Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Nghi án các công ty Trung Quốc thu thập dữ liệu gen: Mục đích sâu xa ẩn sau những thỏa thuận tiền tỷ

Theo các giới chức tình báo, các công ty và nhà nghiên cứu Mỹ cần chú ý hơn trong vấn đề này để có một chiến lược phù hợp chống lại các mối đe dọa như vậy.

Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ (NCSC) cảnh báo các công ty Trung Quốc có thể đang tìm cách thu thập dữ liệu gen từ khắp nơi trên thế giới để phục vụ mục đích riêng của nước này: phát triển cơ sở dữ liệu sinh học lớn nhất thế giới.

NHỮNG LĨNH VỰC… BỊ NHẮM TRỌNG TÂM

Trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, khoa học sinh học, chất bán dẫn và các công nghệ khác liên quan đến lĩnh vực được gọi là kinh tế sinh học là 5 lĩnh vực quan trọng mà các công ty Trung Quốc nhắm trọng tâm trong chiến lược thu thập dữ liệu gen.

Vì vậy, theo các giới chức tình báo, các công ty và nhà nghiên cứu Mỹ cần chú ý hơn trong vấn đề này để có một chiến lược phù hợp chống lại các mối đe dọa như vậy.

Tuy nhiên, theo NCSC, các quan chức này nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa buộc phải tách rời hoàn toàn khỏi các công ty và cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc (thường vốn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ) nhưng Washington cần phải hiểu rằng chính phủ Trung Quốc có kế hoạch quốc gia toàn diện nhằm thống trị trong các lĩnh vực này.

“Chúng tôi không nói hai bên cần phải tách rời nhau hoàn toàn, nhưng nếu bạn định kinh doanh ở Trung Quốc, hãy tỉnh táo về điều đó”, New York Time dẫn lời ông Michael Orlando, quyền giám đốc trung tâm phản gián, một nhánh của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ.

Và giới chức tình báo Mỹ cảnh báo, Washington cần bảo mật tốt hơn các công nghệ quan trọng trên nếu không muốn “sẽ hoàn toàn bị đẩy ra khỏi những lĩnh vực quan trọng này trong tương lai”.

Edward You, nhân viên phản gián quốc gia về các công nghệ mới nổi và đột phá tại NCSC cho biết, chính phủ Trung Quốc đang thu thập dữ liệu y tế, sức khỏe và gen trên khắp thế giới. Và theo ông, vấn đề không chỉ là đánh mất tài sản trí tuệ, mà là mất đi một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh.

Theo ông You, công nghệ y tế là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Ông dẫn ví dụ về BGI, một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc. Theo ông, công ty này đã phối hợp với quân đội Trung Quốc nhằm cho phép họ thu thập thông tin từ hàng triệu người trên khắp thế giới. Công ty này đã có được chỗ đứng ở Mỹ vào năm 2013, khi BGI mua một công ty gen của Mỹ.

Ông cho biết, Bắc Kinh có thể đang tìm cách thu thập ADN của người Mỹ sau khi BGI từng đề nghị xây dựng và vận hành các phòng xét nghiệm Covid-19 tại nhiều nơi ở Mỹ như Washington, New York, California và một số bang khác.

BGI đã bán hàng triệu bộ xét nghiệm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó có tại châu Âu, Australia và Mỹ. Các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo các phòng thí nghiệm nước này về việc sử dụng các bộ xét nghiệm của Trung Quốc do lo ngại về việc Bắc Kinh tìm cách thu thập dữ liệu gen ở nước ngoài cho nghiên cứu của riêng nước này. BGI đã bác bỏ nghi vấn đó.

Bởi vì theo ông, nước nào xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tốt nhất sẽ có lợi thế hơn trong việc phát triển các phương pháp điều trị cho các đại dịch trong tương lai, và Trung Quốc hiện có lợi thế hơn.

Ông You cũng cho biết, một công ty khác của Trung Quốc là WuXi Biologics đã mua nhà máy sản xuất của Bayer ở Đức, nhà máy sản xuất của Pfizer ở Trung Quốc và Tập đoàn CMAB Biopharma ở Trung Quốc.

Do các khoản đầu tư chiến lược của Bắc Kinh trên toàn cầu vào lĩnh vực công nghệ sinh học và dược phẩm, các công ty khoa học sinh học của Mỹ sản xuất vắc xin và các sản phẩm công nghệ sinh học khác có thể mặc định rằng, họ sử dụng các nhà máy do Trung Quốc kiểm soát.

Tuy nhiên, người phát ngôn của BGI đã bác bỏ và cho rằng: “Đây là một ví dụ về thông tin sai lệch, được lan truyền để hỗ trợ một chương trình nghị sự cụ thể nào đó.

Cho đến nay, WuXi Biologics cũng không trả lời yêu cầu bình luận về vụ việc này.

MỐI LO CHO KHU VỰC TƯ NHÂN MỸ

Một con cá mập robot được trưng bày tại một hội nghị về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Khu vực tư nhân Mỹ từ lâu đã bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung, và đang phải vật lộn để cân bằng lợi ích kinh tế khi hợp tác thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như nhu cầu bảo vệ công nghệ của Mỹ. Washington ngày càng lo ngại về các mối đe dọa an ninh quốc gia trong các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Ông Orlando cũng cảnh báo Trung Quốc cũng như các quốc gia khác đang cố gắng thống trị những công nghệ này và đang sử dụng cả các biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp để có được công nghệ của Mỹ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, cộng đồng tình báo, nơi đánh giá các mối đe dọa công nghệ của các nước ngoài mỗi năm, đã liên tục cảnh báo các công ty và học giả về những nguy cơ này từ Trung Quốc. Và báo cáo được công bố hôm 21/10 là hồi chuông cảnh báo mới nhất khiến Mỹ cần nhìn lại kỹ càng hơn vấn đề này cũng như thu hút sự chú ý nhiều hơn của các nước đến những mối đe dọa như thế này.

Báo cáo cho biết, Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt được vị trí số 1 trong lĩnh vực các công nghệ mới nổi vào năm 2030 và chính phủ nước này đã áp dụng nhiều phương pháp để có được các công nghệ tiên tiến – bất kể thông qua hình thức nào – gián điệp, đầu tư trực tiếp vào công nghệ Mỹ, hợp tác học thuật, liên doanh và mua lại.

Báo cáo cho biết thêm, các công ty và học giả Mỹ cần phải hiểu họ đang kinh doanh với ai bằng cách xem xét nền tảng của các nhà cung cấp, đối tác và nhà đầu tư của họ. Các công ty Mỹ cũng nên biết rằng, theo luật, tất cả các tổ chức ở Trung Quốc phải chia sẻ thông tin với chính phủ khi được yêu cầu.

“Các công ty nên tăng cường cảnh giác chống lại hành vi trộm cắp từ cả bên trong và bên ngoài tổ chức thông qua gián điệp và tấn công mạng”, báo cáo cho biết.

NCSC đã nêu bật những rủi ro an ninh xung quanh các kế hoạch thu hút nhân tài của các nước, chẳng hạn như kế hoạch “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc nhằm tuyển dụng nhân tài công nghệ ở nước ngoài. Báo cáo cũng chia sẻ các phương pháp hay nhất để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng nhằm vào các thiết bị cá nhân, các nguy cơ tiềm ẩn từ các tương tác trên mạng xã hội cũng như các nguy cơ bị tấn công mạng tiềm ẩn khi đi du lịch nước ngoài.

Đề cao sự cạnh tranh về tài năng trí tuệ nhân tạo (AI), báo cáo cho biết, Trung Quốc “sở hữu sức mạnh, tài năng và tham vọng có khả năng vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI trong thập kỷ tới nếu xu hướng hiện tại không thay đổi”.

Related posts

Ông Trump thành lập ‘Văn phòng cựu tổng thống’ ở Florida

Tin Tức Đa Chiều

Thưa ngài, có thứ gì đó dính trên cằm: Sự cố xấu hổ của Joe Biden

Science

Người dân bỏ về, từ chối tiêm chủng vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment