tuổi, xã Tam Quang, huyện Núi Thành (một trong số 47 ngư dân) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông kể, sau khi tàu chìm, các ngư dân ngồi bên trong thuyền thúng, tay bám chặt cạnh thuyền và bị sóng biển xô dạt liên hồi.
“Hơn 6 giờ lênh đênh trên biển, có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết vì thuyền thúng quá chật chội, nhỏ bé, sóng biển đập qua lại khiến người ngồi trong chao đảo”, ông Tài nói với hai hàng nước mắt.
Đến 14h30 cùng ngày, nhờ bộ đàm mang theo, họ phát tín hiệu và được tàu câu mực của ông Phạm Văn Lâm, 55 tuổi, cùng trú ở huyện Núi Thành, chạy đến cứu vớt. Các ngư dân sau đó được ông Lâm gửi một tàu cá khác đưa vào bờ.
“Trong 47 thuyền viên chỉ có ông Đỗ Tấn Lộ bị nứt xương ống chân, được đưa đến bệnh viện cấp cứu, số còn lại sức khỏe bình thường”, ông Tài cho hay.
Sống sót trở về nhưng chủ tàu phá sản, nhiều ngư dân khác mất vốn và đứng trước nguy cơ thất nghiệp. “Chúng tôi mong muốn chính quyền hỗ trợ, cho vay vốn để đóng tàu mới, tiếp tục vươn khơi trên vùng biển Hoàng Sa”, ngư dân Nguyễn Văn Bé nói.