Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Người dân được xây nhà trên đất quy hoạch các dự án ‘treo’ đã quá 3 năm

Theo Luật sửa đổi, quy định cho phép người dân xây mới nhà cửa trên đất quy hoạch các dự án, đồ án “treo” đã quá 3 năm.

Đất thuộc quy hoạch “treo” là diện tích đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, ghi trong kế hoạch sử dụng đất có mục đích, đồng thời đã công bố sẽ thu hồi để thực hiện công trình, dự án nhưng không thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch.

Theo báo Đô Thị, trong nhiều năm qua, tình trạng quy hoạch “treo” ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân có đất thuộc diện quy hoạch. Chẳng hạn, nếu nhà ở bị hư hỏng thì người dân chỉ được phép cải tạo, sửa chữa mà không được xây mới. Điều đó khiến chất lượng cuộc sống giảm sút, gây bức xúc trong dân.

Để khắc phục tình trạng nêu trêu, vào ngày 17/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật số 62/2020 cho phép người dân xây nhà mới trên diện tích đất thuộc quy hoạch “treo” từ 3 năm trở lên. Kể từ ngày 1/1/2021, Luật số 62 này sẽ có hiệu lực.

Cụ thể, theo Luật Xây dựng sửa đổi, mục 5 (khoản 33, điều 1) về “Điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời” quy định trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh; hủy bỏ hoặc có điều chỉnh; hủy bỏ nhưng không công bố, thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn gồm: Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo luật sư Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ với Thanh Niên, quy định này đã giải quyết được những mâu thuẫn vốn đang tồn tại giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

Tại TP.HCM mới đây cũng đã công bố hủy bỏ 62 dự án quy hoạch “treo” đã tạo luồng gió mới trong giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dự án khác cũng đang “treo” kéo dài, chưa được hủy bỏ.

Theo luật sư Cường, để luật đi vào cuộc sống, khi ban hành các nghị định hướng dẫn cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan và cá nhân liên quan và phải bồi thường nếu cá nhân, tổ chức làm sai luật, gây hại cho người dân. Cán bộ làm sai phải bỏ tiền túi ra làm chứ không phải là lấy tiền ngân sách ra bồi thường.

https://www.dkn.tv/

Related posts

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 8/10/2021

Tin Tức Đa Chiều

Nhiều chuyên gia ủng hộ đề xuất lấy nước sông Hồng ‘cứu’ sông Tô Lịch

Tin Tức Đa Chiều

Ám ảnh câu hỏi của bệnh nhân COVID-19: ‘Bao giờ em chết?’

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment