Việc tàu sân bay duy nhất của Mỹ đang đồn trú ở châu Á – Thái Bình Dương là USS Ronald Reagan được điều động khỏi khu vực khiến dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng nước này đặt nhẹ việc đối phó Trung Quốc?
Tờ The Wall Street Journal ngày 27.5 đưa tin hải quân Mỹ sắp điều tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76), đang đồn trú tại Yokosuka (Nhật Bản), đến sát Afghanistan để hỗ trợ việc rút quân của Mỹ khỏi nước này. Là tàu sân bay duy nhất của Mỹ đồn trú tại châu Á – Thái Bình Dương, USS Ronald Reagan được điều động cho nhiệm vụ mới đồng nghĩa với việc Lầu Năm Góc tạm thời không còn đồn trú bất cứ tàu sân bay nào ở khu vực.
Điều đó có thể tạo ra thắc mắc về việc Mỹ nhiều lần cam kết tham gia đảm bảo an ninh trong khu vực cũng như nỗ lực đối phó các hành vi gây quan ngại của Trung Quốc. Bởi Washington có nhiều tàu sân bay, nhưng tại sao lại rút USS Ronald Reagan rời khỏi châu Á – Thái Bình Dương vào lúc này, khi tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng và diễn biến ở Biển Đông lẫn biển Hoa Đông đều ẩn chứa nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Vẫn duy trì sức mạnh tàu sân bay
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Mỹ vẫn còn đồn trú nhiều khí tài uy lực trong khu vực để có thể duy trì sức mạnh quân sự răn đe Trung Quốc.
“Tàu sân bay chỉ là một trong các chọn lựa của Mỹ. Nước này còn có oanh tạc cơ chiến lược tầm xa, tàu đổ bộ tấn công, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa…”,
TS Nagao nêu và cho rằng khi cần thiết thì Washington vẫn có thể điều động khẩn cấp tàu sân bay từ nơi khác đến.
Hồi đầu tháng 4, Mỹ cùng lúc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island đến Biển Đông. Trong đó, nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ USS Makin Island có tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island mang theo máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình F-35. Đây là tàu đổ bộ tấn công thuộc lớp Wasp có chiều dài khoảng 260 m cùng độ choán nước hơn 40.000 tấn, tương đương với một tàu sân bay cỡ nhỏ.
Hồi tháng 3.2020, Washington cũng từng triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tác chiến viễn chinh USS America. Trong đó, nhóm tác chiến viễn chinh được dẫn đầu bằng tàu đổ bộ tấn công USS America thuộc lớp America.
Gần đây, Mỹ đã nâng cấp các lớp tàu đổ bộ tấn công America và Wasp cho phép mang theo chiến đấu cơ tàng hình F-35 phiên bản cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng.
Nhờ đó, các tàu đổ bộ có thể hoạt động như tàu sân bay. Vì thế, các tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp hay America thực tế có thể tác chiến như tàu sân bay. Hiện nay, chiếc USS America đang đồn trú tại Nhật Bản, nên về bản chất thì Mỹ vẫn duy trì sức mạnh tàu sân bay ở khu vực.
Ngoài ra, Washington còn đang đồn trú lực lượng chiến hạm hùng hậu, từ các loại như chiến hạm cận bờ, tàu khu trục, tàu mẹ đổ bộ… cho đến tàu ngầm hạt nhân để tạo nên khả năng răn đe quân sự cao.
Thế trận không quân
Bên cạnh đó, không quân Mỹ cũng mang uy lực mạnh mẽ trong khu vực. Từ năm ngoái, Washington bắt đầu thể hiện sách lược đối phó khẩn cấp và khó đoán bằng cách điều oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer từ lục địa Mỹ bay trực chỉ đến Biển Đông cũng như một số vùng biển ở châu Á – Thái Bình Dương.
Không những vậy, Washington gần đây cũng thường xuyên điều động nhiều oanh tạc cơ chiến lược như B-1 Lancer, B-2 Spirit và B-52 đến các căn cứ ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản và đảo Guam, tạo nên thế trận hỏa lực bao trùm cả Biển Đông, bao gồm các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trong đó, oanh tạc cơ B-1 Lancer có thể được trang bị tên lửa chống tàu chiến AGM-158C LRASM có tầm bắn xa và độ thông minh cao, tạo nên sức mạnh lớn trên biển.
Hiện diện tại các căn cứ trên thậm chí nhiều lúc còn có cả máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình F-22, F-35. Cuối năm 2020, không quân Mỹ đã điều động oanh tạc cơ B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ Andersen trên đảo Guam bay đến Biển Đông. Tại Biển Đông, oanh tạc cơ B-1 tham gia cuộc tập luyện với 2 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22. Cuộc tập trận nhằm nhấn mạnh năng lực phối hợp không quân Mỹ để tác chiến. Chính vì thế, không quân Mỹ cũng có sức mạnh răn đe lớn tại các vùng biển trong khu vực.
Tin mới:
Nhật và châu Âu quan ngại tình hình eo biển Đài Loan
Trong hội nghị trực tuyến ngày 27.5, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã thảo luận về Trung Quốc, theo NHK đưa tin. Thủ tướng Nhật Bản và các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực ngày càng gia tăng. Họ cũng ra thông cáo chung mạnh mẽ phản đối những nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Theo tờ Yomiuri, đây là lần đầu tiên 3 nhà lãnh đạo trên nhắc đến vấn đề Đài Loan trong thông cáo chung. Ngoài ra, họ cũng khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển một cách hòa bình và hợp tác để giúp EU mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tàu tác chiến cận bờ của Mỹ “phá hoạt động của Trung Quốc” ở Biển Đông
Chuyên trang USNI News hôm qua dẫn lời Phó đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ, cho hay khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (TR) tạm dừng hoạt động 3 tháng hồi năm 2020 vì Covid-19. Trong lúc đó, 2 tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords (Gabby) hoạt động tích cực ở Biển Đông. “Gabby đã kiểm soát khá nhiều phía nam Biển Đông khi TR dừng ra khơi… vì Covid-19. Gabby chỉ hiện diện ở đó, xua đuổi, phá các hoạt động của Trung Quốc. Đó là công việc khá ấn tượng”, ông Merz phát biểu tại một hội thảo về công nghệ thủy lôi quốc tế ngày 27.5.
Giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định hải quân Trung Quốc đặc biệt chú ý đến USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords khi hai tàu này hoạt động ở Biển Đông. Khi một tàu khu trục Mỹ hoạt động ở Biển Đông thì hải quân Trung Quốc cho một chiến hạm bám đuôi. Tuy nhiên, khi hai tàu USS Montgomery và USS Gabrielle Giffords hiện diện ở vùng biển này thì có tới 3 tàu chiến Trung Quốc theo dõi.
Tin nóng:
Khách hàng Áo sốc khi ào thẩm mỹ viện làm đẹp thấy thi thể chết trong ”tủ nhuộm da”