Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, xin kể những câu chuyện thú vị về truyền thống làm đẹp của phụ nữ nước ta được ghi chép dọc chiều dài lịch sử, văn hóa, quan niệm dân gian.Tùy theo tiêu chuẩn về sắc đẹp của từng thời kỳ lịch sử mà phụ nữ Việt Nam có những cách nhìn nhận về chuyện làm đẹp khác nhau, nhưng có chung quan niệm về sự hòa hợp giữa vẻ bên ngoài và vẻ đẹp tâm hồn, thể hiện qua công – dung – ngôn – hạnh làm nên sự duyên dáng, nền nã, dịu dàng, vén khéo, tài năng của
phụ nữ.
Trước hết về trang phục, phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa đã ý thức phải chỉn chu, lịch sự, chuẩn mực và có khi xem đó là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh trong những hoàn cảnh đặc biệt. Sách “Việt sử tiêu án” (Bộ sử viết bởi Ngô Thì Sĩ, ghi lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến khi bị nhà Minh xâm lược) kể câu chuyện bà Trưng Trắc ra quân khi chưa hết tang chồng, nhưng vẫn trang phục chỉnh tề và trang trọng, chứ không mang lễ tang áo rũ. Khi được hỏi vì sao, bà giải thích việc binh phải tòng quyền, việc nước nặng hơn tang nhà, nếu giữ lễ tang áo rũ, sẽ tạo hình ảnh buồn bã, làm giảm nhuệ khí ba quân.
Từ xưa, phụ nữ Việt Nam quan niệm “cái răng cái tóc là gốc con người”. Quan niệm về răng thì tùy tập quán và góc nhìn của từng thời mà có lúc răng đen được xem là chuẩn mực của vẻ đẹp. Tuy nhiên, dù là răng đen hay trắng thì ca dao vẫn ghi nhận: “Mình về mình nhớ ta chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Về tóc, phụ nữ Việt Nam nói chung luôn có những bí quyết dân gian để tóc luôn óng mượt, chắc khỏe, thơm tho. Ví dụ như ở Nam Bộ, các dì và các chị luôn quan tâm vấn đề làm khỏe mạnh da đầu và tóc, bằng cách thường xuyên gội đầu bằng nước tro bếp lóng trong, nấu và xông hoa bưởi, rồi xức chải bằng dầu dừa.
Nhờ đó tóc của phụ nữ óng mượt, dễ tạo dáng, góp phần làm nên nét đẹp duyên dáng khó quên của nữ giới Việt Nam. Tuổi cập kê thì tóc xõa ngang lưng tha thướt yểu điệu, đi vào ca dao: “Tóc ngang lưng vừa chừng em bới/ Ðể chi dài bối rối dạ anh”; hoặc cột đuôi gà nhí nhảnh qua câu ca dao “Một thương bỏ tóc đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên”. Nếu ở tuổi đã là bà, là mẹ, thì phụ nữ chọn kiểu làm duyên bằng cách bới tóc thả bánh lái “ba vòng một ngọn”…
Về chuyện sơn móng tay, đã có từ xa xưa, khi người ta chưa biết sơn mà chỉ biết nhuộm. Phẩm nhuộm là loại lá mà dân gian gọi “lá nhuộm móng tay”, đem giã nát rồi đắp lên móng tay, lấy lá vông cột trùm lại, để một đêm, sáng ra móng tay sẽ đỏ đẹp như màu son. Cứ vào dịp Tết Ðoan ngọ (mùng 5 tháng 5), đa số phụ nữ nhuộm móng tay, tục này vừa để trừ tà theo quan niện dân gian, vừa để làm đẹp. Người ta cũng nhuộm móng tay cho trẻ con, nhưng không nhuộm ngón tay trỏ, vì cho rằng phải kiêng. Con trai đến tuổi lớn không sợ tà ma nữa thì bỏ tục, còn con gái thì vẫn nhuộm móng tay để làm đẹp.
Một tập quán làm đẹp phổ biến khác là vẽ lông mày, thường là dùng bút mực màu đen tô cho đôi lông mày đen hơn, đậm hơn, nhưng lại nhỏ và cong lên như hình vòng nguyệt, gọi là mày ngài. Mày ngài cùng với mắt phượng được coi là nét đẹp chuẩn của phụ nữ phương Ðông. Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử rất chú ý đôi mày và trang điểm sao cho thật đẹp. Nên cụ Lê Quý Ðôn mới ghi trong “Vân đài loại ngữ” rằng: “Ðàn ông thì lấy trâm cài tóc, đàn bà thì vẽ lông mày, không ai bỏ được”.
Còn ca dao có câu: “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mấy trắng chung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng/ Ðể anh mua gạch Bát Tràng về xây/ Xây dọc rồi lại xây ngang/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân/ Có rửa thì rửa chân tay/ Ðừng rửa lông mày chết cá ao anh”.Từ ngàn xưa tiền nhân đã biết điều chế ra nhiều loại son, phấn, sáp thơm, nước hoa. Hầu hết hương liệu đều lấy từ thực vật, nhiều nhất là hoa. Người bình dân miền thôn dã cũng dùng cả lá (như sả, tràm, bưởi, bạch đàn), quả (như vỏ bưởi, thắng cơm dừa nạo, bồ kết), vỏ cây (như quế)… Nói chung loại nào có hương thơm và có tác dụng làm đẹp thì dùng.
Từng vùng miền đều có sản xuất các loại hương quý như trầm hương, bạch đàn, quế, long não, kỳ nam, uất kim, tường vi, giáp hương (một loại hương trầm)… Nhiều loại hương quý ấy phối hợp lại, chế thành hợp hương để ướp tẩm son môi, pha chế nước súc miệng, xông hương cơ thể… Người ta chú ý nhất đến hoa bưởi. Sách “Quế hải ngu hành chí” nói: “Bào hoa, người Nam gọi là du hoa, tức hoa bưởi, nở về cuối mùa xuân, nhụy tròn, trắng như hạt châu lớn, đã chiết thì giống như hoa trà, hương rất thơm nhẹ. Người ta hái hoa ấy nấu nước thơm, phong vị rất thú”. Ông Lê Quý Ðôn thì ghi nhận: “Nay tục nước nhà, người ta hái hoa bưởi theo cách cất rượu mà cất nước hoa. Lấy mấy giọt nước hoa ấy bôi vào đầu thì thấy thơm mát. Những nhà quý phái thường dùng để tặng nhau”. Nói chung, trong quan niệm làm đẹp của phụ nữ Việt, hương thơm là không thể thiếu.
Cụ Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa” có thuật kể: “Hồi Tây mới đến, có Cô Ba, con gái thầy thông Chánh, là đẹp không ai bì; đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem nhà thơ dây thép (bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: xà bông Cô Ba”. Từ lời thuật kể trên có thể hiểu phụ nữ đẹp khi biết cách tôn vẻ tự nhiên và tạo sự tự tin riêng có. Cách nhìn về cái đẹp như thế đến nay vẫn còn giá trị.