Người xưa thường quan niệm Trời đánh kẻ ác. Vì vậy khi một người lính nọ hay làm điều thiện đột nhiên bị sét đánh chết, ai cũng cảm thấy kỳ lạ. Cho đến khi một người lính thâm niên kể ra câu chuyện trước đó 20 năm, mọi người mới vỡ lẽ Đạo Trời là công bằng.
Trong cuốn ‘Tử Bất Ngữ’ của thi nhân Viên Mai thời nhà Thanh có kể một câu chuyện tuy ngắn nhưng khúc chiết, khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Tháng 2 năm Càn Long thứ 3, một binh lính (họ Giáp) trong doanh trại bị sét đánh chết. Người lính này thường không có hành động xấu gì, nên mọi người cảm thấy rất kỳ lạ. Có một anh lính lâu năm ở cùng doanh trại, vào thuở mới đi lính cách đây 20 năm thì học cùng lớp với người lính họ Giáp nên biết rất rõ hoàn cảnh của người lính này.
Người lính lâu năm nói: “Gần đây, anh ấy đã thay đổi và làm điều thiện, nhưng có một điều (điều ác) anh ta đã phạm phải cách đây 20 năm”. Sau đó, người lính này kể cho mọi người nghe về vụ việc xảy ra 20 năm trước.
Hồi đó, một vị tướng dẫn binh lính đi săn ở núi Cao Đình, phía Đông Bắc thành phố Hàng Châu. Anh lính họ Giáp này ở trong đoàn và dựng lều bên vệ đường.
Vào buổi tối, một tiểu ni cô đi ngang bên ngoài lều của Giáp. Thấy trước sau không có ai, anh ta cưỡng ép kéo cô gái nhỏ vào trong lều và chuẩn bị làm việc đồi bại. Tiểu ni cô liên tục chống cự, cuối cùng bị hắn xé quần bỏ lại trong lều. Còn tiểu ni cô thì bỏ chạy ra ngoài. Hắn đuổi theo hơn nửa dặm, nhưng tiểu ni cô trốn vào nhà một nông dân, hắn ta đành phải buồn bã trở về.
Ngôi nhà mà tiểu ni cô vào ẩn náu chỉ có một phụ nữ trẻ và một đứa trẻ, chồng cô đã ra ngoài làm việc. Khi người phụ nữ thấy tiểu ni cô xông vào nhà, thì liền muốn đuổi cô đi. Tiểu ni cô kể về những gì vừa xảy ra với cô và cầu xin được lánh nạn trong nhà nông phụ một đêm. Người nông phụ thương hại nên đồng ý và cho cô mượn một chiếc quần của mình.
Tiểu ni cô hứa: “Ba ngày sau, nhất định tới trả lại quần!”. Trời còn chưa sáng, tiểu ni cô đã rời đi.
Chồng của người phụ nữ đi làm về, cởi quần áo bẩn và chuẩn bị thay đồ. Người nông phụ mở rương quần áo ra, tìm không thấy quần của chồng, trong khi chiếc quần của cô vẫn còn trong đó, rồi cô nhận ra đêm qua mình đã cho tiểu ni cô mượn quần của chồng mình. Người phụ nữ đang tự trách mình thì con trai cô bên cạnh nói: “Tối hôm qua có một hòa thượng đến ở qua đêm”. Chồng cô nghe xong liền bắt đầu hoài nghi, cẩn thận tra hỏi.
Đứa trẻ liền đem chuyện hôm qua kể lại toàn bộ: Một nhà sư đến cầu xin mẹ vào ban đêm, rồi ông ấy ở nhà cả đêm như thế nào, ông ấy mượn quần ra sao, rồi rời đi từ lúc trời còn chưa sáng như thế nào.
Người phụ nữ ở bên dùng mọi cách giải thích, nói là “ni cô” không phải “hòa thượng”, nhưng người chồng không tin. Lúc đầu anh ta chửi bới, sau đó thì đánh cô, cô vừa khóc vừa kể cho hàng xóm nghe, nhờ mọi người phân xử.
Nhưng hàng xóm thấy chuyện xảy ra vào ban đêm không ai tận mắt chứng kiến nên ai cũng bảo không biết. Người phụ nữ vì không chịu nỗi oan uổng, một phút không thông mà treo cổ tự vẫn.