Người dân được đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật, đám cưới, lễ khai trương… song là loại không phát ra tiếng nổ và phát sáng ở tầm thấp.
Trước đó, Chính phủ ban hành nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến ủng hộ tưởng chừng “niềm vui nho nhỏ” và “ký ức tết xưa” đã trở lại.
Trên báo Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Minh Thái (Tân Yên, Bắc Giang) thể hiện sự vui mừng khi hiểu rằng những loại pháo hoa đang bị cấm đốt sẽ được phép sử dụng sau khi nghị định có hiệu lực: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì thực tế có cấm thì lâu nay trong dịp tết hay đám cưới nhiều nơi người dân vẫn đốt.
Cứ cuối năm thì người dân lại mua pháo lậu để đốt tràn lan khi giao thừa. Ở quê tôi chính quyền còn đặt ra quy định mỗi gia đình trước khi chuẩn bị đám cưới phải đóng trước 2 triệu đồng để đảm bảo không đốt pháo thì được trả lại. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận “nộp phạt trước” để được đốt pháo”.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Cty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho Tiền Phong hay, Nghị định 137/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2009 về quản lý và sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Ông cho rằng, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên không mắc bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tuy nhiên, luật sư Nguyên cho rằng, những ngày qua, rất nhiều người lầm tưởng sẽ được đốt mọi loại pháo hoa hiện có. “Pháo hoa theo cách hiểu thông thường hiện nay là loại pháo có ánh sáng phóng lên không trung sau một tiếng nổ; sau khi phóng lên không trung lại tiếp tục nổ để phát ra ánh sáng. Tuy nhiên, trong Nghị định lại phân biệt rất rõ hai loại: Pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ và người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có tiếng nổ” – luật sư Nguyên cho hay.
Cụ thể, trong Nghị định nêu trên, “pháo hoa nổ” được xếp vào loại “pháo nổ” và được định nghĩa: “Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Còn “pháo hoa” được định nghĩa: “Pháo hoa là loại pháo không gây ra tiếng nổ, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.
Đối chiếu với thực tế, luật sư Nguyên cho hay, Nghị định chỉ cho phép người dân sử dụng các loại pháo phát sáng kèm tiếng xì xì mà hiện nay người ta vẫn sử dụng ở các sân khấu khi tổ chức đám cưới, lễ khởi công, khánh thành. “Tôi chưa biết, tới đây, các doanh nghiệp Quốc Phòng sẽ sản xuất các loại pháo hoa không có tiếng nổ sẽ như thế nào nhưng theo Nghị định, loại pháo hoa nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được các cơ quan Nhà nước bắn vào dịp Tết, lễ hội quan trọng, người dân không được tự ý sử dụng. Loại pháo hoa kèm tiếng nổ lâu nay vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc theo Nghị định vẫn không được sử dụng”, Luật sư Nguyên phân tích.
Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn Quản lý Vật liệu nổ thược (Bộ Công an) cho Báo VnExpress biết, quy định tại nghị định 137 mới nêu rõ người dân phải mua pháo hoa ở các cửa hàng của quân đội, nơi được phép mua bán loại pháo hoa này. Còn mua ở các hiệu tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng luật.
Theo quy định, trường hợp vận chuyển, mua bán, sử dụng từ 6 kg pháo trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Người dân, tổ chức sử dụng các loại pháo hoa nổ trái phép sẽ bị xử phạt từ đến 2 triệu đồng; trường hợp mua bán, sản xuất trái phép loại pháo hoa này sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
https://www.dkn.tv/