Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

Người mẹ 12 năm bế con khuyết tật đến trường, ung thư không dám mổ vì sợ không ai chăm con

Trên dãy hành lang vắng vẻ của trường FPT Aptech, sinh viên hay thầy cô đều đã ổn định vị trí lớp của mình. Thế nhưng, có bóng hình của một người mẹ trẻ đang ngồi trên ghế chờ, đợi con tan học. Người mẹ ấy chính là chị Trần Thị Nguyệt, 40 tuổi, có con trai bị khuyết tật không thể đi lại, do đó suốt 12 năm nay, chị vẫn đều đặn bế con đến trường. 

Theo trang VN Express đưa tin, 21 năm về trước, khi chị Nguyệt mang thai, và sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Trần Lê Hạc, đứa trẻ khi ấy bụ bẫm, đáng yêu và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, sau một trận sốt bại liệt năm Hạc 6 tháng tuổi, đã khiến em mãi mãi mất đi khả năng đi lại, chỉ còn đôi tay là có thể cử động được.

Vợ chồng chị Nguyệt đau đớn đưa con đi chữa trị nhiều nơi nhưng cũng không có kết quả. Vậy là từ đó, chị Nguyệt quyết định sẽ là đôi chân cho con, thay con làm mọi thứ mà con không thể. Như bế con đến trường, sinh hoạt cá nhân, ăn uống… mọi thứ đều một tay chị thay con làm hết.

Nhưng điều may mắn là dù Hạc bị khiếm khuyết về hình thể, nhưng đầu óc em vẫn bình thường, thậm chí có phần thông minh, nhanh nhẹn. Năm Hạc 5 tuổi, vợ chồng chị Nguyệt đưa con đi học ở trường dành cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ Thị Nghè, TP HCM.

Tuy nhiên, sau khi Hạc học hết lớp 5, thì giáo viên đề nghị chị Nguyệt nên đổi trường cho Hạc, vì cậu bé khá thông minh: “Thằng nhỏ thông minh lắm, nên cho nó sang trường khác học”. 

Vợ chồng sau đó lại chuyển con sang Trung tâm Bảo trợ – Dạy nghề và Tạo việc làm thành phố. Tuy nhiên, do không có học bạ, nên Hạc phải học lại tiểu học.

Trong những ngày tháng đi học của con, chưa từng có ngày nào chị Nguyệt không có mặt bên con, mang theo đủ thứ đồ dùng bên người. Ngày Hạc còn bé thì đỡ, nhưng đến khi Hạc dần lớn lên, cơ thể cũng nặng hơn trước, tấm lưng chị Nguyệt cũng ngày càng nặng nề, nhưng chị chưa từng than vãn ai một lời.

Cũng vì thường xuyên cõng nặng như vậy mà chị mắc bệnh thoái hóa cột sống từ nhiều năm nay.

Có những lúc trời đổ mưa là khổ nhất, chị Nguyệt chia sẻ: “Nhiều khi trời đột ngột đổ mưa lớn, nước ngập quá ống pô. Ba Hạc phải khua hai chân như mái chèo. Tui thì phải xuống xe, hai tay giữ con khỏi ngã để chồng đỡ mệt”.

Do cả nhà chỉ trùm một tấm áo che mưa, nên chị phải nhường cho con, hôm đó, người chị ướt sũng.

Tối đến vợ chồng chị vẫn ngủ cùng con, bởi đêm đêm chị phải thi thoảng lật người cho Hạc, để con đỡ mỏi. Cả hai vợ chồng chị từ lâu, cũng chẳng có ý định sinh thêm đứa nào nữa, vì lo sợ không thể toàn tâm toàn ý chăm lo cho Hạc.

Năm ngoái, em gái chị Nguyệt đột ngột qua đời, chị cũng chẳng dám về lâu, chỉ dám về một buổi tối để đưa tang, rồi hôm sau lại chạy vội lên Sài Gòn để chăm con.

Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng khi thấy người ta có công việc, có bạn bè – những thứ tưởng bình thường ai cũng đều có thể có. Tôi muốn đi làm nhưng biết không ai chăm sóc con tốt bằng mình”, chị Nguyệt tâm sự.

Rồi một hôm, chị phát hiện mình bị u xơ tử cung, khiến bụng chị to như mang thai 6 tháng, ra máu nhiều, nhưng chị không dám đi chữa, chỉ lấy thuốc về uống cầm chừng.

Đến khi đau quá, chị ngất xỉu trong nhà vệ sinh, mà không ai hay biết, đến khi tỉnh dậy thì chị mới lồm cồm bò đến điện thoại, gọi điện cho cấp cứu.

“Bác sĩ nói bệnh dì ấy nặng lắm rồi, năn nỉ ở lại mổ mà dì ấy không chịu. Nhân viên y tế hỏi gì chị cũng im lặng, sợ phải nhập viện”, chị Nga, 45 tuổi, chị gái của chị Nguyệt kể lại.

Thấy tình hình bệnh ngày càng nghiêm trọng, cả nhà phải khuyên chị đi mổ, nhưng chị kiên quyết không đi, vì sợ mất nhiều thời gian không ai chăm lo cho con. Mãi mà vẫn không thuyết phục được, chị Nga và em gái phải chạy lên Sài Gòn, thuyết phục chị Nguyệt cứ yên tâm để con đó cho 3 người trong nhà thay phiên lo, còn nói dối chị Nguyệt mổ rất nhanh chỉ nằm vài ngày là khỏe. Lúc này chị Nguyệt mới xuôi xuôi mà nghe lời đi mổ.

Còn Hạc thấy mẹ đau đớn như vậy, cũng rưng rưng nước mắt chia sẻ:

“Má có đau cũng cắn răng chịu chứ chưa vào giờ làm em vấp té. Em khuyên má nên tin tưởng để người khác hỗ trợ em dù có thể không được tốt như má. Nhưng má không nghe”.

Đêm trước khi nhập viện, chị Nguyệt còn ôm con thủ thỉ: “Nếu lần này mổ, má chết con tính sao?”. 

Hạc nhìn mẹ kiên quyết: “Má chết thì con chết theo má. Má đi mổ đi còn sống với con”.

May mắn là ca phẫu thuật thành công, chị Hạc khỏe lại, nhưng lần này lại đến phiên Hạc bệnh, em bị ho dữ dội, đến nổi chị Nguyệt phải xin thầy cô cho chị được ngồi học cùng con, tiện chăm sóc, tại Hạc ham học quá, dù bệnh cũng không chịu nghỉ.

Có lần ho dữ quá cả nhà phải chở Hạc đi cấp cứu, lần đó em phải phẫu thuật lắp máy trợ tim.

Trước lúc vào phòng mổ, em nắm tay mẹ, lặp lại câu mẹ từng hỏi “Nếu con chết thì sao?”. 

Lần này chị Nguyệt cũng trả lời: “Con chết thì má theo con chứ sống đâu ý nghĩa gì”.

Bù đắp cho mẹ, là suốt 12 năm liền, Hạc đều dành học sinh giỏi, còn có năng khiếu về nghệ thuật, nên Hạc thường tham gia vào văn nghệ của trường, Hạc chơi piano, đệm đàn cho mọi người biểu diễn.

Do sức khỏe không tốt, nên Hạc dù đủ điều kiện thi đại học, nhưng vẫn quyết định theo học lập trình viên tại trường FPT Aptech. Hạc dự định sau khi học xong 2 năm tại đây, mới học tiếp đại học.

“Mình sức yếu nên phải đi đường vòng. 12 năm gian nan nhất đã qua rồi, giờ chỉ vài bốn năm, đâu nghĩa lý gì”, chị Nguyệt chia sẻ.

Kết quả là sau khi kết thúc môn học đầu tiên là Lập trình ngôn ngữ C, Hạc đạt điểm tuyệt đối 100/100, khiến thầy cô và bạn bè đều nể phục.

“Em biết chỉ có thể học mới thay đổi được số phận và báo đáp công lao trời biển ba mẹ dành cho mình nên luôn cố gắng”, Hạc thủ thỉ.

Và hôm nay, dịp 20/10 hàng năm, Hạc ghép hình mẹ với các địa danh nổi tiếng để tặng. Ước mong của em là muốn được đưa mẹ đi du lịch nhiều nơi, bù đắp những tháng ngày mẹ phải vất vả cho mình, không được đi đâu như nhiều người khác.

Còn với chị Nguyệt, chị chỉ có một ước mơ nhỏ bé, là được đồng hành cùng con cho đến hết cuộc đời. “Còn tôi thì chỉ mong khỏe mạnh, chết sau con để đồng hành cùng nó. Chỉ cần bên con, ở đâu cũng hạnh phúc”.

https://tinhhoa.net/

Related posts

Phong tục biến tướng thành hủ tục: Làm gì để ngăn chặn?

Science

Kinh hoàng, người nhiễm COVID19 nằm la liệt ở Thành Hồ

Science

Trung Quốc “nín thở” ở Kazakhstan: Quân Nga đến rất nguy, chỉ lo kịch bản Crimea tái hiện?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment