Hôm 25/8,, trong chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam, phó Tổng thống Kamala Harris thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 1 triệu liều vắc-xin cùng với các viện trợ bổ sung khác cho Việt Nam.
Phát biểu đầu cuộc gặp song phương với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, bà Harris cho biết lô vắc-xin sẽ đến trong vòng 24 giờ tới. Tổng cộng, Hoa Kỳ đã tặng Việt Nam 6 triệu liều vắc-xin.
Ngoài vắc-xin, Mỹ sẽ cung cấp 23 triệu USD cho Kế hoạch Cứu hộ Mỹ và tài trợ khẩn cấp thông qua Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để giúp Việt Nam mở rộng phân phối và tiếp cận vắc-xin cũng như chuẩn bị cho các mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang vận chuyển 77 tủ đông để bảo quản vắc-xin cho Việt Nam.
Khoản viện trợ mới nằm trong một loạt các thông báo về quan hệ đối tác và hỗ trợ cho Việt Nam được đưa ra trong chuyến thăm của bà Harris tới quốc gia Đông Nam Á này.
Chúng bao gồm các khoản đầu tư mới để giúp Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch hơn và mở rộng việc sử dụng xe điện, giảm thuế đối với hàng nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hàng triệu đô la viện trợ để rà phá vũ khí chưa nổ còn sót lại trong Chiến tranh Việt Nam.
Trước đó, bà Harris đã có chuyến thăm Singapore hồi đầu tuần nhằm tăng cường các mối quan hệ của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúcc, bà Harris cũng bày tỏ ủng hộ việc gửi thêm một tàu tuần duyên của Hoa Kỳ đến Việt Nam để giúp bảo vệ lợi ích an ninh của nước này ở Biển Đông.
Bà Harris cũng lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh vì âm mưu bá quyền ở biển Đông.
Bà nói tại Hà Nội: “Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh để họ phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và thách thức các hành động bắt nạt và yêu sách hàng hải thái quá của nước này”. “Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông” để thách thức Trung Quốc.
Trước đó, tại Singapore, bà Harris cũng đã lên án các hành động của Trung Quốc ở biển Đông là “ép buộc” và “đe dọa.”
Bà Harris cũng đã nâng tầm quan hệ với Việt Nam từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ ra mắt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Văn phòng CDC mới sẽ là một trong bốn văn phòng khu vực trên toàn cầu, tập trung vào việc hợp tác với các chính phủ khu vực về nghiên cứu và đào tạo để đối phó và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Vào buổi chiều ngày 25/8, bà Harris sẽ tham gia một sự kiện an ninh y tế với các bộ trưởng y tế từ nhóm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Papua New Guinea.
Nhưng ngay cả khi bà Harris hy vọng sẽ tập trung hoàn toàn vào các mục chính trong chương trình nghị sự ở Việt Nam, chuyến thăm của bà đã xuất hiện một số lo ngại về vấn đề an ninh; cũng như trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tập trung nỗ lực sơ tán công dân khỏi Afghanistan.
Chuyến bay của Harris đến Việt Nam đã bị hoãn nhiều giờ hôm thứ Ba sau khi văn phòng phó Tổng thống được thông báo về khả năng có thể xảy ra của cái gọi là “Hội chứng Havana” ở Hà Nội, theo các quan chức chính quyền. Hội chứng Havana là tên gọi của một loạt các sự cố sức khỏe bí ẩn được báo cáo lần đầu tiên bởi các nhà ngoại giao Mỹ và các nhân viên chính phủ khác ở thủ đô Cuba bắt đầu vào năm 2016.
Và việc bà Harris tới thăm Việt Nam khi Hoa Kỳ đang cố gắng giải quyết khủng hoảng Afghanistan cũng đã gợi lại cho nhiều người về những ký ức không mấy tốt đẹp của cuộc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1975.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Hagerty, một đảng viên Cộng hòa Tennessee và là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, lưu ý rằng bà Harris sẽ cần phải trấn an người Việt Nam rằng Mỹ vẫn là “ngọn hải đăng của tự do trên thế giới” và là một “đối tác mạnh mẽ” trong khu vực.