Theo như nhiều nhà quan sát, việc Mỹ dứt khoát rút khỏi « bãi lầy » Afghanistan là một bước ngoặt chiến lược giúp Washington rảnh tay tập trung đối phó với các tham vọng của Bắc Kinh tại châu Á, sau hai thập niên can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan không mang lại kết quả, cuộc rút quân bị lên án là tháo chạy trong « hỗn loạn », đang làm tổn hại hình ảnh của Hoa Kỳ.
Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bước chuyển chiến lược này: Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã công du châu Á (từ ngày 22 đến ngày 26/08/2021) ngay vào lúc đang diễn ra cuộc di tản ồ ạt khỏi Afghanistan, mà nhiều người ví với biến cố chế độ Sài Gòn thất thủ năm 1975, sau khi quân đội Mỹ rút đi. Điểm đến của phó tổng thống Harris là Singapore và Việt Nam, hai quốc gia được coi là đồng minh và đối tác hàng đầu của nước Mỹ trong thế trận ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Chống tham vọng Bắc Kinh ở Biển Đông : Nước Mỹ dẫn đầu
Chuyến công du ngoài châu Mỹ đầu tiên của phó tổng thống Hoa Kỳ kể từ khi nhậm chức là đến châu Á là nhằm trấn an các đồng minh và đối tác châu Á lo ngại trước nguy cơ trong tương lai Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh tương tự như điều đang xảy ra tại Kabul, thủ đô Afghanistan. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyến công du của bà Harris cho thấy nước Mỹ đang ở thế công, chứ không phải thế thủ.
Trong chuyến đi châu Á này, phó tổng thống Mỹ đã liên tục lên án Bắc Kinh « làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đe dọa chủ quyền quốc gia » của các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông, cũng là con đường hàng hải quốc tế huyết mạch. Theo chuyên gia về Trung Quốc và châu Á Ryan Hass, Viện tư vấn Brookings Institution, các diễn biến ở Kabul sẽ không có tác động đáng kể đến uy tín của nước Mỹ tại châu Á.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, vị chuyên gia này giải thích : « Uy tín của Hoa Kỳ dựa trên các lợi ích chung với các đối tác trong khu vực để chống lại sức mạnh gia tăng của Trung Quốc, và để duy trì giai đoạn hòa bình lâu dài, đã cho phép sự phát triển nhanh chóng của kinh tế khu vực ». Việc tái khẳng định vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại các tham vọng bành trướng của Bắc Kinh khiến uy tín của Hoa Kỳ tiếp tục được củng cố.
Rút quân, nhưng không từ bỏ địa bàn chiến lược
Việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan rõ ràng là để lại khoảng trống mà Trung Quốc chắc chắn sẽ nhanh chóng khai thác. Theo cựu quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ Derek Grossman, chuyên gia tại Viện tư vấn quân sự Rand Corporation, chính quyền Bắc Kinh sẽ gấp rút thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban, để khẳng định vị thế. Derek Grossman nhấn mạnh : « Việc công nhận một nước Afghanistan do Taliban lãnh đạo sẽ góp phần khẳng định quan điểm là chính Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ quyết định tương lai của khu vực ».
Theo giới quan sát, nếu như chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden tiếp tục chiến lược tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, vào vùng Biển Đông, thì Afghanistan tiếp tục vẫn sẽ là một địa bàn chiến lược. Rút quân khỏi Afghanistan không đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ từ bỏ hoàn toàn địa bàn chiến lược này.
Afghanistan : Mặt trận cạnh tranh hàng đầu với Trung Quốc
Chính trong thách thức này mà cách thức rút quân của nước Mỹ khỏi Afghanistan có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cách thức sang trang cuộc can thiệp quân sự hai thập niên của nước Mỹ là một trong các trắc nghiệm đầu tiên về khả năng Hoa Kỳ tiếp tục vai trò đứng đầu trong mặt trận chống bành trướng Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đang dần dần hình thành.
Việc ví cuộc rút quân khỏi Kabul 2021, cùng sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền « thân Mỹ », với sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn năm 1975, có nguy cơ che lấp một thực tế là nước Mỹ đã và đang nỗ lực kiểm soát « bước ngoặt chiến lược » rút quân khỏi quốc gia Nam Á này, để tập trung đối phó với Trung Quốc. Không để Afghanistan ngả vào vòng tay Bắc Kinh là một trong những thách thức hàng đầu của nước Mỹ tại châu Á.
Rút quân nhanh chóng, rút quân đúng thời hạn cam kết với Taliban, hạn chế tối đa dùng vũ lực để không chuốc thêm thù oán, duy trì nhiều kênh quan hệ với chính quyền mới tại Kabul, … là những bước đi theo hướng này. Trả lời phỏng vấn RFI ngày 31/08/2021, chuyên gia Martin Quencez, Viện tư vấn Mỹ German Marshall Fund, nhấn mạnh đến hợp tác giữa Hoa Kỳ với Taliban để chống khủng bố tại Afghanistan như là một trong các lĩnh vực cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những tháng tới.